Dân tháo chạy vì sạt lở
Sau trận mưa lớn rạng sáng ngày 3/8, tại ngọn núi Văng Tá Póng (xã Cổ Lũng, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa) xuất hiện hàng chục hòn đá tảng nặng cả tấn, lăn từ đỉnh xuống mó nước sau nhà người dân tại thôn Ấm Hiêu. Thời điểm này, nhiều gia đình trong thôn hô hoán, bồng bế con, tháo chạy tới bãi đất trống ven suối để lánh nạn.
Chị Hà Thị Thiếu (thôn Ấm Hiêu, xã Cổ Lũng) cho biết: “Đá rơi ầm ầm, rung cả nhà như bom nổ. Trong giây phút đối diện với nguy hiểm, người dân chỉ biết hô hoán nhau chạy thật nhanh đến nơi khác để tránh trú. Sự việc diễn ra quá bất ngờ nên không ai kịp mang theo đồ đạc và tài sản”.
Sau vụ sạt lở núi, chị Thiếu tranh thủ về nhà thu dọn đồ đạc để phục vụ sơ tán dài ngày. Chồng chị Thiếu mượn đất của chính quyền và nhờ cậy hàng xóm láng giềng phụ giúp dựng tạm lều để trú ẩn. Do không có vật liệu, gia đình chị Thiếu phải mượn tạm gỗ của nhà ngoại để dựng lều. Lo an toàn cho người xong xuôi nhưng chị Thiếu cứ áy náy với cặp trâu bò đang nhốt sau nhà chưa thể di chuyển.
“Không ai dám về nhà ở nữa vì sợ sạt lở núi như hôm nọ. Tài sản lớn nhất của gia đình là một cặp trâu bò cũng không mang đi được vì chỗ ở tạm không có đất và vật liệu để làm chòi nuôi nhốt. Trâu bò mà chết thì gia đình mất cơ nghiệp”, chị Thiếu cho biết.
Kế bên lều của chị Thiếu là túp lều rộng hơn 10m2 của gia đình chị Hà Thị Hường, nơi có 4 nhân khẩu đang tá túc. Lều được chống trụ bằng mấy cây gỗ mục, đứng chân không vững. Mái lều được phủ bạt tuềnh toàng, xung quanh được quây bằng tấm phên mỏng có thể bị xô đổ bất cứ lúc nào nếu gặp gió lớn.
“Sống ở lều tạm vất vả lắm nhưng cả gia đình không còn cách nào khác. Ở đây, đến chỗ đi vệ sinh cũng không có, nước sinh hoạt càng không, nên phải cậy nhờ hộ khác. Ngày nắng còn đỡ, chứ mưa xuống là nước dột hết vào nhà, ướt cả đồ đạc. Mỗi lần như vậy, gia đình phải di chuyển sang nhà hàng xóm để trú tạm”, chị Hường cho biết.
Cũng giống như nhiều hộ dân khác, 7 nhân khẩu của gia đình ông Hà Đình Lan (thôn Ấm Hiêu) cũng phải chịu đựng cảnh sống tạm bợ bên túp lều ven suối gần 3 tháng nay. Mấy đứa trẻ trong lều có vẻ cuồng tay, chân, liên tục đòi mẹ chúng đưa ra bãi đất trống để nghịch ngợm.
“Chưa bao giờ núi Văn Tá Póng lại giận dữ như vậy. Nếu không di chuyển kịp thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra. Bây giờ mọi sinh hoạt của 7 nhân khẩu trong nhà đều diễn ra trên mấy thanh ván ghép thành giường. Chiếc giường vừa là nơi ngủ vừa là chỗ học bài, treo quần áo của cả gia đình… Đứa cháu út khóc suốt đêm vì lạ đất, lạ nước. Gia đình cũng muốn dựng nhà đẹp hơn nhưng không có tiền, không có đất nên đành chịu. Giờ chỉ mong chính quyền sớm bố trí đất, xây nhà để người dân yên tâm ổn định cuộc sống”, ông Lan cho biết.
Hiện trường vụ sạt lở tại núi Văn Tá Póng, thôn Ấm Hiêu vẫn còn hằn nguyên vết tích của đá tảng trượt từ đỉnh núi xuống chân nhà. Tại các vị trí này xuất hiện mạch nước từ trên đồi rò rỉ xuống đường giao thông và có nguy cơ tiếp tục sạt lở đất, đá xuống nhà dân nếu mưa lớn xảy ra. Hiện nay, các hộ dân được chính quyền địa phương cung cấp nhu yếu phẩm để sinh sống qua ngày, xong nhiều gia đình vẫn không khỏi lo lắng trước tình trạng mưa bão có chiều hướng diễn biến phức tạp. Hơn nữa việc sống tạm bợ lâu ngày trong lều, chòi cũng tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh phát sinh trong khu dân cư…
Xã chờ huyện, huyện chờ tỉnh cấp kinh phí
Ông Lương Văn Kiên, Phó Chủ tịch UBND xã Cổ Lũng cho biết, tại thôn Ấm Hiêu có 5 hộ dân với 19 nhân khẩu phải di dời khẩn cấp do sạt lở núi. Các hộ dân thuộc diện di dời hầu hết phải dựng lều ở tạm bợ, cuộc sống rất khốn khổ, thiếu thốn đủ bề. Bên cạnh đó, tại xã Cổ Lũng còn có hơn 20 hộ dân sống trong khu vực có nguy cơ sạt lở cần bố trí quỹ đất để di dời người và tài sản đến nơi an toàn.
“Về lâu dài người dân không thể ở trong những túp lều, chòi tạm bợ, thiếu thốn như vậy được. Đa số các hộ dân đều có chung nguyện vọng mong muốn được chính quyền hỗ trợ xây dựng nhà ở tại nơi ở mới để ổn định cuộc sống”, ông Kiên cho biết.
Cũng theo lãnh đạo UBND xã Cổ Lũng, sau khi xảy ra sự việc, chính quyền địa phương đã có văn bản đề nghị cấp có thẩm quyền bố trí kinh phí, hỗ trợ di dời và xây dựng nhà cho người dân, nhưng sau gần 3 tháng, người dân vẫn phải ở trong những lều lán tạm bợ.
Theo thống kê, toàn huyện Bá Thước có hơn 60 hộ dân thuộc xã Lũng Niêm, Cổ Lũng trong diện phải di dời chỗ ở do ảnh hưởng của sạt lở đất và mưa lớn gây ra trong thời gian qua. Tại các khu vực sạt lở, lực lượng chức năng đã cắm biển cảnh báo, trực gác không cho người và phương tiện qua lại. Tổ chức sơ tán dân đến nơi an toàn, đồng thời đảm bảo các điều kiện thiết yếu sinh hoạt cho các hộ dân phải sơ tán. Tuyệt đối không để các hộ quay trở lại nơi ở cũ khi chưa đảm bảo an toàn.
Về lâu dài, nhằm ổn định đời sống người dân, hạn chế thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra do thiên tai, UBND huyện Bá Thước đã có văn bản gửi cơ quan có thẩm quyền cấp tỉnh, sớm bố trí vốn thực hiện dự án sắp xếp ổn định dân cư cho các hộ dân tại các xã nói trên với tổng kinh phí hơn 31 tỷ đồng. Trong tổng số kinh phí đầu tư dự án đã bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng, chi phí xây dựng, chi phí hỗ trợ trực tiếp cho các hộ dân. Dự kiến, dự án sẽ được thực hiện trong năm 2025-2026. Tuy nhiên, sau nhiều tháng, địa phương vẫn chưa có nguồn để thực hiện di dời người dân đến chỗ ở mới.
Ông Ngọ Đình Hải, Chủ tịch UBND huyện Bá Thước cho biết: “Hiện tại địa phương đã bố trí quỹ đất để di dời các hộ dân đến vị trí mới, nhưng chúng tôi đang đợi tỉnh cấp tiền để thực hiện hạ tầng. Chúng tôi cũng lo cho dân nhưng huyện không thể chủ động được ngân sách để đầu tư dự án nên phải chờ ngân sách cấp trên cấp. Nếu chủ động được ngân sách chúng tôi đã thực hiện dự án ngay rồi”.
Theo thống kê của tỉnh Thanh Hóa, toàn tỉnh hiện có 6.603 hộ/28.237 khẩu đang sinh sống ở khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất của 121 xã, phường, thị trấn/17 huyện, thị xã đang sinh sống ở khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, đá. Đợt mưa bão vừa qua, toàn tỉnh có gần 2.000 hộ dân phải sơ tán vì ngập và sạt lở đất, tập trung chủ yếu ở các huyện miền núi.
Nguồn: nongnghiep.vn