Thu hoạch trước mùa mưa bão
Bình Định hiện có khoảng 60ha mặt nước nuôi lồng bè trên biển; trong đó, nuôi cá lồng bè tập trung tại phường Hải Cảng, xã Nhơn Châu (thành phố Quy Nhơn) và xã Mỹ Thành (huyện Phù Mỹ), gồm 114 hộ nuôi với khoảng 1.515 lồng/40.920m3.
Vào những mùa mưa bão, người nuôi thủy sản bằng lồng, bè trên biển ở Bình Định đồng loạt triển khai các biện pháp bảo vệ thủy sản, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do mưa bão gây ra.
Ông Nguyễn Văn Điện, ở thôn Hải Nam, xã Nhơn Hải (thành phố Quy Nhơn) bộc bạch: “Lồng nuôi tôm hùm thương phẩm không thể di chuyển khi có bão. Có năm mưa bão lớn, do chủ quan, gia đình tôi cũng như nhiều người nuôi tôm trong xã bị thiệt hại nặng nề. Về sau này, trước những mùa mưa bão, ngoài việc thu hoạch tôm thương phẩm, bà con tăng cường củng cố lồng, bè; chằng buộc thêm dây neo, kéo hạ độ sâu của lồng để giảm bớt ảnh hưởng của sóng, gió”.
Vào mùa mưa bão, người nuôi tôm hùm ở huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) và thị xã Sông Cầu (Phú Yên) lại trăn trở việc phòng tránh và bảo vệ lồng nuôi tôm hùm trên biển.
Rút kinh nghiệm sau cơn bão số 12 vào năm 2017 (bão Damrey) gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản, người nuôi trồng thủy sản lồng bè trên vịnh Vân Phong, huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) đã không còn chủ quan, lơ là. Vì vậy, cứ trước mùa mưa bão, từ tháng 7 (âm lịch), người nuôi trồng thủy sản lại thực hiện gia cố, chằng chống lồng bè.
Anh Trần Ngọc Sỹ, một người nuôi thủy sản lồng bè ở thôn Tân Đức Tây, xã Vạn Lương (huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa) cho biết: “Từ cuối tháng 8 đến tháng 9 (âm lịch) tôm, cá nuôi đến thời kỳ thu hoạch được bà con bán bớt nhằm giảm thất thoát, thiệt hại do mưa bão gây ra”.
Ông Nguyễn Xuân Hòa, ở thị trấn Vạn Giã (huyện Vạn Ninh) cách đây 2 tháng cũng đã chủ động thực hiện biện pháp chằng néo, gia cố lồng bè. Đồng thời, ông Hòa đã thu hoạch hơn 50% sản lượng tôm, cá nuôi đạt kích cỡ thu hoạch.
Còn người, còn của
Theo ông Nguyễn Ngọc Ý, Trưởng phòng Kinh tế huyện Vạn Ninh, toàn huyện này hiện có 1.352 hộ nuôi với 1.848 bè và khoảng 2.900 lao động. Trước đây, người dân nuôi theo phương thức truyền thống thường chỉ di chuyển vào nơi kín gió, cố định neo và ở lại trên bè để trông giữ tài sản. Trong các năm gần đây, người dân chủ động hơn trong mùa mưa bão, chủ động kiểm tra, gia cố lồng bè kỹ hơn, thường xuyên thõi dõi diễn biến thời tiết; chủ bè và người lao động chấp hành các chỉ đạo của chính quyền để di chuyển về bờ tránh trú bão.
Tùy tình hình thời tiết sẽ tổ chức thu hoạch sớm đối với các vật nuôi gần đạt kích cỡ thu hoạch. Ngoài ra có một số hộ đầu tư chuyển đổi lồng nuôi bằng vật liệu mới có sức chống chịu tốt hơn với bão, áp thấp nhiệt đới. Từ đó thiệt hại về nuôi trồng thủy sản do ảnh hưởng của bão, áp thấp nhiệt đới trong những năm qua được giảm hơn trước.
Theo ông Nguyễn Ngọc Ý, để đảm bảo an toàn trong nuôi trồng thủy sản mùa mưa bão năm nay, UBND huyện đã chỉ đạo UBND các xã, thị trấn căn cứ tình hình thực tế xây dựng kế hoạch ứng phó với sự cố thiên tai theo từng cấp độ rủi ro thiên tai để chủ động phòng, chống nhằm giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản. Đặc biệt, tuyệt đối không để người dân ở lại lồng bè khi có bão, áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng trực tiếp đến địa bàn huyện để đảm bảo an toàn tính mạng.
“Ngành chức năng thường xuyên kiểm tra, quản lý chặt chẽ lực lượng lao động đang làm việc trên các bè nuôi trồng thủy sản; kiên quyết không để người lao động ở lại trên các lồng bè khi có thông tin cảnh báo thiên tai ảnh hưởng trực tiếp đến địa bàn. Yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương sẵn sàng lực lượng, phương tiện để kịp thời triển khai công tác cứu nạn, cứu hộ khi có tình huống xấu xảy ra”, ông Ý cho hay.
Theo Chi cục Thủy sản Phú Yên, tính đến tháng 6/2024, toàn tỉnh có 186.036 lồng với 5.652 hộ nuôi trồng thủy sản. Trong đó, thị xã Sông Cầu 134.612 lồng, thị xã Đông Hòa 38.500 lồng, huyện Tuy An 12.924 lồng.
Những tháng cuối năm, người nuôi tôm hùm tại thị xã Sông Cầu (Phú Yên) tập trung bảo vệ vùng nuôi, thu hoạch tôm để tránh thiệt hại do mưa bão. Với hơn 30 năm nuôi tôm hùm, ông Nguyễn Văn Trung, ở xã Xuân Phương (thị xã Sông Cầu) rút ra nhiều bài học kinh nghiệm để ứng phó trong mùa mưa bão.
Ông Trung cho biết, hiện gia đình ông đang nuôi 80 lồng tôm hùm, trị giá mỗi lồng 30 triệu. Để giảm thiểu thiệt hại do mưa bão gây ra, thời gian qua ông đã thu hoạch bán những lứa tôm đến thời kỳ xuất bán. “Còn người thì còn của”, do vậy, chúng tôi tuân thủ nghiêm cẩn khuyến cáo của chính quyền địa phương, không ở lại trên lồng bè khi bão vào, bởi tính mạng con người là trên hết”, ông Trung chia sẻ.
“Chính quyền và ngành chức năng tuyệt đối không cho người dân ở lại các đầm, vịnh và trên các chòi canh khi có bão, không chủ quan với những bất thường của thời tiết, nhất là khi có áp thấp nhiệt đới, bão trên Biển Đông”, ông Đào Quang Minh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Phú Yên, cho biết.
Nguồn: nongnghiep.vn