Theo Bộ Công thương, hàng hóa của Việt Nam xuất sang EU đang đứng trước những thách thức mới đến từ các chính sách xanh của thị trường này. Xu hướng này được dự báo sẽ được các nước phát triển, các thị trường lớn của Việt Nam siết chặt, tiến tới thiết lập các tiêu chuẩn xanh mới đối với hàng hóa trong thương mại quốc tế.
Một trong số những chính sách đó là Kế hoạch hành động Kinh tế tuần hoàn của EU (CEAP). Ông Đỗ Hữu Hưng, Vụ Thị trường Châu Âu – Châu Mỹ cho biết, kế hoạch này như một mục tiêu, một chiến lược của EU để giúp khối này giảm phát thải ròng bằng 0 sớm nhất có thể vào năm 2050.
Để thực hiện CEAP, châu Âu đã đưa ra một loạt quy định và tác động đến 7 nhóm lĩnh vực chính, gồm: thiết bị điện tử, công nghệ thông tin, pin, bao bì, các sản phẩm nhựa, dệt may, da giày.
Trọng tâm là các vấn đề liên quan đến ISPR – quy định liên quan đến thiết kế sinh thái, sản phẩm bền vững, đã có hiệu lực từ tháng 7/2024.
Ông Hưng chia sẻ: “Trong ISPR, EU yêu cầu nhiều nội dung cụ thể liên quan tới ngăn chặn, hạn chế tiêu hủy các sản phẩm dệt may, hoặc sản phẩm phải có hộ chiếu kỹ thuật số DPP (một dạng định danh gần giống mã số vùng trồng)”.
Tuy nhiên, hiện phía EU chưa có hướng dẫn cụ thể. Ví dụ, DPP dự kiến cuối năm 2025 mới có những nội dung chi tiết về ngăn chặn, tiêu hủy những sản phẩm dệt may và giày dép tồn kho thì có thể sang năm 2026, EU mới chính thức áp dụng.
Theo ông Hưng, những sản phẩm không đáp ứng được những tiêu chuẩn của EU liên quan đến hộ chiếu kỹ thuật số sẽ không thể thâm nhập vào thị trường này. Điều này đặt ra việc doanh nghiệp xuất khẩu phải đầu tư sản xuất, thay đổi quy trình sản xuất, quy trình quản lý; dẫn đến giá thành sản phẩm có xu hướng tăng, ảnh hưởng đến sức cạnh tranh.
Đại diện Bộ Công thương cho rằng, những tiêu chuẩn trong chính sách xanh của EU sẽ là thách thức lớn với doanh nghiệp, đặc biệt là lĩnh vực dệt may, da giày…
TS Mai Thanh Dung, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) nhìn nhận, các chính sách “xanh hóa”, hoặc phát triển kinh tế tuần hoàn là xu thế không thể đảo ngược.
“Đây là cơ hội để doanh nghiệp tự soi lại mình và định hướng cho sự phát triển trong tương lai”, ông Dung bày tỏ và nhấn mạnh, rằng kinh tế tuần hoàn là phương pháp hiệu quả nhưng tốn chi phí đầu tư ban đầu, cũng như yêu cầu phải tái tổ chức sản xuất.
Trong dài hạn, kinh tế tuần hoàn sẽ giúp tiết kiệm nguyên liệu đầu vào, năng lượng, cũng như kéo dài được vòng đời sản phẩm, giảm thiểu chất thải… Vị chuyên gia về môi trường khẳng định, kinh tế tuần hoàn sẽ giúp xã hội bớt gánh nặng xử lý những vấn đề môi trường trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Qua khảo sát thực tế, Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường nhìn nhận, doanh nghiệp trong nước đã có nhiều giải pháp chủ động để thích ứng với những đòi hỏi mới.
“Có thể doanh nghiệp chưa có giải pháp hoàn chỉnh nhưng đã có những giải pháp từng bước để hoàn thiện quy trình sản xuất theo kinh tế tuần hoàn, từ khâu thiết kế cho đến quy trình công nghệ sản xuất, thay đổi thiết bị”, ông Dung nói. Bước đầu, những doanh nghiệp tiên phong thay đổi đã thu được hiệu quả.
Việt Nam đã ban hành Luật Bảo vệ môi trường, trong đó có những quy định khá tương đồng với chính sách xanh của EU. Dù vậy, việc thực hiện kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam vẫn mang tính khuyến khích, thay vì bắt buộc, theo TS Mai Thanh Dung.
Giải pháp thời gian tới, ông Dung kêu gọi những doanh nghiệp có nền tảng tài chính mạnh tăng cường đầu tư về công nghệ, nhân lực để chuyển dịch sản xuất theo hướng kinh tế tuần hoàn. Khối doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể thực hiện từng “bước nhỏ”, cải tiến trong phạm vi hẹp các quy trình sản xuất để môi trường xanh hơn.
“Có một cái khó liên quan đến tư duy, suy nghĩ của doanh nghiệp, bởi họ thường có xu hướng bỏ công đoạn này, kia để tiết giảm chi phí nhân công”, vị phó viện trưởng nhận xét. Ngược lại, châu Âu lại đặt ra quy trình bài bản trong vấn đề bảo vệ môi trường.
Nhất trí với quan điểm này, ông Đỗ Hữu Hưng khuyến nghị doanh nghiệp tự trang bị những thông tin đầy đủ, chính xác. Ngoài CEAP, EU cũng ban hành một loạt quy định phức tạp khác như CBAM, EUDR…
“Doanh nghiệp phải thường xuyên cập nhật thông tin vì đây là những quy định chính sách của EU, có thể họ sẽ thí điểm và thay đổi sau đó”, ông nhấn mạnh.
Nguồn: nongnghiep.vn