Trong trồng trọt Ứng Hòa đã hình thành các vùng sản xuất lúa hàng hoá tập trung với quy mô ổn định khoảng 5.690 ha, năng suất đạt từ 58 tạ/ha, sản lượng từ 33.000 tấn trở lên. Nhiều giống lúa mới như J02, nếp thơm giúp nâng tỷ lệ lúa chất lượng cao ở vụ xuân năm 2024 lên 71%. Huyện cũng ứng dụng cơ giới hóa vào khâu làm đất và thu hoạch lúa đạt trên 98%, khâu cấy đạt 7,4% và trên 700 ha sử dụng máy bay không người lái để phun thuốc.
Vùng sản xuất cây ăn quả ven sông Đáy có tổng diện tích 473 ha trong đó HTX Dịch vụ Nông nghiệp Hòa Xá, HTX Dịch vụ Nông nghiệp Lưu Khê đã được cấp mã số vùng trồng. Vùng sản xuất rau an toàn rộng 100 ha tập trung tại các xã Phù Lưu, Vạn Thái, Sơn Công, Hòa Nam… Trong đó 30.984m2 ứng dụng công nghệ cao nhà màng, nhà kính ở các xã Viên Nội, Sơn Công, Phù Lưu, Hồng Quang. Đã có 8 tổ chức, cá nhân được cấp giấy chứng nhận VietGAP với tổng diện tích 33,6ha, sản lượng khoảng 578 tấn/ năm, trong đó HTX Nông nghiệp Phù Lưu đã được cấp mã số vùng trồng.
Trong chăn nuôi, Ứng Hòa phát triển các vùng tập trung như nuôi lợn tại các xã Vạn Thái, Tảo Dương Văn, Hồng Quang, Sơn Công; Nuôi bò thịt tại các xã Viên Nội, Sơn Công, Phù Lưu; Nuôi gia cầm tại các xã như Kim Đường, Đông Lỗ, Phương Tú, Minh Đức. Huyện hỗ trợ phát triển các trang trại quy mô lớn, hiện đại, tiến tới xây dựng vùng an toàn dịch và bảo vệ môi trường.
Thực tế đã cho thấy sự linh hoạt trong việc chuyển hướng của nhiều hộ chăn nuôi khi biết tận dụng cơ sở vật chất hiện có như các hộ ông Dư Văn Hoan xã Phù Lưu; hộ anh Nguyễn Văn Hiệp xã Cao Thành, hộ ông Đặng Đình Thông xã Đội Bình…
Sau khi dịch tả lợn Châu Phi xuất hiện gây thiệt hại nặng cho sản xuất thì họ đã mạnh dạn chuyển đổi từ nuôi lợn sang nuôi vịt bằng tận dụng hệ thống sàn đã có. Đây là mô hình chăn nuôi mới với hình thức nuôi khép kín, ít gây ô nhiễm môi trường, quản lý thức ăn và dịch bệnh đàn vịt nuôi rất hiệu quả, đồng thời đem lại năng suất cao. Còn trong chính nghề nuôi lợn cũng có những đổi mới như áp dụng hệ thống cho ăn tự động tại hộ ông Nguyễn Văn Thanh, xã Vạn Thái với quy mô 5.000 con thịt và 3.000 con nái, chăn nuôi lợn thịt của hộ ông Đặng Hữu Hỷ, xã Sơn Công liên kết với công ty Hàn Quốc với quy mô 2.000 con, chăn nuôi gà đẻ của hộ ông Đoàn Văn Mười, xã Đông Lỗ với quy mô 15.000 con.
Vùng nuôi trồng thủy sản chủ yếu chuyển đổi từ ruộng trũng, cấy lúa bấp bênh sang mô hình ao nổi với tổng diện tích 2.700ha tập trung tại các xã Phương Tú, Hòa Lâm, Trầm Lộng, Trung Tú, Đồng Tân, Minh Đức…Một số mô hình ứng dụng công nghệ cao ở xã Liên Bạt và Trầm Lộng nuôi “sông trong ao” vừa giúp nâng cao năng suất, chất lượng đồng thời tiết kiệm nước, bảo vệ môi trường. Đã có 110 ha thủy sản được cấp giấy chứng nhận VietGAP.
Không chỉ có vậy mà huyện còn ứng dụng chuyển đổi số để truy xuất nguồn gốc một số sản phẩm chủ lực trên địa bàn như gạo Nhật J02, bưởi Diễn, trứng vịt…giúp truy cung cấp thông tin từ sản xuất đến lưu trữ, chế biến và thương mại. Nhờ đó việc đưa sản phẩm lên các kênh thương mại điện tử như shopee, facebook…được dễ dàng hơn.
Tổng giá trị nông nghiệp của Ứng Hòa năm 2024 ước đạt 5.090 tỷ đồng, tăng so với năm 2023 là 4,6%, nhờ đó tạo nền tảng vững chắc cho chương trình xây dựng nông thôn mới khi đặt mục tiêu có thêm 7 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Nguồn: nongnghiep.vn