Bền bỉ thực hiện rải vụ
Lúc ấy Trung tâm Phát triển Nông nghiệp Hà Nội đã cùng với Phòng Trồng trọt (trước đây) của Sở NN-PTNT Hà Nội thực hiện rải vụ cho cây bưởi bằng cách đa dạng các loại giống. Bà Hoàng Thị Hòa, Giám đốc Trung tâm Phát triển Nông nghiệp Hà Nội cho biết Thủ đô có 12 loại bưởi đặc sản, tính rải vụ rõ nét trong đó bưởi Diễn chiếm hơn 70%, còn lại là bưởi Tam Vân, bưởi đỏ Tân Lạc, bưởi đường La Tinh, bưởi Quế Dương, bưởi Thồ, bưởi chua đầu tôm…
Các loại bưởi này giúp kéo dài thời vụ thu hoạch quả từ tháng 8 năm trước đến tận tháng 1 năm sau nên đã góp phần tránh ùn ứ sản phẩm vào một thời điểm, đáp ứng được nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng trong các tháng của năm và khẩu vị chua, ngọt khác biệt.
Theo thống kê năm 2022 diện tích bưởi của Hà Nội là 7.500 ha, chủ yếu ở huyện Chương Mỹ (1.128 ha), Phúc Thọ (685 ha), Đan Phượng (557,4ha), Quốc Oai (551 ha), Ba Vì (685,3 ha), Hoài Đức (378 ha), Mê Linh (295 ha), Sóc Sơn (390 ha), Thạch Thất (314 ha), Ứng Hòa (225 ha)… Năng suất bưởi bình quân đạt 185 tạ/ha, sản lượng đạt 100.000 tấn, tổng giá trị đạt 1.998 tỷ đồng/năm. Hiện nay, thành phố đã xây dựng và phát triển được 1 nhãn hiệu chỉ dẫn địa lý và 14 nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm bưởi…
Để tạo hướng đi bền vững cho cây bưởi, ngày 30/11/2021 UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 5343 về phát triển sản xuất giống bưởi đỏ Tân Lạc và một số giống bưởi đặc sản Hà Nội giai đoạn 2021 – 2025. Mục tiêu của quyết định này là góp phần phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng công nghiệp hóa – hiện đại hóa, xây dựng nông thôn mới, chuyển đổi phương thức sản xuất từ tự cấp tự túc sang sản xuất hàng hóa lớn theo hướng xuất khẩu.
Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển bưởi đỏ Tân Lạc và một số giống bưởi đặc sản Hà Nội giai đoạn 2021-2023, Trung tâm Phát triển Nông nghiệp Hà Nội đã tổ chức tuyên truyền, vận động nông dân tham gia trồng mới với quy mô 42,4 ha với 181 hộ tham gia; Hỗ trợ chăm sóc bưởi năm thứ 2 với quy mô 127,4 ha với 215 hộ tham gia, gồm các giống bưởi Diễn, bưởi đỏ Tân Lạc, bưởi Tam Vân, bưởi thồ. Bước đầu đánh giá thấy cây sinh trưởng tốt, là tiền đề để phát triển tốt trong cả giai đoạn kiến thiết cơ bản và đem lại năng suất cao trong chu kì kinh doanh sau này.
Ứng dụng công nghệ cao vào bảo quản
Với mục tiêu ứng dụng công nghệ cao, Trung tâm đã phối hợp với Viện Cây ăn quả để làm thực nghiệm nâng cao năng suất, bảo quản bưởi. Trên cơ sở đó đã tham mưu Sở Nông nghiệp và PTNT ban hành 3 quy trình kỹ thuật. Với mục tiêu nâng cao chất lượng bưởi an toàn thực phẩm trung tâm đã tổ chức thâm canh bưởi hữu cơ quy mô 8 ha với 21 hộ tham gia; hỗ trợ ứng dụng đồng bộ kỹ thuật, công nghệ cao thâm canh bưởi theo tiêu chuẩn VietGAP quy mô 45 ha; hỗ trợ ứng dụng đồng bộ kỹ thuật, công nghệ cao thâm canh bưởi theo tiêu chuẩn GlobalGAP với quy mô 7,5 ha cùng 27 hộ tham gia thực hiện.
Đến nay cấp 9 giấy chứng nhận cho HTX NN hữu cơ xã Nam Phương Tiến – huyện Chương Mỹ, HTX NN xã Yên Sở – huyện Hoài Đức, hộ sản xuất bưởi xã Cát Quế, huyện Hoài Đức, hộ sản xuất bưởi xã Vân Hà, huyện Phúc Thọ, Hội Nông dân xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai; cấp 12 giấy chứng nhận VietGAP cho 10 HTX/Hội nông dân tham gia; cấp 2 giấy chứng nhận GlobalGAP cho 2 HTX, nhóm hộ tham gia: HTX NN Yên Sở – huyện Hoài Đức, Nhóm hộ xã Kim An – huyện Thanh Oai. Qua công tác tập huấn đã giúp các địa phương truy xuất được nguồn gốc, nông dân nắm được quản lý vùng trồng, từ đó đẩy mạnh được thương hiệu sản phẩm, đáp ứng được yêu cầu của người tiêu dùng và thị trường.
Không chỉ hỗ trợ để cải thiện kỹ thuật sản xuất, với mục tiêu đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm của các địa phương, Trung tâm đã tuyên truyền đến nay đã hình thành và phát triển được 7 chuỗi liên kết sản xuất- tiêu thụ có hiệu quả như: chuỗi sản xuất và kinh doanh bưởi an toàn Quế Dương tại Cát Quế – Hoài Đức; chuỗi sản xuất và tiêu thụ bưởi Diễn của HTX nông nghiệp hữu cơ Nam Phương Tiến; chuỗi sản xuất và tiêu thụ bưởi Diễn của HTX DV nông nghiệp Yên Sở; chuỗi sản xuất và tiêu thụ bưởi xã Vân Hà – huyện Phúc Thọ; chuỗi sản xuất và tiêu thụ bưởi đỏ Tráng Việt – huyện Mê Linh; chuỗi sản xuất và tiêu thụ bưởi Thượng Mỗ, huyện Đan Phượng, chuỗi sản suất và tiêu thụ bưởi sạch – huyện Sóc Sơn…
Trong năm 2022, Trung tâm đã phối hợp với Viện Thổ nhưỡng Nông hoá xây dựng 1 chỉ dẫn địa lý La Tinh Hoài Đức cho sản phẩm bưởi đường huyện Hoài Đức.
Đến ngày 28/12/2022 đã được Cục sở Hữu Trí tuệ ra Quyết định số 6689 chấp nhận đơn hợp lệ cho chỉ dẫn địa lý La Tinh Hoài Đức cho sản phẩm bưởi đường huyện Hoài Đức; tổ chức xây dựng được 3 nhãn hiệu cho xã Vân Hà – Phúc Thọ, Bạch Hạ – Phú Xuyên và bưởi chua đầu tôm Quốc Oai. Đã tổ chức tuyên truyền nội dung khoa học kỹ thuật tại các đài truyền thanh của xã, huyện; tuyên truyền xúc tiến tiêu thụ trên báo, đài truyền hình và website. Qua đó giúp người tiêu dùng Thủ đô và các tỉnh bạn kết nối với các vùng để tiêu thụ sản phẩm.
Với mục tiêu cung cấp mắt ghép, giống chuẩn và bảo tồn giống đặc sản địa phương, Hà Nội đã xây dựng được 5 vườn cây đầu dòng (bưởi Diễn, bưởi Tam Vân, bưởi tháng mười, bưởi đỏ Tân Lạc) và 112 cây đầu dòng của 11 giống bưởi. Đồng thời thành phố cũng được công nhận đặc cách 4 giống bưởi gồm bưởi đường La Tinh, bưởi đường Quế Dương, bưởi thồ, bưởi đỏ bánh men (bưởi đỏ Đông Cao, xã Tráng Việt, huyện Mê Linh)…
Nguồn: nongnghiep.vn