Ít ai ngờ trang trại bề thế, quy củ của ông Nguyễn Tiến Dũng, ở thôn Thường Lệ, xã Đại Thịnh, huyện Mê Linh, TP Hà Nội mấy năm trước là những đám ruộng lúa canh tác kém hiệu quả, được ông thuê lại của mấy chục hộ dân trong làng. Sau khi được chính quyền phê duyệt phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ông đã lập lên một trang trại tổng hợp có diện tích gần 129.000m2, trong đó có một phần trồng hoa lan hồ điệp trong nhà lưới, nhà màng, ứng dụng công nghệ cao như tưới, làm mát.
Ánh sáng, nhiệt độ trong nhà lưới được ông điều chỉnh sao cho phù hợp với sinh trưởng, phát triển của cây hoa ở từng giai đoạn cụ thể. Hệ thống tưới cũng kiêm nhiệm luôn dẫn dinh dưỡng đến cho từng cây. Nhờ đó mà hoa phát triển rất đều, đẹp, mỗi năm trang trại của ông xuất ra thị trường khoảng 120.000 cây lan các loại, đạt doanh thu 6-7 tỷ đồng.
Không dừng lại ở mục đích sản xuất đơn giá trị mà ông Dũng hướng tới mục đích đa giá trị để nâng cao hiệu quả kinh tế khi xây dựng trang trại thành khu sản xuất sinh thái kết hợp dịch vụ du lịch, tham quan, trải nghiệm, mua sắm đáp ứng nhu cầu cho khách Hà Nội. Công ty TNHH Thương mại và du lịch Tiến Tuấn được lập ra để thực hiện ý tưởng ấy.
Để quảng bá cho sản phẩm của trang trại, ông cũng mạnh dạn đem hoa lan hồ điệp đi đánh giá, xếp hạng OCOP và được phân hạng 4 sao. Kể từ đó hoa đã được nhiều người biết hơn, bán dễ hơn.
Cũng đi theo việc đánh giá, xếp hạng OCOP tương tự như thế là Hợp tác xã Khánh Phong, xã Tiến Thịnh. Giám đốc Nguyễn Thế Lâm kể, trên tổng diện tích hơn 10ha, các thành viên của đơn vị đang trồng cây ăn quả như ổi, táo, bưởi, đu đủ…
Để đảm bảo chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm, HTX tập trung sản xuất theo hướng không hóa chất độc hại, sử dụng phân chuồng ủ hoai mục và các loại chế phẩm, thuốc trừ sâu sinh học.
Không chỉ thế, để minh bạch quy trình sản xuất, HTX Khánh Phong đã áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc sử dụng mã QR Code, có thể tra cứu ngay bằng điện thoại thông minh, kết nối mạng, tạo niềm tin lớn cho khách khi mua hàng. Nhờ đó mà sản phẩm làm ra đã vượt qua các vòng kiểm tra nghiêm ngặt, nhiều cửa hàng thực phẩm sạch trong nội thành Hà Nội đặt mua, được các bếp ăn tập thể ký hợp đồng.
Với mục tiêu quảng bá thêm cho nhiều người biết đến sản phẩm của mình, HTX còn đem nông sản đi đánh giá, xếp hạng OCOP. Qua đó, Ban giám khảo đánh giá cao ổi Đài Loan và đu đủ của HTX và công nhận chúng đạt 4 sao, nhờ đó mà giá trị, danh tiếng cũng được nâng cao.
Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện Đề án “Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP” trên địa bàn huyện Mê Linh, đã có rất nhều xã vào cuộc mạnh, tạo ra những sản phẩm lợi thế, dặc trưng như vậy, góp phần chuyển biến rõ rệt trong phát triển kinh tế nông thôn, tạo thêm thu nhập cho các chủ thể.
Tính đến hết tháng 4/2023, toàn juyện có 75 sản phẩm được đánh giá, phân hạng, công nhận đạt sản phẩm OCOP, trong đó có 24 sản phẩm đạt 4 sao, thuộc ngành hàng thực phẩm, đồ uống, thủ công – mỹ nghệ – trang trí. Để tuyên truyền cho người dân hiểu sâu hơn về OCOP, Phòng kinh tế huyện đã tổ chức nhiều hội nghị tập huấn không chỉ cho cán bộ mà còn nhân dân; hỗ trợ xây dựng 6 cửa hàng bán và giới thiệu sản phẩm OCOP; hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu, mã QRcode, bao bì nhãn mác; hỗ trợ đưa các sản phẩm OCOP tham dự hội chợ do Hà Nội cũng như các tỉnh thành tổ chức để kết nối, xúc tiến thương mại.
Mê Linh đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 có từ 120-140 sản phẩm được đánh giá, phân hạng, công nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP trong đó có 10 – 15 sản phẩm mới có chất lượng tốt, giá trị cao, mang tính đặc trưng, lợi thế vùng miền.
Thực tế, trong thực hiện chương trình OCOP có những khó khăn như: Nhận thức của người dân về OCOP còn hạn chế; một số chủ thể chưa nhận thấy được lợi ích trong việc tham gia chương trình; số lượng sản phẩm OCOP chưa tương xứng với tiềm năng và không đồng đều giữa các xã; chưa có được sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 5 sao; chưa có được những câu chuyện về sản phẩm OCOP độc đáo và gây hiệu ứng rộng; chưa có được chiến lược xây dựng thương hiệu và kết nối thị trường bền vững, ổn định…
Để khắc phục, cần xác định các sản phẩm chủ lực, mang tính đặc trưng của địa phương để đầu tư, nâng cao chất lượng; đẩy mạnh xúc tiến thương mại bằng nhiều hình thức như hội chợ, triển lãm; bồi dưỡng nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh cho chủ thể OCOP để giúp họ không chỉ tiêu thụ ở các thị trường truyền thống còn mở rộng ra thị trường mới, kênh bán hàng mới như sàn điện tử, mạng xã hội…
Nguồn: nongnghiep.vn