Ngày 11/1, Sở NN-PTNT Đắk Lắk phối hợp với Công ty Cổ phần Net Zero Carbon tổ chức tọa đàm “Giải pháp trọn gói lúa xanh, giảm phát thải, tăng năng suất”.
Theo Sở NN-PTNT Đắk Lắk, địa phương có diện tích gieo trồng lúa ổn định khoảng hơn 100 nghìn ha, chiếm khoảng gần 35% diện tích gieo trồng cây hàng năm của tỉnh. Sản xuất lúa của Đắk Lắk đứng đầu khu vực Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên; năng suất bình quân đạt 69,5 tạ/ha, năm 2023 sản lượng ước đạt khoảng 800.000 tấn/năm.
Hiện nay, nhiều địa phương trong tỉnh Đắk Lắk đã bắt đầu thay đổi phương pháp sản xuất như sử dụng giống lúa chất lượng cao, nhiều giống lúa mới có chất lượng được công nhận; sản xuất theo hướng VietGAP, hữu cơ để gia tăng giá trị cho hạt gạo và tăng thu nhập cho nông dân.
Theo kết quả nghiên cứu, lĩnh vực sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam có lượng phát thải lớn với khoảng 80 triệu tấn CO2, chiếm trên 30% tổng lượng khí CO2 toàn quốc. Trong đó, gần 70% phát thải CO2 trong nông nghiệp đến từ các hoạt động trồng trọt. Sản xuất lúa nước chiếm 50% tổng lượng phát thải trong nông nghiệp; chăn nuôi chiếm khoảng 19%; sử dụng phân bón và quản lý đất phát thải chiếm 13%; đốt tàn dư thực vật gây phát thải chiếm khoảng 1,6%. Có nhiều nguyên nhân làm tăng phát thải khí nhà kính trong sản xuất lúa, bao gồm sử dụng nước kém hiệu quả, mật độ gieo sạ cao, tỷ lệ bón phân chưa hiệu quả, thu hoạch rơm rạ chưa đúng cách…
Để giảm phát thải khí nhà kính trong trồng lúa nước, cần thực hiện đồng bộ các biện pháp như: Chế độ tưới nước chủ động ngập – khô xen kẽ thay vì để các ruộng lúa ngập nước trong suốt cả mùa vụ, từ đó giúp giảm phát thải khí metan. Tuy nhiên, để thực hiện giải pháp này, cần xây dựng hệ thống thủy lợi chủ động để áp dụng công nghệ phù hợp và cũng đòi hỏi chi phí đầu tư tương đối lớn.
Tiêu dùng xanh hiện nay là một xu thế, sản phẩm ngoài việc cung cấp dinh dưỡng còn phải chứng minh phát triển bền vững, đảm bảo môi trường. Vì thế, ngành nông nghiệp các địa phương phải thay đổi cách tiếp cận hướng tới nền nông nghiệp xanh, sản xuất lúa gạo giảm phát thải khí nhà kính.
Ông Trần Minh Tiến, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Net Zero Carbon cho biết, giải pháp trọn gói quy trình canh tác lúa xanh giảm phát thải và tăng năng suất là giải pháp kết hợp quy trình canh tác lúa ướt – khô xen kẽ (Alternate wetting and drying hay gọi tắt là AWD) của Viện Nghiên cứu Lúa Quốc tế (IRRI) kết hợp với các chế phẩm Nano Composite của Công ty Cổ phần BSB Nanotech và quy trình bao tiêu báo cáo xác nhận giảm phát thải của đơn vị.
Theo ông Tiến, đây là giải pháp trọn gói vì giải pháp này giải quyết được trọn gói 3 mục tiêu quan trọng cho nông dân, nhà nước và xã hội là giảm phát thải; lúa sạch hơn và tăng năng suất.
“Giải pháp trọn gói quy trình canh tác lúa xanh giảm phát thải và tăng năng suất là giải pháp phù hợp với mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa đảm bảo vững chắc an ninh lương thực, nâng cao thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống, vai trò và vị thế của người tham gia sản xuất. Việc này góp phần quan trọng nhằm ổn định kinh tế – xã hội; phòng, chống thiên tai, dịch bệnh; bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, thực hiện có hiệu quả các cam kết quốc tế về giảm phát thải khí nhà kính của Chính phủ”, ông Tiến nói.
Ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở NN-PTNT Đắk Lắk cho biết, nông nghiệp được xem là ngành gây phát thải rất lớn, do vậy giảm mạnh phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp gắn với việc công nhận chứng chỉ carbon sắp tới cũng sẽ trở thành định hướng mà nông nghiệp Đắk Lắk mong muốn đạt được.
Theo ông Dương, một số mô hình tái cơ cấu nền kinh tế trong nước theo hướng giảm phát thải như “Carbon thấp”, “kinh tế xanh”, “nông nghiệp tái sinh” cũng đã hình thành ở nhiều nơi và bước đầu chứng minh được hiệu quả. Những khái niệm mới, cách làm mới tuy còn bỡ ngỡ với nông dân, nhưng ngành nông nghiệp Đắk Lắk với quyết tâm cao sẽ thực hiện được các mục tiêu đề ra.
Đắk Lắk đặt mục tiêu tạo được sản phẩm đầu ra chất lượng tốt hơn, tạo thương hiệu nông sản thân thiện với môi trường. Việc này cũng tạo thu nhập ổn định cho nông dân và chuẩn bị tư thế sẵn sàng tham gia vào thị trường tín chỉ carbon một khi thị trường này được hoạt động vào năm 2028.
“Tọa đàm là cơ hội để trao đổi kinh nghiệm về những thuận lợi, khó khăn giúp tìm ra nhóm giải pháp phù hợp để thúc đẩy ngành nông nghiệp của tỉnh phát triển bền vững, đảm bảo an ninh lương thực, thực phẩm gắn với việc bảo vệ môi trường sinh thái. Tại tọa đàm, các doanh nghiệp nông nghiệp đã cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm canh tác lúa phát thải khí nhà kính thấp với các hợp tác xã, nông hộ và cả các cơ quan chuyên môn, cơ quan quản lý nông nghiệp của tỉnh.
Thời gian tới, để ngành lúa gạo Đắk Lắk nói riêng, Tây Nguyên nói chung cùng phát triển song song với định hướng chung của ngành lúa gạo mà Bộ NN-PTNT, Chính phủ đã vạch ra, tôi tin, chính các doanh nghiệp, HTX cùng nông dân sẽ là những thành tố tạo bệ đỡ đưa ngành lúa gạo Đắk Lắk phát triển bền vững và vươn xa hơn trên thị trường gạo chất lượng”, ông Dương tin tưởng.
Nguồn: nongnghiep.vn