Thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc là một thị trường tiềm năng, với nhu cầu tiêu thụ thực phẩm cao cấp đang ngày càng gia tăng. Người tiêu dùng Bắc Kinh không chỉ có khả năng chi tiêu mạnh, mà còn mong muốn tìm kiếm những sản phẩm nông sản chất lượng cao.
Tuy nhiên, thực tế đáng tiếc là trái cây cao cấp từ Việt Nam vẫn chưa tạo được dấu ấn tại đây. Bà Nguyễn Ngọc Thúy, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại XNK Quốc tế NNT (NNT Group), đã chia sẻ quan điểm của mình về cơ hội và thách thức đối với nông sản Việt tại Bắc Kinh.
Bà Thúy cho biết, NNT Group là một liên minh hệ sinh thái gồm 8 doanh nghiệp, với các lĩnh vực: Thương mại xuất nhập khẩu; sản xuất giống cây trồng, phân bón; vùng trồng; nhà máy sản xuất; chuỗi F&B về sầu riêng; quà tặng hoa tươi và trái cây; du lịch nông nghiệp; và du lịch sự kiện. Tất cả những gì NNT Group đang phát triển đều thuộc về nông nghiệp và du lịch. Đây cũng là định hướng phát triển của ngành nông nghiệp Việt Nam hiện tại.
Tại Lễ hội trái cây Việt Nam vừa được tổ chức lần đầu tiên ở Chợ đầu mối nông sản Tân Phát Địa, Bắc Kinh, Trung Quốc, NNT Group đã gây ấn tượng với các loại trái cây nổi bật như: Chanh leo, xoài, thanh long, dừa, đặc biệt là sầu riêng và các sản phẩm trái cây sấy thăng hoa.
Trong những năm qua, NNT Group đã xuất khẩu một số loại trái cây như: Thanh long, chanh leo… sang thị trường Trung Quốc, nhưng chủ yếu là qua đường tiểu ngạch. Hiện nay, chỉ có sầu riêng là mặt hàng xuất khẩu chính ngạch, song vẫn gặp khó khăn khi phải mang nhãn hiệu của các thương hiệu khác.
Để khẳng định chất lượng và nâng cao giá trị cho sản phẩm nông sản Việt Nam, NNT Group đặt mục tiêu xuất khẩu chính ngạch, đặc biệt hướng tới phân khúc trung và cao cấp.
Bà Thúy nhấn mạnh, việc lựa chọn xuất khẩu những sản phẩm cao cấp, chất lượng là yếu tố sống còn để tạo dựng uy tín và thương hiệu nông sản Việt Nam trên trường quốc tế.
Riêng đối với NNT Group, điều quan trọng hiện nay không phải là sản lượng hay quy mô xuất khẩu, mà là tìm kiếm đối tác, khách hàng phù hợp với định hướng phát triển lâu dài. Đây là bước đi chiến lược nhằm xây dựng thương hiệu vững chắc cho trái cây cao cấp Việt Nam, từ đó tiếp cận những thị trường khó tính nhưng nhiều tiềm năng.
Bà Thúy chia sẻ sự tiếc nuối khi khảo sát Chợ đầu mối Tân Phát Địa – một trong những chợ nông sản lớn nhất Bắc Kinh, với đầy đủ các loại nông sản cao cấp, bao bì và mẫu mã đa dạng nhưng lại “chưa thấy bóng dáng của trái cây cao cấp Việt Nam”.
Với dân số khoảng 22 triệu người, lại nằm sâu trong lục địa, Bắc Kinh có nhu cầu rất lớn về thực phẩm chất lượng cao nhưng lại không thể tự sản xuất và phải nhập khẩu từ các tỉnh, thành khác. Hơn nữa, từ Bắc Kinh, nông sản có thể được phân phối rộng rãi tới các tỉnh phía Bắc Trung Quốc. Đây được xem là cơ hội rộng mở đối với nông sản Việt Nam nói chung cũng như trái cây nói riêng.
Tuy nhiên, sự cạnh tranh tại Bắc Kinh không hề nhỏ khi có sự hiện diện của các sản phẩm từ Thái Lan và nhiều quốc gia khác. Theo bà Thúy, một trong những nguyên nhân khiến nông sản Việt khó cạnh tranh là vì chưa đạt được sự chuẩn hóa về tiêu chuẩn chất lượng. Thị trường Bắc Kinh đòi hỏi những sản phẩm có bao bì, mẫu mã đẹp mắt, đạt tiêu chuẩn cao, trong khi các sản phẩm trái cây Việt Nam vẫn cần nỗ lực hơn để đáp ứng những yêu cầu này.
Mặc dù vậy, bà Thúy nhấn mạnh: “Nếu ngay từ đầu chúng ta xác định tập trung vào phân khúc trung và cao cấp thì cơ hội sẽ nằm trong tầm tay”.
Chia sẻ về kinh nghiệm và hướng đi của NNT Group, bà Thúy cho biết: “Bản thân NNT Group muốn tạo sự khác biệt và sự khác biệt này đến từ chất lượng. Chỉ có đồ ngon, cao cấp mới được thị trường quan tâm. Thị trường thiếu cái gì thì chúng ta cung cấp cái đó. Họ thiếu đồ ngon, chất lượng, nếu chúng ta cung cấp được thì sẽ có đầu ra bền vững. Nhu cầu khách hàng sẽ quyết định thị trường, chứ chúng ta không thể bán cái mình đang có”.
Nguồn: nongnghiep.vn