Chúng tôi về thôn Vĩnh Tuy 1, xã Vĩnh Ninh (huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) để xem mô hình trồng cam chất lượng cao của anh Trần Thiện Thuật. Nhìn vườn cam căng mọng, trĩu cành đang vào kỳ thu hoạch, ai cũng thích mắt.
Anh Thuật kể trước đây, gia đình trồng cây bạch đàn, không mang lại hiệu quả mà còn có nguy cơ làm đất bạc màu. Một lần đọc báo, anh thấy bà con ở Nghệ An, Hà Tĩnh… trồng cây có múi trên vùng đồi có hiệu quả kinh tế cao nên đã khăn gói đi xem cho biết.
Sau mấy chuyến đi “du lịch” vùng cam tỉnh bạn, quay về, anh Thuật hạ quyết tâm khai thác hết cây bạch đàn, đào hố, ủ phân xanh cho hoai mục và mua giống cam về để trồng. “Khi đó, tôi cũng làm theo những gì đã học hỏi được của những người đi trước thôi. Còn giống cam là cam V2 và quýt Phủ Quỳ” – anh Thuật nói.
Đầu năm nay, Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh Quảng Bình đã hỗ trợ kỹ thuật, phân bón… cho anh Thuật để làm mô hình cam chất lượng cao, hướng hữu cơ nhằm nhân rộng ra những nơi khác.
Với định hướng sản xuất theo hướng hữu cơ, anh Thuật sử dụng phân chuồng ủ theo quy trình để bón cho cam, quýt. Hệ thống tưới tự động được lắp đặt và cài đặt chế độ tưới theo giờ. Vì vậy, cam phát triển xanh tốt và sung sức trước mỗi kỳ ra hoa, đậu quả.
Để hạn chế dùng thuốc bảo vệ thực vật, anh Thuật sử dụng bẫy keo dính các loại côn trùng có hại, bảo vệ cho cam, quýt. Anh lấy chai nhựa rồi quét phía ngoài một lớp keo có chất kết dính rồi treo lên cành cam.
“Với cái bẫy kiểu này, tôi treo lên cây cam, quýt. Các loại côn trùng bay tới gây hại nghe mùi đậu vào đó đều bị dính. Cách làm này đơn giản nhưng khá hiệu quả, tỷ lệ quả bị hư giảm đáng kể, chất lượng sản phẩm được nâng lên rõ rệt”, anh Thuật cho hay.
Áp dụng quy trình kỹ thuật thâm canh đúng và sử dụng phân hữu cơ (phân chuồng) nên vườn cam đã cho năng suất cao. Khi chúng tôi đến thăm, vườn cam của gia đình anh Thuật đang thu hoạch bán cho thương lái.
Anh Thuật phấn khởi nói: “Năm nay cam được mùa và cũng được giá. Gần 500 gốc cam gia đình tôi vừa hái được 10 tấn, bán với giá 30.000 đồng/kg, thu về 300 triệu đồng. Số cam còn lại thu hoạch lứa sau cũng thêm được năm, bảy chục triệu đồng nữa”.
Cách vườn cam một con mương nhỏ là vườn quýt với trái xanh mướt cũng đang trĩu cành và khu vườn trồng giống ổi Đài Loan, dừa xiêm ven tuyến mương… Theo anh Thuật, vườn quýt này sẽ thu hoạch và bán vào dịp Tết Nguyên đán sắp đến.
“Vườn quýt là hàng bán phục vụ Tết. Lúc đó, giá cả cũng cao hơn ngày thường. Thu nhập hơn trăm triệu đồng là trong tầm tay”, anh Thuật cho biết.
Cũng theo anh Thuật, cam quýt vườn nhà đã được chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP từ tháng 10/2023. “Tôi cũng đã hoàn thiện hồ sơ để huyện, tỉnh xem xét công nhận sản phẩm cam, quýt đạt chuẩn OCOP. Khi đó, thương hiệu cam, quýt do chính tôi trồng sẽ đến gần hơn với người tiêu dùng”, anh Thuật hồ hởi nói thêm.
Để chủ động nguồn phân hữu cơ, anh Thuật dành một phần đất xây dựng khu nuôi lợn. Gần trăm lợn nái và lợn thịt cũng được nuôi theo hướng hữu cơ. Phân lợn được gom đưa về nơi ủ cho hoai mục để bón cho cây trồng trong trang trại.
“Phân này khi ủ cũng được cán bộ khuyến nông hướng dẫn trộn thêm tỷ lệ vôi để bón cho cây trồng nhằm cải tạo, nâng chất dinh dưỡng cho đất, hạn chế chua phèn cho cây trồng. Đồng thời thu nhập từ trại lợn cũng cho thêm hàng trăm triệu đồng mỗi năm”, anh Thuật bộc bạch thêm.
Do dùng phân lợn ủ với vôi để làm phân bón cho vườn cây ăn quả nên vườn cây rất xanh tốt, ít sâu bệnh và cho quả rất sai. Mỗi năm, gia đình anh thu hoạch và cung cấp ra thị trường từ 15 – 17 tấn cam, quýt và gần 1 tấn ổi.
Ông Trần Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh Quảng Bình cho hay, việc hỗ trợ kỹ thuật, phân bón… xây dựng các mô hình cây có múi trên vùng gò đồi là định hướng để nông dân hòa nhập vào nền nông nghiệp sạch, có gía trị hàng hóa cao. Ngoài hỗ trợ kỹ thuật, phân bón, Trung tâm còn hỗ trợ nông dân để kết nối, liên kết tiêu thụ sản phẩm…
Nguồn: nongnghiep.vn