Nghệ An sở hữu đàn gia cầm thuộc tốp đầu cả nước, lại triển khai trong điều kiện thời tiết bất thuận, nắng lắm mưa nhiều, kết hợp hàng loạt yếu tố ngoại cảnh khác khiến dịch bệnh động vật luôn chực chờ đe dọa. Trước tình hình đó, người chăn nuôi đã linh hoạt ứng phó thông qua nhiều phương thức khác nhau.
Gia đình chị Lê Thị Thu, xã Hùng Tiến, huyện Nam Đàn áp dụng mô hình trang trại tổng hợp, cùng lúc nuôi lợn, ngan, gà với số lượng lớn, vì thế rất coi trọng công tác phòng dịch. Hơn thập kỷ gắn bó với nghề, chị Thu đã đúc rút được kinh nghiệm xương máu: “Nếu tập trung công sức, vốn liếng chăm chăm gia tăng tổng đàn mà lơ là công tác phòng bệnh sớm muộn sẽ thất bại nặng nề. Muốn vật nuôi khỏe mạnh, có sức đề kháng tốt, nhất thiết phải chủ động tiêm vacxin, kết hợp nguồn thức ăn đầu vào chất lượng, có xuất xứ rõ ràng. Kế đó là công đoạn khử trùng chuồng trại, tạo môi trường sạch sẽ, thông thoáng. Bước nào cũng quan trọng, nhất thiết không được bỏ bẵng”.
Nhiều năm nuôi gà, chị Thu nhận thấy bệnh tiêu chảy, Cúm gia cầm, đầu đen (triệu chứng rụt cổ, bỏ ăn) diễn ra khá phổ biến. Trong khi đó bệnh sâu mắt (đậu gà) dù ít xuất hiện nhưng khó chữa, bệnh này thường xảy ra vào mùa đông với ẩm độ cao. Gà nhiễm bệnh phải cách ly tức thì để tránh lây lan, đồng thời dùng nước muối sinh lý rửa sạch mắt, hiệu quả hơn cả là dùng vacxin đặc hữu tiêm thẳng vào cánh gà.
Nhìn chung, mô hình trang trại tổng hợp được kiểm soát tốt nhưng gia đình chị Thu vẫn chủ động giảm đàn hòng dễ bề quán xuyến, bấy lâu chỉ duy trì khoảng 100 con lợn và 1.000 con gà, xen kẽ mỗi lứa sẽ để trống chuồng trại tầm 1 tháng để có thời gian tiêu độc, khử trùng.
Linh hoạt ứng biến nhằm đảm bảo hài hòa với thực tiễn là điều bắt buộc trong bối cảnh hiện tại, điều này càng được thể hiện rõ tại những địa bàn có tổng đàn gia súc, gia cầm lớn như Yên Thành, Đô Lương, Nam Đàn, Diễn Châu…
Trao đổi với phóng viên NNVN, ông Nguyễn Trọng Hương, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Yên Thành thông tin tổng quan: “Yên Thanh có thế mạnh về chăn nuôi gia cầm theo hướng hàng hóa, trước đây nhiều trang trại nuôi gà thịt nhưng hiện tại đã chuyển sang nuôi gà giống, lợi thế của cách làm này là rút ngắn đáng kể thời gian nuôi, thay vì kéo dài lê thê 4 – 5 tháng/ lứa nay chỉ cần 1 – 1,5 tháng đã có thể xuất bán, đó là yếu tố tiên quyết giúp giảm thiểu nguy cơ dịch bệnh”.
Tận dụng lợi thế vườn đồi, gia đình chị Võ Thị Yến, tại xã Mã Thành, huyện Yên Thành đã xây dựng mô hình nuôi gà thịt với số lượng lớn, lúc đỉnh điểm trang trại duy trì cả chục ngàn. Nuôi với quy mô trải rộng đồng nghĩa tiềm ẩn hàng loạt mối nguy chực chờ, trên thực tế có những thời điểm dịch bệnh tràn qua khiến chủ trại lao đao trông thấy:
“Dịch bệnh khó lường chẳng ai đoán trước được, đành rằng đã chủ động ứng phó nhưng lắm lúc chẳng kịp trở tay. Nhớ có lần dịch Cúm gia cầm bùng phát trên diện rộng gây thiệt hại kinh tế nặng nề, phải mất một thời gian dài sau đó chúng tôi mới gượng dậy được. Nhận thấy khó duy trì, hơn 2 năm qua gia đình đã chuyển sang nuôi gà giống, áp dụng cách này chỉ sau 40 – 45 ngày là xuất bán được rồi. Rút ngắn thời gian nuôi vừa hạn chế được nguy cơ dịch bệnh lại giảm thiểu chi phí thức ăn, thuốc men, doanh thu nhờ đó cũng ổn định hơn”, chị Yến nhấn mạnh.
Từ đầu năm 2024 đến nay, địa bàn tỉnh Nghệ An xảy ra một số loại dịch bệnh trên đàn vật nuôi, dịch chủ phát sinh tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Riêng bệnh Cúm gia cầm A/H5N1 xảy ra 2 ổ dịch tại huyện Quỳnh Lưu và huyện Diễn Châu, cơ quan chức năng đã tiêu hủy trên 8.900 con vịt.
Nguồn: nongnghiep.vn