Thu nhập cao nhờ nuôi vịt
Nói là “dòng đời xô đẩy” cho vui, chứ anh Lê Quang Hòa (TP. Thanh Hóa) thú thực: “Bản thân đến với nông nghiệp là cái duyên. Không ai nghĩ có ngày một bác sĩ lại kiêm thêm cả việc… nuôi vịt”.
Trước đây, ngoài làm bác sĩ, anh Hòa còn làm thêm nghề kinh doanh, lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời. Lần ấy anh thử nghiệm lắp đặt điện năng lượng mặt trời áp mái cỡ lớn cho 1 trang trại trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Cuộc trò chuyện chóng vánh giữa anh Hòa với chủ trang trại khiến thay đổi ý định từ kinh doanh điện năng lượng mặt trời sang làm nông nghiệp.
“Ban đầu tôi không nghĩ sẽ lấn sâu vào ngành này, thế nhưng khi bắt tay vào việc mình mới thấy rằng, làm nông nghiệp phải thật sự tâm huyết, đam mê, bắt buộc người ta phải dấn sâu, tìm hiểu thì mới hy vọng thành công”, anh Hòa chia sẻ.
Năm 2023, anh Hòa cùng anh Vũ Đức Nghiêm (quê Hậu Lộc, Thanh Hóa) góp vốn đầu tư hơn 10 tỷ đồng để xây dựng 6 chuồng nuôi vịt (mỗi chuồng rộng hơn 1.000m2) trên diện tích hơn 7.000m2, tại thôn Quyết Thắng, xã Vạn Thắng, huyện Nông Cống. Bên cạnh đó, chủ trại vịt ký hợp đồng liên kết với Công ty C.P. Việt Nam để nhận chuyển giao khoa học kỹ thuật, con giống…
Trại vịt của anh Hòa quy mô lớn nhất miền Bắc, được áp dụng đồng bộ giữa kỹ thuật chăn nuôi và thiết bị hiện đại như: Hệ thống làm mát, khử mùi, hệ thống cho ăn, uống tự động và khu xử lý chất thải hiện đại với 4 ao lắng lọc, đảm bảo an toàn khi xả nước ra môi trường.
Theo chủ trang trại, với quy mô chăn nuôi lớn, trong điều kiện rủi ro dịch bệnh cộng với diễn biến bấp bênh của giá cả thị trường thì việc liên kết sản xuất gia công là lựa chọn tối ưu, đảm bảo đầu ra, thu nhập ổn định cho nhà đầu tư.
Anh Vũ Đức Nghiêm, quản lý trang trại cho hay, hiện nay, mỗi chuồng vịt có thể nuôi hơn 6.000 con vịt thương phẩm và có thể nuôi từ 5-6 lứa/năm. Thời gian nuôi từ khi nhập vịt 1 ngày tuổi đến khi xuất chuồng khoảng 45-50 ngày. Trọng lượng mỗi con vịt nặng khoảng 3,5kg. Tính trung bình, mỗi năm trang trại nhập cho Công ty C.P. Việt Nam khoảng 20 vạn con, tương đương hàng trăm tấn vịt. Sau khi trừ chi phí, nhà đầu tư thu nhập khoảng 2 tỷ đồng/năm.
Kiểm soát tốt dịch bệnh
Anh Hòa chia sẻ, chăn nuôi không khó lắm, nhưng quan trọng phải kiểm soát được dịch bệnh. Việc này đối với anh Hòa không mấy khó khăn, bởi với chuyên môn là bác sĩ y khoa anh hiểu khá sâu cơ chế gây bệnh của virus, vi khuẩn để đưa ra cách phòng trị và sử dụng kháng sinh phù hợp.
Tất nhiên, với anh Hòa, nuôi vịt không phải là nghề chính, nên thời gian đầu chủ trang trại cũng không tránh khỏi bỡ ngỡ khi thực hiện phòng chống dịch bệnh cho gia cầm.
Anh Hòa nhớ lại: “Năm 2023, số lượng nhỏ vịt trong trang trại có biểu hiện nhiễm bệnh, gây nguy cơ gây hao hụt đàn. Khi đó, cán bộ thú y đề xuất lấy mẫu bệnh phẩm của vịt đưa đi xét nghiệm tại cơ quan chuyên về môn thú y. Tuy nhiên, do quy trình mất khá nhiều thời gian, trong khi cần sớm tìm ra bệnh cho vịt để điều trị nên tôi quyết định lấy mẫu bệnh phẩm (máu vịt) để nhờ người quen trong khối y tế tư nhân xét nghiệm.
Khi mang đi xét nghiệm, tôi không nói là mẫu bệnh phẩm động vật (máu vịt) nên khi có kết quả xét nghiệm, bác sĩ yêu cầu “bệnh nhân” nhập viện gấp vì đây là “trường hợp đặc biệt” cần cấp cứu kịp thời (khi soi công thức máu xét nghiệm của vịt phát hiện hồng cầu có nhân, trong khi hồng cầu trên người không có nhân).
Sau khi phân tích mẫu máu và phát hiện cơ chế gây bệnh của virus, tôi cùng bác sĩ thú y bàn bạc làm kháng sinh đồ để chữa bệnh cho vịt. Rất may sau lần đó, trại vịt không thiệt hại nhiều vì phát hiện sớm bệnh và điều trị kịp thời”.
Theo anh Hòa, nếu chăn nuôi theo mô hình thả rông sẽ tốn khá nhiều công lao động, khó kiểm soát được dịch bệnh và ảnh hưởng đến môi trường sống xung quanh. Trong khi đó, với hình thức chăn nuôi gia công, trang trại sẽ đầu tư trọn gói từ con giống, thức ăn, kỹ thuật, nên vịt được sống trong môi trường an toàn dịch bệnh. Đây là yếu tố quan trọng để vịt phát triển nhanh, trọng lượng đồng đều, ít hao hụt đầu con, đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng khi xuất bán.
Người chăn nuôi chỉ cần bỏ công chăm sóc, vệ sinh chuồng trại và không phải lo đầu ra hoặc thua lỗ do thị trường bấp bênh. Đặc biệt chăn nuôi công nghiệp khép kín là giải pháp tốt để phòng chống dịch bệnh trên đàn gia cầm.
“Với hệ thống chuồng trại được hỗ trợ tư vấn từ C.P. Việt Nam, vịt nuôi tập trung sẽ được cung cấp đầy đủ dinh dưỡng, việc kiểm soát đàn dễ dàng hơn, vịt khỏe và ít nhiễm bệnh hơn. Đàn vịt được tắm sạch sẽ, được nghỉ ngơi ở nhà sàn lưới không khác gì… khách sạn. Đàn vịt được chăm sóc, theo dõi và kiểm dịch dưới sự giám sát của bác sĩ thú y, đảm bảo sự phát triển đúng theo từng giai đoạn. Tại trang trại ngày nào cũng có 1 bác sĩ thú y và một kỹ thuật viên thường trực, cùng công nhân chăm sóc đàn vịt”, anh Hòa chia sẻ.
Ông Phạm Ngọc Luân, kỹ thuật viên của Công ty C.P. Việt Nam cho biết, việc chăn nuôi gia công phải đáp ứng các yêu cầu chặt chẽ về kỹ thuật chăn nuôi và phòng chống dịch bệnh cho công ty đưa ra.
“Vịt là vật nuôi dễ bị tổn thương bởi dịch bệnh ro virus và vi khuẩn gây ra. Do đó, trong quá trình chăn nuôi, đặc biệt chăn nuôi quy mô lớn, cần thực hiện đúng yêu cầu tiêm phòng vacxin đầy đủ kết hợp bổ sung kháng sinh, men tiêu hóa, thuốc bổ để nâng cao sức đề kháng cho vịt. Trung bình mỗi con vịt từ khi thả nuôi (1 ngày tuổi) đến khi xuất bán phải được tiêm vacxin 4 lần, đảm bảo kháng thể, giúp vịt an toàn trước dịch bệnh.
Bên cạnh đó, chuồng nuôi phải đảm bảo sạch sẽ, thoáng mát để hạn chế các bệnh truyền nhiễm. Sau mỗi lứa nuôi, chúng tôi hướng dẫn công nhân dọn dẹp chuồng trại sạch sẽ, phun khử trùng, rắc vôi bột và phơi chuồng để nhập lứa vịt mới. Định kỳ, công nhân sẽ cân trọng lượng vịt, từ đó bổ sung chất dinh dưỡng nếu vịt có dấu hiệu chậm phát triển”.
Cũng theo ông Luân, việc nuôi vịt trên sàn nhựa là lựa chọn tối ưu đối với chăn nuôi quy mô lớn, công nghệ cao: “Nếu nuôi thả vịt dưới nền đất sẽ rất khó kiểm soát dịch bệnh do phân và thức ăn dư thừa gây phát sinh mầm bệnh. Trong khi đó, vịt nuôi trên sàn vừa lớn nhanh, vừa đẹp mã, lại ít dịch bệnh”.
Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 620 trang trại chăn nuôi. Trong đó, phần lớn ở các trang trại đều phát triển các mô hình liên kết bền vững trong chăn nuôi. Đối với chăn nuôi gia cầm, trên địa bàn tỉnh đã có nhiều doanh nghiệp lớn tổ chức liên kết, phát triển hệ thống chăn nuôi gia công rộng rãi trong nhân dân.
Theo đánh giá của Sở NN-PTNT Thanh Hóa, so với chăn nuôi thông thường, chăn nuôi gia công có tính bền vững và an toàn hơn, bởi bà con không phải lo lắng vấn đề đầu ra, dịch bệnh, môi trường được đảm bảo.
Từ những ưu điểm trên, tỉnh Thanh Hóa đang khuyến khích các hộ dân phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại, gia trại liên kết với doanh nghiệp nhằm mang lại hiệu quả kinh tế, nâng cao trình độ sản xuất, đảm cung ứng sản phẩm chăn nuôi chất lượng cao cho các nhà máy giết mổ, chế biến quy mô lớn.
Hiện, toàn tỉnh Thanh Hóa có hơn 26 triệu con gia cầm, trong bối cảnh chăn nuôi tiềm ẩn nhiều rủi ro về dịch bệnh, chăn nuôi an toàn sinh học được xem là giải pháp hữu hiệu để phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi. Ngoài ra, chăn nuôi an toàn sinh học còn mang lại lợi ích kép cho người chăn nuôi bởi vừa tiết kiệm chi phí lại góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường…
Nguồn: nongnghiep.vn