Tại TP Thái Nguyên, khoảng 3.000 hộ dân thuộc 22 phường, xã đã bị ngập úng, gần 600 hộ phải di dời người và tài sản do mực nước trên sông Cầu dâng cao kỷ lục. Lực lượng cứu hộ đang nỗ lực triển khai phương án “4 tại chỗ” nhằm đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản người dân.
Tại khu vực chân cầu Bến Tượng (thuộc địa bàn phường Đồng Bẩm, TP Thái Nguyên), vào lúc 14 giờ ngày 9/9, mực nước dâng cao gây ngập tuyến Quốc lộ 1B, chia cắt toàn bộ khu vực dân cư phía bên kia chân cầu.
Nhiều người muốn tiếp tế nhu yếu phẩm cho người thân trong vùng bị ngập nhưng do diễn biến nước lũ phức tạp, khó lường nên lực lượng chức năng kiên quyết không cho di chuyển. Những người làm nhiệm vụ trực tiếp mới được vào khu vực nước ngập.
Chị Thảo trú tại phường Đồng Bẩm, TP Thái Nguyên – người vừa được lực lượng chức năng hỗ trợ di chuyển ra khỏi vùng nguy hiểm, chia sẻ: “Nhẹ cả người khi được cứu hộ, nhưng bản thân vẫn rất lo lắng vì còn một số người vẫn đang đợi để được chuyển đến nơi an toàn”.
Theo ông Nguyễn Văn Nam, Chánh văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP Thái Nguyên, công tác ứng phó với thiên tai đã được thành phố có phương án ngay từ trước khi bão đổ bộ.
Báo cáo mới nhất của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP Thái Nguyên cho biết, 22 xã, phường của thành phố bị ngập úng.
Trong đó, có 116 xóm, tổ dân phố bị ngập và 15 xóm, tổ dân phố bị cô lập. Ngoài ra, trên địa bàn có hơn 850ha lúa và hoa màu bị đổ rạp; gần 10 ha trồng keo bị gẫy; 200.000 con gia cầm bị chết và 0,4ha ao cá bị lũ cuốn trôi; nhiều trường học trên địa bàn bị tốc mái, sập trần… Lực lượng chức năng đang tiếp tục hỗ trợ người dân di chuyển đồ đạc, tài sản, vật nuôi ra khỏi khu vực nước dâng cao.
14 giờ ngày 9/9, Công ty TNHH MTV Khai thác Thủy lợi Thái Nguyên đã vận hành xả nước qua tràn hồ Núi Cốc với lưu lượng xả từ 60-300 m3/giây. Công ty khuyến cáo, người dân phía hạ du sau tràn có biện pháp phòng tránh, đảm bảo an toàn trong thời gian xả lũ.
Nguồn: nongnghiep.vn