Trao cần câu cá cho dân nghèo
Huyện Kỳ Sơn được xem là lát cắt chân thực hơn cả về vùng cao xứ Nghệ. Nơi đây lắm núi nhiều sông nhưng cuộc sống của bà con còn bộn bề khốn khó, địa lý xa tít tắp, đường đi lối lại bất thuận, thiên tai, bão lũ thường trực ghé thăm khiến huyện nghèo chẳng thể tự mình vươn lên.
May thay nhờ thụ hưởng các chính sách của Đảng và Nhà nước Kỳ Sơn đã có bước chuyển mình nhất định, gánh nặng cơm áo gạo tiền còn bủa vây nhưng áp lực đã giảm tải thấy rõ. Kết quả có được đến từ mức độ lan tỏa của 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, đan xen với đó là chính sách về tín dụng, vốn được ví là “trao cần câu cá” cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Trên đất Kỳ Sơn có nhiều hộ dân đổi đời nhờ nguồn vốn vay ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội, một trong số đó là hộ anh Cụt Văn Phanh, đồng bào dân tộc Khơ Mú ở bản Ca Da của xã Bảo Thắng.
Như bao bạn bè đồng trang lứa, điều kiện không cho phép Phanh kéo dài con đường học vấn, ngay khi tốt nghiệp phổ thông phải bỏ ngang đi làm công nhân ở các tỉnh phía Nam. Phận làm thuê phụ thuộc đủ đường, điều này được thể hiện rõ qua tác động nặng nề của đại dịch Covid-19, năm 2021 trước làn sóng tinh giản Phanh mất việc phải lủi thủi về quê với tâm trạng nặng trĩu âu lo.
Không nghề ngỗng ổn định, thu nhập trồi sụt, suốt thời gian dài vợ chồng Phanh cùng 3 con nhỏ phải sống cảnh tạm bợ, thiếu thốn trăm bề trong căn lều nhỏ vá chằng vá đụp, dựng tạm ngày bên sườn núi.
Đang trong cảnh bế tắc cùng cực Phanh may mắn nhận được sự đồng hành, định hướng của cấp chính quyền, các cơ quan đoàn thể, đặc biệt là phía ngân hàng chính sách. Khi tư tưởng đã hanh thông Phanh mạnh dạn vay 40 triệu đồng từ nguồn vốn dành cho hộ nghèo để tậu 1 con trâu lực lưỡng cùng 1 con bò sinh sản. Về sau vợ chồng liệu cơm gắp mắm, từng bước tích cóp để mua thêm lợn, dê.
Kiên trì chăm bẵm, áp dụng chuẩn chỉ quy trình nuôi đã mang lại thành quả ngọt ngào, đến nay gia đình anh Phanh có đến 6 con bò, 6 con lợn, 7 con trâu, 10 con dê. Nào đâu đã hết, vợ chồng Phanh còn tận dụng quỹ đất trồng thêm lúa, hoa màu, trồng cả chuối, vừa để phục vụ chăn nuôi lại đáp ứng nhu cầu sinh hoạt thường nhật.
Từ chỗ đói nghèo lay lắt nay gia đình đã hoàn toàn làm chủ cuộc sống, nhận thấy gánh nặng kinh tế đã giảm tải đi nhiều, năm 2023 anh Phanh quyết định dựng ngôi nhà sàn 3 gian vững chắc, rộng rãi để người thân có nơi sinh hoạt đàng hoàng để bù đắp cho những tháng ngày nhọc nhằn trước đó. Phanh “đổi đời” xóm làng cũng thơm lây, đồng bào tại bản Ca Da nhìn vào ai cũng tấm tắc ngợi khen. Niềm vui nối tiếp niềm vui, năm 2024 gia đình đã tất toán hết khoản nợ ngân hàng và chính thức thoát khỏi hộ nghèo.
Nhìn lại chặng đường đã qua, lắm lúc Phanh vẫn nghĩ đây như thể là mơ: “Thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát tôi hoàn toàn vô vọng, tài sản lúc đó chả có gì ngoài 2 bàn tay trắng, 4 bàn tay không, làm thế nào để lo toan cho bố mẹ già, vợ con thơ là câu hỏi luôn lởn vởn trong đầu tôi hàng đêm. Thú thực nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội như chiếc phao cứu sinh với gia đình tôi, nhờ đó áp lực cuộc sống từng bước được giảm tải, nay vợ chồng tôi có điều kiện lo cho con cái học hành đến nơi đến chốn. Tôi thực tâm biết ơn Đảng, Nhà nước đã quan tâm, trao cơ hội cho người nghèo vươn lên”.
Còn tại “đỉnh trời” Mường Lống, nơi dải đất cao của huyện Kỳ Sơn, câu chuyện khởi nghiệp của cô gái giỏi giang, hoạt bát Vừ Y No đã truyền cảm hứng cho nhiều người, đặc biệt là thế hệ trẻ. Sinh năm 1994, là người con của bản Mường Lống 1, không cam chịu nghèo khó Vừ Y No luôn ấp ủ giấc mơ triển khai mô hình du lịch cộng đồng, một mặt tận dụng tiềm năng, lợi thế trời ban cho quê hương mình, mặt khác có cơ hội gìn giữ, phát huy được nét văn hóa đặc trưng của người Mông nơi đây.
Nghĩ là làm, năm 2020 Vừ Y No chủ động vay Ngân hàng chính sách xã hội huyện Kỳ Sơn 100 triệu đồng, từ số tiền này Y No đã mua hàng trăm con gà đen bản địa, sắm sang máy ấp trứng, máy phát điện, đồng thời tiếp cận nền tảng khoa học kỹ thuật để áp dụng mô hình chăn nuôi an toàn sinh học. Số vốn còn dư Y No mở cửa hàng tạp hoá để phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong cộng đồng làng bản, cũng như có thêm đồng ra đồng vào để duy trì, phát triển mô hình.
Nắm bắt chủ trương, xu hướng phát triển du lịch sinh thái, canh nông, năm 2021 vợ chồng Vừ Y No quyết định sửa sang lại căn nhà đang ở, qua đó hình thành dịch vụ homestay phục vụ khách du lịch đến thăm quan, trải nghiệm. Thực khách tìm về được thưởng thức ẩm thực độc đáo của đồng bào bản địa, được thả hồn qua những điệu múa, tiếng khèn, lời hát cự xia, trường ca của người Mông mà mê đắm, quyến luyến không muốn rời.
Bằng sự nỗ lực, tính năng động, sáng tạo, đến cuối năm 2024 gia đình Vừ Y No trả hết nợ cho ngân hàng, chính thức thoát khỏi danh sách hộ cận nghèo và vươn tầm lên hộ khá, hiện đảm bảo thu nhập trên dưới 200 triệu đồng/năm, con số đáng mơ ước nơi rẻo cao Mường Lống.
“Ngày mới lập gia đình vợ chồng mình thiếu thốn đủ thứ, nhất là nguồn vốn để làm ăn. Qua định hướng của làng bản mình biết được các chính sách hỗ trợ ưu đãi của Nhà nước, từ số tiền 100 triệu đồng của Ngân hàng chính sách xã hội mình đã hoàn thành ước mơ xây dựng trang trại gà đen và phát triển du lịch sinh thái. Nhà nước kiến tạo chính sách đã mở ra cơ hội quý giá cho lớp trẻ khởi nghiệp, tập trung phát triển để nâng tầm sinh kế”, Vừ Y Nỏ chia sẻ.
Cả hệ thống chính trị vào cuộc
Chính sách là một nhẽ, để nguồn vốn đến đúng đối tượng, sử dụng đúng mục đích và lan tỏa rộng khắp đòi hỏi sự nhập cuộc của cả hệ thống chính trị. Quá trình thực hiện, huyện Kỳ Sơn luôn chú trọng công tác lãnh đạo, chỉ đạo, gắn vai trò và trách nhiệm của cấp ủy, đặc biệt là người đứng đầu.
Các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tín dụng chính sách được HĐND, UBND huyện, MTTQ và các đoàn thể tuyên truyền tích cực đến toàn thể đảng viên, cán bộ và người dân. Từ đó khẳng định vai trò đặc biệt quan trọng của tín dụng chính sách đối với mọi mặt đời sống xã hội.
Ông Ngô Minh Tú, Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Kỳ Sơn cho biết: “Đơn vị luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Chi nhánh Ngân hàng chính sách tỉnh, qua đó ưu tiên các nguồn lực cho vùng khó khăn đặc thù như Kỳ Sơn. Phòng Giao dịch huyện đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, thường xuyên bám sát cơ sở, thực hiện cho vay đúng đối tượng. Đối tượng thụ hưởng phải cam kết sử dụng nguồn tiền đúng mục đích, có hiệu quả. Các cấp, ngành đã đẩy mạnh phối hợp trong hoạt động cho vay, quản lý công nợ, qua đó đảm bảo phát huy hiệu quả nguồn vốn Nhà nước”.
Chương trình tín dụng chính sách hỗ trợ nguồn vốn vay ưu đãi, kết hợp cùng các chính sách thiết thực khác của Nhà nước đã “tiếp sức”, tạo động lực cho đồng bào các dân tộc ở Kỳ Sơn quyết tâm thoát khỏi nghịch cảnh. Nhìn vào số liệu thực tế, phải thừa nhận đây là hướng đi đúng đắn. Cần biết năm 2016 tỷ lệ hộ nghèo của Kỳ Sơn đạt trên 60%, đến nay con số này rút xuống mức hơn 44%.
Đáng nói, kết quả tại Kỳ Sơn cũng là diễn biến chung tại các huyện vùng cao khác như Con Cuông, Tương Dương, Quế Phong…, nhìn rộng ra giai đoạn 2014 – 2024 Ban đại diện HĐQT các cấp đã kiểm tra, giám sát được 182 lượt đối với cấp huyện, 5.028 lượt đối với cấp xã, kiểm tra 26.168 lượt Tổ tiết kiệm – vay vốn (TK-VV), 181.751 lượt hộ vay vốn. Trong đó thành viên là Chủ tịch UBND cấp xã đã thực hiện giám sát tại 17.818 lượt tổ, kiểm tra sử dụng vốn tại 124.101 lượt hộ vay. Đưa ra để thấy chính sách đã lan tỏa trên diện rộng.
Bên cạnh công tác giám sát của Ban đại diện HĐQT và tổ chức hội các cấp, công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ của Ngân hàng chính sách cũng được thực hiện thường xuyên. Giai đoạn 2014 – 2024, Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh đã tổ chức kiểm tra toàn diện 153 lượt đối với cấp huyện, 817 lượt đối với cấp xã, 2.723 lượt Tổ TK-VV và 24.600 lượt hộ vay; chỉ đạo NHCSXH cấp huyện kiểm tra, giám sát 5.477 lượt cấp xã, 33.536 lượt Tổ TK-VV và đối chiếu kiểm tra sử dụng vốn trên 344.000 lượt hộ vay.
“Hàng năm cơ quan chức năng đều kiểm tra, giám sát toàn diện đối với hoạt động tín dụng chính sách do Ngân hành chính sách Chi nhánh tỉnh Nghệ An thực hiện. Kết quả cho thấy vốn vay đến đúng đối tượng thụ hưởng, đến kịp thời và phát huy hiệu quả, là chất xúc tác giúp nhiều hộ dân miền núi thoát nghèo, thậm chí vươn lên làm giàu chính đáng”, ông Hoàng Sơn Lam, Phó Giám đốc Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Nghệ An khẳng định.
Nguồn: nongnghiep.vn