Chăn nuôi công nghệ cao là hoạt động sản xuất ứng dụng các kỹ thuật, công nghệ hiện đại để gia tăng năng suất, đồng thời đáp ứng được chất lượng an toàn thực phẩm đưa đến người tiêu dùng.
GS.TS Nguyễn Trọng Ngữ, Phó Hiệu trưởng Trường Nông nghiệp (Đại học Cần Thơ) phân tích, bản chất của chăn nuôi công nghệ cao bao gồm nhiều thành tố về chuồng trại, con giống, thức ăn dinh dưỡng, thuốc thú y… thậm chí là quản lý môi trường.
Dựa trên các tiêu chí đó, GS.TS Nguyễn Trọng Ngữ đánh giá, thời gian qua việc ứng dụng công nghệ cao trong ngành chăn nuôi ở ĐBSCL đã hình thành và phát triển.
Trong vùng đã xuất hiện các mô hình chuồng gà lạnh, trại nuôi heo khép kín, hay những mô hình xử lý chất thải chăn nuôi. Tuy nhiên, so với bình diện chung của cả nước với khoảng 48.000 trang trại, những mô hình chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao của ĐBSCL không nhiều.
Trang trại quy mô nhỏ vẫn chiếm tỷ trọng rất lớn khoảng 60%, trang trại quy mô vừa khoảng 33%, còn lại khoảng 7% là trang trại chăn nuôi quy mô lớn.
Nhìn nhận chăn nuôi truyền thống, quy mô nhỏ mang lại thuận lợi cho nông dân ở ĐBSCL, tuy nhiên theo GS.TS Nguyễn Trọng Ngữ, việc chưa đầu tư, quan tâm hoặc chưa kịp ứng dụng công nghệ cao vào chăn nuôi do nhiều lý do khác nhau đã gây ra một số trở ngại nhất định đối với ngành.
Cụ thể, sản phẩm được sản xuất ra từ phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ chỉ đáp ứng được nhu cầu nội địa, rất khó gia nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Bên cạnh đó, trường hợp phát sinh dịch bệnh, hộ nuôi cũng rất khó kiểm soát.
“Chăn nuôi quy mô nhỏ mang tính tự phát rất manh mún, không kiểm soát được về số lượng. Tính đồng đều về chất lượng của vật nuôi khi phát triển đàn cũng gặp khó khăn nhất định trong việc quản lý. Dẫn đến một số trường hợp “giải cứu” do khủng hoảng thừa”, GS.TS Nguyễn Trọng Ngữ phân tích hạn chế của chăn nuôi nhỏ lẻ.
Chuyên gia cho rằng, dư địa để phát triển ngành chăn nuôi công nghệ cao ở ĐBSCL còn rất lớn. Để đạt được “đỉnh cao” trong lĩnh vực này, đòi hỏi ngành chăn nuôi phải làm sao để trên cùng một đơn vị sản xuất, nâng cao được năng suất, cải thiện chất lượng sản phẩm thông qua việc ứng dụng các kỹ thuật, công nghệ hiện đại là giải pháp tất yếu.
Ngoài ra, việc chú trọng nâng cao chất lượng con giống cũng là khâu quan trọng để chăn nuôi công nghệ cao phát triển. GS.TS Nguyễn Trọng Ngữ cho rằng, Việt Nam có hầu hết những con giống tốt trên thế giới về gà, heo, bò sữa, bò thịt… nhưng xét lại, nước ta đang phụ thuộc rất nhiều về con giống ngoại, phát triển giống vật nuôi bản địa chưa thể phát huy.
Thực tế hiện nay, các địa phương vùng ĐBSCL chưa phát triển cũng như ứng dụng công nghệ cao vào chăn nuôi là do các cơ sở sản xuất giống mang tính tự phát, chủ yếu dựa vào đặc tính nổi trội hay đặc điểm ngoại hình của đàn bố mẹ, từ đó chọn lọc lại để làm giống cho thế hệ sau. Điều này dẫn đến con giống bị thoái hóa.
“Con giống không tốt dù áp dụng công nghệ gì đi nữa, năng suất để phát triển tối đa cũng bị hạn chế. Do đó, phải đầu tư, ứng dụng được các sản phẩm nghiên cứu khoa học đưa vào sản xuất giống, phục vụ cho người chăn nuôi”, GS.TS Nguyễn Trọng Ngữ cho biết.
Đối với mảng dinh dưỡng cho vật nuôi, bảng thành phần dinh dưỡng trong thức ăn cho gia súc, gia cầm Việt Nam đã có cách đây khoảng 20 năm. Tuy nhiên đến nay, một số tiêu chí về dinh dưỡng mới không được cập nhật. Điều này dẫn đến việc phối hợp khẩu phần chưa thật sự đáp ứng được nhu cầu hoặc quá nhu cầu của gia súc, gia cầm, đội chi phí, còn gây ảnh hưởng đến môi trường.
GS.TS Nguyễn Trọng Ngữ cho rằng, thời gian tới bảng thành phần dinh dưỡng cần được cập nhật. Đặc biệt cần đầu tư nghiên cứu tạo ra nguồn thức ăn phù hợp với từng giống vật nuôi, nhất là gia súc nhai lại.
Bên cạnh đó, các vấn đề khác về môi trường, phát thải khí nhà kính… thời gian gần đây bắt đầu được người chăn nuôi quan tâm hơn. Giải quyết tổng hòa các vấn đề trên, việc ứng dụng chăn nuôi công nghệ cao sẽ mang lại hiệu quả tốt nhất.
Nguồn: nongnghiep.vn