Đàn bò khỏe mạnh trước khi đến tay người dân
Năm 2023, triển khai Dự án 2: “Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025, nhằm hỗ trợ các hộ nghèo, cận nghèo sản xuất nông nghiệp để phát triển kinh tế xã hội tại địa phương, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Phú Bình (tỉnh Thái Nguyên) đã xây dựng kế hoạch, tiến hành khảo sát nhu cầu của các hộ dân, sau đó tổ chức tập huấn chăn nuôi và triển khai cấp phát 40 con bò sinh sản cho 40 hộ chăn nuôi tại 4 xã Đào Xá, Thanh Ninh, Hà Châu, Nga My.
Là hộ dân được hỗ trợ bò sinh sản tại xã Nga My, bà Trần Thị Vinh cho biết, một trong những vấn đề không chỉ bà mà nhiều người dân cũng quan tâm đó là cách chăm sóc để đàn bò phát triển khỏe mạnh và sinh sản tốt.
Là hộ nghèo, chồng bà Vinh vừa mất cách đây không lâu nên hoàn cảnh của gia đình lại càng thêm khó khăn. Chính vì thế, việc con bò khỏe mạnh, sinh sản tốt, không tốn quá nhiều công chăm sóc sẽ phần nào giảm bớt gánh nặng cho người dân.
Nắm bắt được tâm lý của bà con, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Phú Bình thông tin, trước khi cấp phát đến tay người dân, đàn bò đã được tiêm phòng các bệnh truyền nhiễm và các bệnh nội ngoại khoa. Trong quá trình chăn nuôi, bà con cũng sẽ được hỗ trợ tiêm phòng cho đàn bò định kỳ theo mùa vụ, cán bộ phụ trách của Trung tâm cũng sẽ thường xuyên theo dõi sát sao sinh trưởng, phát triển của đàn bò.
“Trung tâm đã cử cán bộ chuyên môn và hệ thống chăn nuôi thú y các xã theo dõi thường xuyên, giúp đỡ bà con về kỹ thuật trong quá trình chăn nuôi hàng ngày. Nếu phát hiện bệnh sẽ kịp thời thăm khám cho đàn vật nuôi.
Đến nay, đã gần 1 năm từ khi bà con nhận bò, tại địa phương vẫn chưa xảy ra trường hợp phát sinh bệnh dịch nghiêm trọng trên đàn bò. Việc đàn bò sinh trưởng, phát triển khỏe mạnh đã giúp bà con yên tâm sản xuất hơn”, ông Nguyễn Văn Khiêm, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Phú Bình, chia sẻ.
Đảm bảo sức khỏe cho đàn bò trong mùa đông giá rét
Theo dự báo của cơ quan khí tượng thủy văn, thời gian tới, các tỉnh Bắc bộ có khả năng xuất hiện những đợt rét đậm, rét hại, gây bất lợi cho các hoạt động sản xuất nông nghiệp của bà con.
Là địa phương miền núi phía Bắc với đặc thù vùng núi cao nên sẽ có nhiệt độ thấp, lạnh giá vào mùa đông, người dân Thái Nguyên thường xuyên phải đối mặt với hình thái thời tiết khắc nghiệt này. Đặc biệt, trong lĩnh vực chăn nuôi, việc chủ động phòng, chống đói rét cho đàn vật nuôi được xem là giải pháp quan trọng để bảo vệ, giảm thiểu thiệt hại cho người dân.
Là người em họ và được bà Trần Thị Vinh tin tưởng giao việc chăm sóc cho con bò, ngay từ thời điểm hiện tại, ông Nguyễn Văn Thường đã bắt đầu cải tạo chuồng trại, chuẩn bị bạt để che kín xung quanh chuồng, giữ ấm cho đàn gia súc trong mùa đông tới.
“Trong mùa đông giá rét, nguồn thức ăn cho gia súc sẽ bị hạn chế. Do vậy, cùng với việc che chắn chuồng trại, giữ ấm cho bò, người chăn nuôi chúng tôi cũng cần tận dụng nguồn rơm, bảo quản trong kho để dành làm thức ăn cho vật nuôi. Mùa đông tới tôi sẽ không cần quá lo lắng về việc thiếu thức ăn cho bò do đã có sẵn cỏ và rơm dự trữ”, ông Nguyễn Văn Thường bày tỏ.
Theo ông Nguyễn Văn Khiêm, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Phú Bình, đối với công tác phòng chống đói rét cho đàn vật nuôi, trong quá trình tập huấn chăn nuôi bò sinh sản cho người dân, cán bộ Trung tâm và hệ thống chăn nuôi thú y các xã đều hướng dẫn bà con cần đặc biệt quan tâm đến sức khỏe của đàn bò khi trời trở rét.
Để tăng sức đề kháng cho đàn vật nuôi, cần cho bò ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng theo hướng dẫn. Đặc biệt, cần che chắn cẩn thận, giữ chuồng trại ấm áp, không để thời tiết làm ảnh hưởng đến sức khỏe của đàn vật nuôi nói chung và bò sinh sản nói riêng.
“Trong mùa đông giá rét, thực tế cho thấy thức ăn xanh cho đàn bò sẽ không bị thiếu hụt do lượng cỏ tự nhiên cũng như cỏ trồng hiện đang được đảm bảo. Bà con hoàn toàn có thể dự trữ đủ để làm thức ăn cho đàn bò nên đây không phải là vấn đề đáng lo ngại. Tuy nhiên bà con cũng không nên chủ quan vì đảm bảo dinh dưỡng sẽ góp phần lớn vào việc tăng sức đề kháng cho đàn gia súc”, ông Nguyễn Văn Khiêm lưu ý.
Để phòng, chống đói rét cho đàn vật nuôi trong mùa đông, các chuyên gia khuyến cáo người dân thường xuyên theo dõi diễn biến tình hình thời tiết để có những phương án ứng phó phù hợp.
Đồng thời khuyến cáo bà con không thả rông vật nuôi trong những ngày rét đậm. Tích trữ rơm khô, chuẩn bị thức ăn tinh cho gia súc. Cải tạo, che chắn chuồng trại để đảm bảo kín gió, tránh mưa tạt, giữ nền chuồng luôn khô ráo sạch sẽ. Sử dụng bóng điện hay đốt lửa sưởi cho vật nuôi trong chuồng bằng trấu, mùn cưa, than củi…
Nguồn: nongnghiep.vn