Tàu cá “run rẩy” khi ra vào cảng
Thời gian qua, nhiều tàu cá của ngư dân Bình Định gặp khó khăn khi di chuyển từ cửa biển Tam Quan đến cảng cá Tam Quan do luồng lạch và cửa biển bị bồi lắng.
Ngư dân Trần Văn Hậu, chủ tàu cá BĐ 98252 TS (công suất 885 CV) ở phường Tam Quan Nam (thị xã Hoài Nhơn, Bình Định) chia sẻ: “Tàu của tôi đã từng bị mắc cạn tại cửa biển Tam Quan khi di chuyển vào cảng cá Tam Quan để bán sản phẩm. Cùng ngày, một chiếc tàu khác cũng bị mắc cạn rồi ủi vào vách núi. Sau mỗi chuyến biển, khi vào bờ, ngư dân Hoài Nhơn luôn lo lắng khi khu vực cửa biển và luồng lạch bị bồi lắng. Tài sản của mình nằm hết trong chiếc tàu, lỡ bị tai nạn thì kể như mất trắng”, ngư dân Trần Văn Hậu kể lại.
Cũng tại Bình Định, luồng lạch ra vào cảng cá Đề Gi nằm trên địa bàn xã Cát Khánh (huyện Phù Cát) hiện đã thông thoáng, nhờ trước đó đã được nạo vét. Tuy nhiên, theo ông Đào Xuân Thiện, Giám đốc Ban quản lý cảng cá Bình Định, sau khi tàu cá qua cảng, trước khi vào đầm thì phương tiện bị một cái cồn án ngữ, rất khó di chuyển.
“Trong mùa mưa bão, tàu cá của ngư dân muốn chạy vào cảng cá Đề Gi tránh trú luôn gặp khó khăn, không dám chạy vào, chỉ neo đậu tại vùng nước trước cảng, nhưng vùng nước trước cảng rất nhỏ. Trong khi đó, theo đề án di dời tàu thuyền neo đậu tại cảng cá Quy Nhơn và các khu vực lân cận về neo đậu tại khu vực đầm Đề Gi, cảng cá Đề Gi sẽ tiếp nhận khoảng hơn 600 tàu cá di dời từ cảng cá Quy Nhơn ra, thời gian thực hiện bắt đầu từ ngày 1/1/2025”, ông Thiện cho hay.
Tương tự, tại tỉnh Quảng Ngãi, nhiều luồng lạch ra vào cảng cá cũng bị bồi lắng, khiến tàu thuyền ra vào cảng rất khó khăn; độ sâu vũng neo đậu cũng bị bồi lấp dần qua thời gian sử dụng, không đủ nơi neo đậu cho tàu về cập cảng bốc dỡ thủy sản đi tiêu thụ, tiếp nhận nhiên liệu, nhu yếu phẩm cho chuyến biển tiếp theo; đặc biệt khi có bão, biển động, thiếu nơi neo đậu cho tàu vào tránh trú bão.
Tại cảng neo trú tàu thuyền Mỹ Á, qua quá trình đưa vào khai thác sử dụng, đến nay, tuyến luồng vào cảng đã bị bồi lấp một số vị trí gây khó khăn cho tàu thuyền ra vào cảng, nhất là lúc thời tiết không thuận lợi.
Ngư dân Huỳnh Văn Khoa (trú phường Phổ Quang, thị xã Đức Phổ, Quảng Ngãi) cho biết, trước đây, luồng lạch ra vào cảng Mỹ Á có độ sâu hơn 4m, đảm bảo điều kiện cho các tàu lớn ra vào. “Thế nhưng, từ đầu năm đến nay, luồng ra vào cảng bị bồi lấp nghiêm trọng, có nơi độ sâu còn chưa đến 50cm ảnh hưởng đến hoạt động khai thác hải sản của ngư dân địa phương. Những tàu lớn phải chờ con nước thủy triều lên thì mới ra khơi được nên ảnh hưởng đến thời gian xuất bến. Vậy nên, nhiều tàu cá ở địa phương đành phải vào các cảng khác để neo đậu, buôn bán hải sản”, ngư dân Khoa nói.
Ngoài cảng Mỹ Á, một số cảng cá, khu neo trú khác của tỉnh Quảng Ngãi cũng xảy ra tình trạng bồi lấp cản trở tàu thuyền hoạt động như cảng Sa Huỳnh (thị xã Đức Phổ; cảng neo trú tàu thuyền Tịnh Hòa (TP Quảng Ngãi); cảng cá sông Trà Bồng (huyện Bình Sơn).
Gặp khó trong công tác nạo vét
Ở Ninh Thuận, việc thực hiện dự án nạo vét cảng cá, luồng chạy tàu và khu neo đậu tránh trú bão theo hình thức xã hội hóa chưa có quy định cụ thể. Để triển khai các dự án nạo vét cảng cá theo hình thức xã hội hóa không sử dụng ngân sách đảm bảo phù hợp quy định, Sở NN-PTNT Ninh Thuận đã tham mưu UBND tỉnh có văn bản xin ý kiến hướng dẫn của Bộ NN-PTNT.
Theo ông Nguyễn Kim Long, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Ninh Thuận, giữa năm 2023, Bộ NN-PTNT đã có văn bản hướng dẫn thực hiện. Theo đó việc thực hiện bao gồm những hạng mục: nạo vét các cảng cá, luồng chạy tàu, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá hoạt động. “Khu neo đậu tránh trú bão kết hợp cảng cá Cà Ná cấp vùng đang thi công, dự kiến năm 2025 sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng”, ông Long cho hay.
Ông Nguyễn Duy Quang, Giám đốc Sở NN-PTNT Khánh Hòa cho hay: Khánh Hòa đang khẩn trương nạo vét khơi thông luồng lạch tại các khu neo đậu tránh trú bão để tàu thuyền ra vào tránh trú an toàn, đầu tư hạ tầng phù hợp với các tiêu chí của Luật Thủy sản 2017 và phù hợp với quy hoạch tại Quyết định số 582/QĐ-TTg ngày 03/7/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”.
Nguồn: nongnghiep.vn