Thách thức đảm bảo tiến độ quy hoạch
Theo Quy hoạch điện 8, tổng công suất đặt các nguồn điện đến năm 2030 là 150.489 MW, gần gấp đôi hiện nay (khoảng 80.000 MW). Trong đó, tổng công suất các nguồn điện khí phải đầu tư xây mới là 30.424 MW, điện gió ngoài khơi là 6.000 MW. Hai nguồn này chiếm khoảng 50% tổng công suất điện cần bổ sung.
Để đạt thêm hơn 30.000 MW điện khí, Việt Nam sẽ triển khai 10 dự án sử dụng khí khai thác trong nước, với tổng công suất 7.900 MW và 13 dự án sử dụng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) với tổng công suất hơn 22.800 MW.
Các dự án điện khí sẽ là những nguồn điện chạy nền, ổn định và hỗ trợ cho các dự án điện gió và điện mặt trời để đảm bảo an ninh cung cấp điện. Đây là xu hướng tất yếu bởi thủy điện đã gần hết dư địa, còn nhiệt điện than không được phát triển thêm sau năm 2030, theo cam kết với quốc tế.
Tuy nhiên, với các dự án điện khí LNG hiện tồn tại 3 vướng mắc chính. Đó là: Bao tiêu sản lượng khí tối thiểu; Cơ chế chuyển ngang giá khí sang giá điện; Cơ chế mua khí phù hợp với xu hướng chung của thế giới.
Ông Nguyễn Duy Giang, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power) cho biết thêm: “Đòi hỏi lớn nhất của các nhà cho vay, nhà tài trợ là phải có sản lượng điện hợp đồng dài hạn cho dự án, nhằm đảm bảo dòng tiền trả nợ”.
Ngoài ra, ông Giang cũng cho rằng, giá khí đầu vào cho các dự án hiện đang neo theo giá thế giới, do đó cần có một cơ chế cho việc chuyển giá khí vào trong giá điện. “Nếu không có cơ chế dài hạn và quy trình chuyển giao khí rõ ràng, dự án có thể bị từ chối vay vốn bất kỳ lúc nào, gây tổn thất không chỉ cho chủ đầu tư mà còn cả hệ thống điện quốc gia”, lãnh đạo PV Power nhận định.
Kinh nghiệm triển khai các dự án điện khí LNG cho thấy, tiến độ chuẩn bị đầu tư xây dựng, vận hành các nhà máy loại này khá dài. Tính từ lúc dự án được phê duyệt quy hoạch đến khi đưa vào vận hành cần trung bình từ 7 – 8 năm. Trong đó, thời gian đàm phán Hợp đồng mua bán điện PPA và thu xếp vốn vay rất khó xác định và có độ dao động lớn.
Song song với việc phát triển các dự án nhà máy điện khí, việc đầu tư xây dựng kho cảng, chuẩn bị cơ sở hạ tầng cũng cần đảm bảo phù hợp.
Ông Phạm Văn Phong, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Khí Việt Nam thông tin, trước mắt PV GAS sẽ nâng công suất của kho LNG Thị Vải từ 1 lên 3 triệu tấn, nhằm đảm bảo cung cấp cho toàn khu vực Đông Nam bộ. Ngoài ra, PV GAS đầu tư kho cảng LNG Sơn Mỹ và 2 dự án nữa tại miền Bắc và miền Trung. Tổng mức đầu tư cho 4 dự án ước khoảng 4 tỷ USD, thời gian thu hồi vốn 20 năm.
PGS.TS Bùi Xuân Hồi, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Điện lực miền Bắc thừa nhận, các dự án điện khí, điện gió có nhiều điểm khác biệt so với những nguồn điện khác, đặc biệt là vấn đề giá thành và đầu vào. “Cần có cơ chế đặc biệt với các nguồn điện này, bởi trong khuôn khổ pháp lý của thị trường điện hiện nay thì rất khó để loại hình này tham gia một cách sòng phẳng”, ông nói.
Vướng Quy hoạch không gian biển
Gió ngoài khơi được xem là nguồn năng lượng tái tạo duy nhất có khả năng chạy phụ tải nền cho hệ thống điện Việt Nam, do Việt Nam nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, cùng đường bờ biển trải dài 3.260km.
Báo cáo Lộ trình Điện gió ngoài khơi Việt Nam do WB tiến hành nhận định, Việt Nam có thể đứng thứ 3 châu Á, sau Trung Quốc, Nhật Bản về sản lượng điện gió, với khoảng 40% diện tích đất nước có tốc độ gió trung bình năm lớn hơn 6m/s ở độ cao 65m, tương đương công suất khoảng 512.000 MW.
Suất đầu tư cho 1 MW điện gió ngoài khơi đã giảm mạnh từ 255 USD/MWh năm 2012 xuống 80 USD/MWh hiện nay, và khoảng 58 USD/MWh sau năm 2030.
Trong Quy hoạch điện 8, Chính phủ cũng đặt mục tiêu công suất điện gió ngoài khơi đến năm 2030 là 6.000 MW, định hướng đến năm 2050 đạt từ 70.000 – 91.000 MW. Tuy nhiên, loại nguồn điện này gặp “điểm nghẽn” tại Việt Nam khi chưa có kinh nghiệm phát triển.
Đối với dự án điện gió ngoài khơi, thời gian thực hiện thường từ 6 – 8 năm kể từ lúc khảo sát, gần tương đương điện khí. Như vậy, các dự án đầu tư điện khí, điện gió ngoài khơi vừa phải tăng rất nhanh về quy mô, vừa phải chuyển đổi mạnh về cơ cấu để đạt mục tiêu trung hòa carbon, cũng như cân đối giữa nguồn điện và truyền tải.
Đặc biệt, điện gió ngoài khơi có suất đầu tư rất lớn, khoảng 2 – 3 triệu USD/MW. Do tính đặc thù về kỹ thuật và công nghệ, quy mô đầu tư lớn, việc triển khai các dự án điện khí, điện gió ngoài khơi đáp ứng tiến độ của Quy hoạch điện 8 để đưa vào vận hành trước 2030, rõ ràng là thách thức không nhỏ.
Một yếu tố nữa là Quy hoạch không gian biển quốc gia chưa được phê duyệt. Các nhà đầu tư chưa được cấp có thẩm quyền giao khu vực biển, cho phép hay chấp thuận sử dụng khu vực biển để thực hiện hoạt động đo đạc, quan trắc, điều tra, thăm dò, khảo sát nhằm phục vụ lập dự án điện gió ngoài khơi. Vì vậy, chưa có cơ sở triển khai Quy hoạch điện 8.
Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên vừa yêu cầu EVN, PVN, PV GAS, PV Power khẩn trương rà soát các quy định và căn cứ vào tình hình thực tế triển khai, tham khảo kinh nghiệm của các nước có thế mạnh về phát triển điện khí, điện gió ngoài khơi để đưa ra các đề xuất triển khai Quy hoạch điện 8.
Bộ trưởng cũng giao Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo chủ trì, phối hợp với các đơn vị, trước khi kiến nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết tháo gỡ vướng mắc về quy định của pháp luật hiện hành trong triển khai các dự án điện khí, điện gió ngoài khơi theo Quy hoạch điện 8, thậm chí đưa các dự án điện gió ngoài khơi vào danh mục trọng điểm quốc gia để hưởng cơ chế, chính sách đặc biệt.
Nguồn: nongnghiep.vn