Giao thông đi trước mở đường cho kinh tế đi lên
Theo UBND huyện Cái Bè, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM trên địa bàn huyện Cái Bè được triển khai bắt đầu từ năm 2011 với nhiều khó khăn khi xuất phát điểm còn thấp. Huyện đã từng bước khắc phục khó khăn và đã đạt được những kết quả quan trọng làm thay đổi sắc diện nông thôn. Trong đó, giao thông luôn là tiêu chí đi trước trong các định hướng phát triển.
Từ năm 2011 đến nay, huyện Cái Bè đã đầu tư nâng cấp, cứng hóa, làm mới và mở rộng 487 tuyến đường giao thông nông thôn, tổng chiều dài hơn 1.292 km, xây mới hơn 76 cầu giao thông nông thôn. Cùng với đó, hệ thống công trình thủy lợi được đầu tư gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đáp ứng nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của người dân. Các lĩnh vực văn hóa, ý tế, giáo dục ngày càng được quan tâm và mang lại nhiều hiệu quả.
Thành tựu phát triển kinh tế là điểm nhấn lớn nhất trong hơn quá trình 13 năm xây dựng NTM ở huyện Cái Bè. Kinh tế nông thôn có bước chuyển biến tích cực với các mô hình liên kết, hợp tác sản xuất. Huyện Cái Bè hiện có 26 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp đang hoạt động trên lĩnh vực tổng hợp và trồng trọt với tổng cộng hơn 7.000 thành viên. Tổng doanh thu năm 2022 của các HTX đạt hơn 16 tỷ đồng, lợi nhuận đạt hơn 1 tỷ đồng. Các HTX đã tạo việc làm thường xuyên cho 720 lao động địa phương với thu nhập từ 14,5 – 60 triệu đồng/người/năm. Đối với Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), các địa phương đã có 25 sản phẩm OCOP được UBND tỉnh và UBND huyện xếp hạng đạt chuẩn từ 3 – 4 sao.
Đi đôi với phát triển nông nghiệp, công tác thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp cũng được huyện Cái Bè quan tâm và thực hiện hiệu quả. Hiện nay, huyện Cái Bè có trên 1.500 cơ sở công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp và trên 600 doanh nghiệp, trong đó đóng góp lớn vào giá trị sản xuất công nghiệp của huyện có lĩnh vực xay xát, lau bóng gạo.
Từ những kết quả trên, tốc độ tăng trưởng bình quân của huyện Cái Bè trong giai đoạn 2016 – 2020 đạt 10,16%/năm, cao hơn so với giai đoạn 2011 – 2015 (8,47%).
Ông Nguyễn Văn Nha, Chủ tịch UBND huyện Cái Bè chia sẻ: “Qua các kết quả đạt được của phát triển kinh tế, đời sống người dân trên địa bàn huyện Cái Bè ngày càng được nâng lên với thu nhập bình quân đầu người năm 2023 của huyện đạt 68,83 triệu đồng, so với năm 2022 tăng 9,97%. Tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện còn 1,03%, giảm 4,65% so với năm 2015 và giảm 10,25% so với năm 2011”.
Tiếp tục nâng chất hơn nữa
Một mùa xuân mới lại về, khác với những mùa xuân trước, xuân Giáp Thìn 2024, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Cái Bè vô cùng phấn khởi khi huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Không khí ấy đã lan rộng trên khắp các nẻo đường của huyện.
Cô Lê Thị Thúy An, giáo viên Trường mầm non 2-9 cho biết rất vui mừng khi huyện được Thủ tướng công nhận đạt chuẩn vào những ngày trước thềm năm mới. Theo cô giáo Lê Thị Thúy An, đường đến trường của các em học sinh ngày càng thuận lợi hơn với những con đường thông thoáng, sạch đẹp. Đặc biệt, trường học đã được đầu tư cơ sở vật chất đạt chuẩn, giúp cho công tác dạy và học thuận lợi hơn. Từ đó, thế chất và khả năng sáng tạo của học sinh thông qua sự hướng dẫn của giáo viên cũng được nâng cao khi có đầy đủ các mô hình, dụng cụ học tập, khu vui chơi.
Còn bà Nguyễn Thị Tiến, Chủ tịch UBND xã Thiện Trí chia sẻ: “Điểm nổi bật trong xây dựng nông thôn mới của huyện là tập trung vận động nhân dân đẩy mạnh phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng nâng cao giá trị, cũng như nhân rộng các mô hình hiệu quả. Cùng với phát triển sản xuất, hệ thống cơ sở hạ tầng cũng được đầu tư khang trang đáp ứng yêu cầu đi lại của người dân, đồng thời cảnh quan môi trường sáng, xanh, sạch đẹp”.
Ông Nguyễn Văn Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang đánh giá: Kết quả xây dựng nông thôn mới của huyện Cái Bè đã góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Vì vậy, trong thời gian tới, ông đề nghị các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và huyện Cái Bè tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế, khó khăn để tiếp tục hoàn thiện tiêu chí huyện nông thôn mới đạt kết quả cao hơn nữa. Trong đó, cần tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và người dân trong xây dựng nông thôn mới.
Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cũng chia sẻ thêm, năm nay, Tiền Giang tập trung thực hiện, phấn đấu huyện Tân Phước và huyện Tân Phú Đông đạt chuẩn huyện nông thôn mới. Riêng, huyện Chợ Gạo và huyện Gò Công Đông đạt chuẩn huyện nông thôn mới nâng cao, tạo điều kiện để tỉnh Tiền Giang đạt mục tiêu được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới trong năm 2025.
Nguồn: nongnghiep.vn