Tại Tọa đàm “Kết nối chuỗi cung ứng và giải pháp nâng cao giá trị thương hiệu ngành rau, hoa, quả Việt Nam” vừa diễn ra tại Hà Nội, đánh giá về chuỗi cung ứng ngành rau quả Việt Nam, ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (Doveco) cho hay, thời gian gần đây, từ nông dân đến các doanh nghiệp đã có những thay đổi nhận thức về chuỗi cung ứng rau quả, từ đó có những hành động cụ thể, góp phần thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu rau quả tăng trưởng.
Dù đã đạt được nhiều kết quả tích cực, nhưng chuỗi cung ứng rau quả của Việt Nam vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức. Thứ nhất là vấn đề trong khâu sản xuất.
Theo ông Tùng, dù Việt Nam có nhiều tiềm năng mở rộng diện tích canh tác rau quả, nhưng việc sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ, đặc biệt là tại các tỉnh Tây Bắc. Tình trạng này khiến việc áp dụng cơ giới hóa và khoa học kỹ thuật gặp khó khăn trong các khâu sản xuất để tạo nguồn nguyên liệu phục vụ cho nhà máy chế biến và tiêu thụ.
Đáng chú ý, ông Tùng cũng đề cập đến việc nông dân còn thiếu kiến thức trong sử dụng phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật. “Nguồn nguyên liệu hiện nay chưa đáp ứng được xu hướng tiêu dùng organic của nhiều thị trường trên thế giới”, ông Tùng nhấn mạnh.
Về khâu chế biến, ông Tùng cho hay, đến nay các doanh nghiệp lớn đầu tư vào chế biến sâu vẫn rất hạn chế, đặc biệt là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Theo ông, việc đầu tư công nghệ chế biến sâu để đáp ứng yêu cầu của các thị trường khó tính thường chi phí đầu tư cao. Tuy nhiên, Doveco đã rất nỗ lực trong vấn đề này.
Ông Tùng chia sẻ: “Doveco năm nay đã bước sang tuổi 69, sang năm sẽ tròn 70 tuổi. Chúng tôi tự hào là doanh nghiệp làm chủ về công nghệ, là một trong những số ít đơn vị có chuỗi khép kín từ khâu trồng trọt làm nguyên liệu, đưa về nhà máy chế biến và trực tiếp tiêu thụ sản phẩm ra thị trường quốc tế. Hiện Doveco xuất khẩu đến hơn 40 thị trường trên toàn cầu”.
Đối với khâu tiêu thụ, theo ông Tùng, nông dân đến nay vẫn chủ yếu dựa vào các kênh truyền thống như chợ và siêu thị. Việc có những hợp đồng liên kết bao tiêu, tiêu thụ rõ ràng không nhiều vì tư duy hàng hóa và tư duy thị trường của nông dân chưa được hình thành đáng kể.
Đề cập đến các giải pháp nhằm tăng cường kết nối chuỗi cung ứng và nâng cao giá trị thương hiệu ngành rau quả Việt Nam, ông Tùng nhấn mạnh, yếu tố đầu tiên chính là chất lượng, phải quản lý chất lượng sản phẩm ngay từ khâu nguyên liệu đầu vào. Cần phải định hướng cho nông dân là hiện nay thị trường cần cái gì, tránh để xảy ra tình trạng được mùa mất giá và chạy theo xu thế như những năm vừa qua.
“Hiện nay, các cơ quan quản lý nhà nước đã có những định hướng rõ ràng cho ngành rau quả, tuy nhiên việc triển khai thực hiện của nông dân còn mang tính chạy theo xu thế”, ông Tùng nói.
Ngoài ra, nhà nước cần quy hoạch các vùng trồng cây ăn quả phù hợp với địa lý, khí hậu và thổ nhưỡng từng khu vực. Ông Tùng khẳng định: “Với khoa học kỹ thuật phát triển, chúng ta có thể đầu tư vào phân bón, giống cây trồng để tăng năng suất và chất lượng, nhưng có một yếu tố mà chúng ta không đầu tư được, đó là khí hậu”.
Giải pháp khác được ông Tùng nhấn mạnh là sự đa dạng hóa và đổi mới sản phẩm. Theo ông Tùng: “Cần phải có những chính sách, quyết định liên quan đến thị trường, từ đó giúp doanh nghiệp và nông dân quyết định sản xuất những sản phẩm phù hợp với nhu cầu và thị hiếu tiêu dùng”.
Cuối cùng, Phó Tổng Giám đốc Doveco nhấn mạnh vai trò quan trọng của hợp đồng kinh tế trong xây dựng mối liên kết bền vững giữa nông dân và doanh nghiệp. Theo ông, chính quyền địa phương cần vào cuộc mạnh mẽ hơn để đảm bảo các hợp đồng được thực hiện một cách minh bạch và nghiêm túc. Điều này không chỉ giúp nông dân ổn định đầu ra mà còn tạo động lực cho các doanh nghiệp đầu tư dài hạn vào ngành rau quả Việt Nam.
Nguồn: nongnghiep.vn