“Theo tôi cảm nhận chưa bao giờ lĩnh vực nông nghiệp – nông dân – nông thôn có vị trí, vai trò, sứ mệnh quan trọng như hiện nay”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nói tại Hội nghị Thủ tướng đối thoại nông dân lần thứ 5.
Theo Bộ trưởng, thông qua các kết quả đã đạt được thời gian qua, đặc biệt là thành tích xuất siêu 11 tỷ USD trong năm 2023 và tăng trưởng GDP toàn ngành đạt kỷ lục 3,83%, tư duy, sự chuyển dịch, cũng như nỗ lực của cả hệ thống từ Trung ương đến các cơ sở là rất rõ nét. Doanh nghiệp, người nông dân đang góp sức rất lớn trong phát triển kinh tế – xã hội nói chung, đồng thời ổn định xã hội, chính trị.
Với quan điểm, mục tiêu cuối cùng là để người nông dân luôn nở nụ cười trên môi, tức là luôn có một công việc bền vững, có thu nhập ổn định và cao trên mảnh đất của mình, Bộ trưởng Dũng đồng ý rằng, giai đoạn hiện tại phải “chuyển mạnh, chuyển ngay, chuyển sớm” từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, tức là tối ưu hóa về mặt giá trị, chứ chúng ta không tối ưu hóa mặt sản lượng.
“Chúng ta phải đưa ra mục tiêu làm sao giá trị phải cao nhất trên một đơn vị diện tích, đấy mới là mục tiêu cuối cùng. Muốn làm được điều đó, chúng ta phải dựa trên công nghệ cao chứ không phải công nghệ cao là mục tiêu cuối cùng. Công nghệ cao chỉ là công cụ, là phương tiện để chúng ta đạt được hiệu quả cao. Đấy là chuyển đổi tư duy rất quan trọng hiện nay”, Bộ trưởng Dũng chia sẻ.
Người đứng đầu ngành kế hoạch đầu tư cho rằng, khi chuyển đổi được như vậy, người nông dân không cần sản xuất quá nhiều, cũng như giảm các tác động, ảnh hưởng tới môi trường, đất đai, đồng thời giảm sức lao động, đầu tư… Có như vậy, đời sống người nông dân mới bớt bấp bênh.
Đặt ra vấn đề, sản phẩm làm ra bán ở đâu và người nông dân thu nhập được bao nhiêu trên 1 đơn vị diện tích, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng tin tưởng, những gì Bộ NN-PTNT đang chỉ đạo, điều hành và toàn ngành nông nghiệp đang định hướng là rất đúng, rất trúng.
Ông gợi mở thêm, rằng hiện tại quy trình từ lúc gieo hạt xuống đồng tới khi sản phẩm cuối đến tay người tiêu dùng, trải qua 4 khâu chính là: giống; phân bón, thuốc trừ sâu; nuôi trồng; và thu mua chế biến bảo quản, bán ra thị trường.
Trong 4 khâu cơ bản ấy, ông đặt ra câu hỏi: “Người nông dân hiện nay đang làm ở đâu?” Theo Bộ trưởng, người nông dân đang làm đúng khâu thứ 3, tức là nuôi, trồng. Còn 3 khâu còn lại tương đối hạn chế, một số chỗ, một số nơi và một số ngành nghề đặc thù thậm chí chưa làm được.
“Mỗi một khâu giả sử giá trị gia tăng đó chiếm 25% trong thành phẩm cuối, thì hiện nay chúng ta mới làm được mỗi khâu nuôi, trồng, tức là chiếm 25%. Như vậy thì quá bấp bênh, khi thiên tai, dịch bệnh thì người nông dân mất hết. Làm giống chưa chắc, làm thức ăn chăn nuôi cũng chưa chắc; khâu bảo quản chế biến cũng không đáp ứng được”, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư trăn trở.
Hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư là đơn vị chủ trì thực hiện Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030. Đây là lần đầu tiên nước ta thực hiện công việc này, nhằm đưa ra một cách tiếp cận vừa mang tính tổng thể, vừa mang tính chiến lược, bao trùm mọi lĩnh vực kinh tế – xã hội và được lập cho 10 năm. Tại Nghị quyết số 81/2023/QH15 của Quốc hội, quy hoạch này được đúc kết trong 12 chữ: “Tư duy mới-Tầm nhìn mới-Cơ hội mới-Giá trị mới”.
Tại nội quy hoạch các vùng, Việt Nam được chia thành 6 vùng kinh tế, trong đó yêu cầu mỗi vùng, mỗi khu vực nông sản phải có 1 trung tâm giống. Kế đó là hình thành các trung tâm chế biến, trung tâm đổi mới khoa học sáng tạo cho các khu vực.
Bộ trưởng Dũng cho rằng, đây là bước đi quan trọng để nâng cao được giá trị nông sản. “Các mặt hàng nông sản của chúng ta rất nhiều, rất tốt. Nhưng làm sao phải sử dụng công nghệ cao, sử dụng đòn bẩy thế nào để nâng cao hơn nữa giá trị nông sản”, ông bày tỏ.
Bên cạnh đó, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhìn nhận, các trung tâm kể trên phải phát triển được nhiều giống mới, cho hiệu quả cao và phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của từng khu vực kinh tế.
“Chúng tôi đang xúc tiến thành lập một trung tâm hỗ trợ cho nông nghiệp, cho doanh nghiệp, cho nông nghiệp công nghệ cao. Hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xin ý kiến, trước khi trình Thủ tướng về kế hoạch thành lập một trung tâm tại Hòa Bình, trước khi nhân rộng ra các vùng khác, các địa phương khác”, ông Dũng nhấn mạnh.
Cũng tại Hội nghị Thủ tướng đối thoại nông dân chiều 30/12, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan thừa nhận, Việt Nam là đất nước có diện tích canh tác bình quân/hộ sản xuất rất nhỏ. “Diện tích nhỏ thì chi phí lớn, trong khi chúng ta đã đạt được những thành tích rất đáng kể trong nông nghiệp như hiện nay, đó là điều rất đáng ghi nhận”, ông chia sẻ.
Trên cơ sở đó, Bộ trưởng cam kết sẽ tiếp tục quan tâm, chỉ đạo và ưu tiên nguồn lực cho địa phương từng bước tích tụ ruộng đất, giúp người nông dân giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận trên mỗi đơn vị diện tích.
Nguồn: nongnghiep.vn