Chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp
Tỉnh ủy Hậu Giang vừa ban hành báo cáo kết quả 5 năm triển khai thực hiện Kết luận số 54-KL/TW của Bộ Chính trị và các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Theo đó, thời gian qua tỉnh Hậu Giang đã ban hành nhiều chính sách và tập trung nguồn lực để đầu tư phát triển tam nông, nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn. Tập trung xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội đồng bộ.
Ban hành các chính sách ưu đãi đầu tư, thu hút các doanh nghiệp tham gia đầu tư sản xuất kinh doanh, hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, hỗ trợ phát triển hợp tác xã và các ngành, nghề nông thôn. Qua đó, đã góp phần từng bước phát triển nền nông nghiệp với quy mô sản xuất hàng hóa lớn, chất lượng cao gắn với liên kết chuỗi giá trị, phát huy thế mạnh hiện có của tỉnh và mang lại hiệu quả cao trong sản xuất nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người dân.
Ông Ngô Minh Long, Giám đốc Sở NN-PTNT Hậu Giang cho biết, từ năm 2021-2023, diện tích chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa là 14.980ha. Trong đó, diện tích chuyển đổi sang trồng cây hàng năm là 973ha và chuyển đổi sang trồng cây lâu năm là 2.197ha. Riêng diện tích chuyển đổi từ chuyên lúa sang trồng lúa kết hợp với nuôi trồng thủy sản là 11.810ha.
“Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp 2-4 lần so với chuyên trồng trồng lúa, giúp tăng thu nhập cho nhà nông”, ông Long đánh giá.
Hình thành vùng sản xuất tập trung
Bện cạnh việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, tỉnh Hậu Giang đã tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, hình thành các vùng sản xuất nông sản tập trung. Cụ thể, đã hình thành vùng chuyên canh cây ăn trái với các loại cây trồng chủ lực như: bưởi da xanh, chanh không hạt, mít, xoài, sầu riêng, mãng cầu xiêm, khóm… ở các huyện Châu Thành, Châu Thành A, Phụng Hiệp và Long Mỹ. Cùng với đó là thực hiện cấp mã số vùng trồng. Đến nay, toàn tỉnh có 132 mã số vùng trồng được chứng nhận, với diện tích 2.365ha, cho sản lượng khoảng 44.400 tấn sản phẩm/năm và 9 mã số cơ sở đóng gói.
Vùng nuôi thủy sản tập trung ở huyện Châu Thành, Phụng Hiệp và TP Ngã Bảy với đối tượng nuôi chính là cá tra, nuôi cá thát lát ở huyện Phụng Hiệp và nuôi lươn ở huyện Long Mỹ, Vị Thủy, nuôi cá đồng ở huyện Phụng Hiệp, Vị Thủy và Long Mỹ. Vùng chuyên canh lúa chất lượng cao ở các huyện Phụng Hiệp, Vị Thủy, Long Mỹ và Châu Thành A.
Đến nay, tỷ lệ cơ giới hóa trong canh tác lúa đạt 100% khâu làm đất và thu hoạch, các khâu khác như gieo sạ, cấy máy, phun thuốc, bón phân bằng máy bay đạt từ 68-75%. Nhiều biện pháp kỹ thuật tiên tiến được ứng dụng trong sản xuất, nhất là đối với sản xuất lúa chất lượng cao như kỹ thuật 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm, SRP, IPM/MRL. Đối với cây ăn quả áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước, công nghệ trồng cây trong nhà màng đối với rau màu.
Diện tích sản xuất được chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP là 1.427ha, chủ yếu là lúa, khóm, sầu riêng, bưởi, mít, chanh, xoài, dưa hấu… chứng nhận tiêu chuẩn GlobalGAP được 229ha, sản lượng 3.659 tấn, chủ yếu là lúa, mít, mãng cầu xiêm, sầu riêng, chanh, khóm.
Trên địa bàn tỉnh hiện có trên 60 doanh nghiệp và hợp tác xã liên kết bao tiêu sản phẩm lúa và một số loại cây ăn trái cho gần 40.000 lượt hộ sản xuất với diện tích khoảng 39.000ha, sản lượng trên 300.000 tấn/năm.
Nguồn: nongnghiep.vn