Theo bà Nguyễn Minh Phương, Trưởng phòng Tây Á – châu Phi, Vụ Thị trường châu Á – châu Phi, Bộ Công thương, tổng kim ngạch thương mại thực phẩm Halal của các nước thành viên Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) đạt gần 445 tỷ USD, trong đó, kim ngạch xuất khẩu thực phẩm vào OIC là gần 180 tỷ USD.
Các nước Trung Đông – châu Phi đang chiếm phần lớn tổng giá trị trao đổi thương mại các sản phẩm Halal toàn cầu. Khu vực Trung Đông hiện có tổng dân số khoảng gần 600 triệu người, đa số là người Hồi giáo. Do điều kiện sản xuất nông nghiệp không thuận lợi nên khu vực này phụ thuộc vào nhập khẩu lương thực, thực phẩm. Ngành du lịch phát triển ở Trung Đông cũng tạo ra nhiều nhu cầu đối với thực phẩm Halal.
Ở khu vực Bắc Phi, phần lớn nhu cầu thực phẩm cũng phụ thuộc vào nhập khẩu. Khu vực này đang có sự gia tăng trong thu nhập bình quân đầu người, trình độ giáo dục ngày một nâng cao.
Tại khu vực Nam Sahara, nơi người Hồi giáo chiếm khoảng 30% dân số, sức mua còn thấp do thu nhập của người dân chưa cao, nhưng có tiềm năng lớn vì phần đông theo đạo Hồi vẫn sẽ tiếp tục có nhu cầu đối với thực phẩm Halal.
Bà Nguyễn Minh Phương cho biết, xuất khẩu sản phẩm Halal của Việt Nam sang Trung Đông – châu Phi trong năm 2024 ước đạt gần 700 triệu USD, trong đó xuất khẩu sang UAE, Arab Saudi và Ai Cập chiếm tỷ trọng lớn nhất.
Hiện nay, có khoảng 50% lượng gạo Việt Nam xuất khẩu sang Trung Đông và châu Phi là sản phẩm Halal. Các mặt hàng thủy sản, nông sản và thực phẩm chế biến Halal cũng chiếm khoảng 30-35% tổng kim ngạch xuất khẩu thực phẩm của Việt Nam sang khu vực này.
Bà Phương nhận định, với thị trường Halal, Việt Nam có thế mạnh ở nông sản (gạo, tiêu, điều, cà phê và các sản phẩm từ dừa), thực phẩm chế biến (thịt gia cầm, thịt bò, sữa) và thủy sản (cá tra, tôm và các sản phẩm thủy sản chế biến).
Tuy nhiên, để xuất khẩu sản phẩm Halal tới Trung Đông – châu Phi, Việt Nam đang đối mặt với những khó khăn khi phải cạnh tranh với nhiều quốc gia như Malaysia, Indonesia, Thái Lan… vốn đã có kinh nghiệm và uy tín trong việc xuất khẩu các sản phẩm Halal. Doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ có lợi thế hơn về thương hiệu và sự hiện diện lâu đời.
Để kinh doanh thành công tại thị trường UAE, các doanh nghiệp Việt Nam cần hiểu đúng về tôn giáo, ngôn ngữ và văn hóa kinh doanh của người Arab, nắm rõ thị hiếu cũng như những vấn đề nhạy cảm về tôn giáo, văn hóa tiêu dùng, đáp ứng các tiêu chuẩn đặc thù về bao bì sản phẩm và quảng cáo.
Văn hóa tiêu dùng tại Trung Đông và châu Phi có nhiều khác biệt so với Việt Nam, từ cách thức tiêu thụ sản phẩm, sở thích về hương vị, bao bì cho đến phương thức quảng bá sản phẩm. Các thách thức về logistics như thời gian vận chuyển dài, chi phí vận tải cao và cơ sở hạ tầng không đồng đều tại các quốc gia châu Phi có thể gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc duy trì chuỗi cung ứng ổn định.
Chính vì vậy, để xuất khẩu sản phẩm Halal sang Trung Đông – châu Phi, bà Phương cho rằng, doanh nghiệp cần nghiên cứu kỹ lưỡng các yếu tố nói trên để điều chỉnh chiến lược marketing và sản phẩm cho phù hợp. Trong đó, việc phân tích và đánh giá rủi ro trước khi quyết định mở rộng thị trường là rất cần thiết.
Đồng thời, doanh nghiệp cần tận dụng các hoạt động xúc tiến thương mại thông qua hội chợ, triển lãm quốc tế hoặc các đoàn công tác thương mại do Chính phủ hay các hiệp hội ngành nghề tổ chức. Việc xây dựng mối quan hệ với các đối tác bản địa và các nhà nhập khẩu có vai trò quan trọng trong việc thâm nhập thị trường hiệu quả.
Còn theo ông Lê Châu Hải Vũ, Giám đốc Công ty Tư vấn doanh nghiệp Consultech, khi có kế hoạch xuất khẩu vào Trung Đông, các doanh nghiệp cần lưu ý các loại thuế quan. Tại UAE, thuế quan được sửa đổi liên tục, vì vậy các doanh nghiệp nên kiểm tra lại những nội dung này trước khi xuất khẩu. Đặc biệt, doanh nghiệp không giao dịch với đối tác có yêu cầu doanh nghiệp Việt Nam chuyển trước phí môi giới, phí luật sư hay phí chấp thuận hợp đồng để tránh những thiệt hại đáng tiếc xảy ra.
Nguồn: nongnghiep.vn