Theo ông Dương Ngọc Hải, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.HCM, sau 1 năm thực hiện chương trình hợp phát triển kinh tế-xã hội giữa TP.HCM và 6 tỉnh trong vùng Duyên hải Trung bộ, các bên đã thực hiện được 10/10 nội dung hợp tác cấp vùng và 10/11 nội dung hợp tác song phương.
Bên cạnh nhiều kết quả trong các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư, khoa học công nghệ, chuyển đổi số, giao thông vận tải, giáo dục-đào tạo, ý tế và du lịch; trong lĩnh vực nông nghiệp cũng có những kết quả nổi bật.
TP.HCM phối hợp với tỉnh Ninh Thuận tổ chức hội nghị chia sẻ thông tin trong lĩnh vực nông nghiệp, nguồn nhân lực phục vụ sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Hỗ trợ, tư vấn, chuyển giao các kết quả nghiên cứu khoa học và khảo sát thực tế tại một số mô hình nông nghiệp công nghệ cao. Tổ chức hội nghị chuyên đề về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận với sự tham gia của các doanh nghiệp đầu tư công nghệ cao của TP.HCM, nhằm chia sẻ thông tin, hỗ trợ nguồn nhân lực, tư vấn, chuyển giao các kết quả nghiên cứu khoa học phục vụ phát triển nông nghiệp công nghệ cao giữa 2 địa phương.
Từ năm 2023 đến tháng 9/2024, 3 đoàn công tác của TP.HCM đến Phú Yên khảo sát, học tập, trao đổi kinh nghiệm về các mô hình phát triển nông nghiệp, làng nghề nông thôn, sản phẩm OCOP gắn với du lịch nông thôn. Chi cục Trồng trọt&BVTV Phú Yên và Chi cục Trồng trọt&BVTV TP.HCM đã phối hợp, trao đổi thông tin trong công tác trồng trọt, bảo vệ thực vật, quản lý vật tư nông nghiệp. Hai bên đã ký kết kế hoạch hợp tác lĩnh vực trồng trọt và bảo vệ thực vật giai đoạn 2024-2025.
Ban Quản lý Khu nông nghiệp Ứng dụng công nghệ cao tỉnh Phú Yên ký biên bản thỏa thuận hợp tác với Ban Quản lý Khu Nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM triển khai thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế-xã hội giữa 2 địa phương giai đoạn 2024-2025 với nhiều nội dung…
Ngoài ra, TPHCM còn phối hợp Sở NN-PTNT các tỉnh vùng Duyên hải Trung bộ tổ chức Hội chợ triển lãm giống, nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM trong tháng 6/2024 tại Công viên Bình Phú với 300 gian hàng với nhiều hoạt động nổi bật.
Theo ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, trong quá trình hợp tác vừa qua đã cho thấy những tồn tại, điểm nghẽn trói buộc tiềm năng và ảnh hưởng đến quá trình phát triển của vùng, như: Hạn chế về quy mô thị trường và lưu thông hàng hóa, kết nối hạ tầng giao thông trục Đông Tây còn nhiều khó khăn, nguồn lực đầu tư vào các địa phương còn phân tán… rất cần sự hỗ trợ của những đầu tàu kinh tế của cả nước, trong đó có TP.HCM.
Theo TS Trần Du Lịch, Ủy viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, thu hút đầu tư vào vùng Duyên hải Trung bộ cơ hội và thách thức lớn ngang nhau, thách thức lớn nhất là hạ tầng giao thông và hạ tầng công nghệ số để phục vụ chuyển đổi số.
TS Trần Du Lịch nêu giải pháp tháo gỡ những điểm nghẽn: Trước tiên, các địa phương trong khu vực phải cùng nhau kết nối tuyến đường ven biển, tuyến đường này là điểm nhấn để phát triển. Khu vực Duyên hải Trung bộ có tiềm năng du lịch rất lớn, những không thể phát triển riêng lẻ, mà phải hình thành du lịch vùng…
“Đặc biệt, TP.HCM và các tỉnh trong khu vực phải cùng nhau tổ chức cải cách hành chính. Quy trình thủ tục hành chính trong đầu tư kinh doanh giữa TP.HCM và các tỉnh phải đồng nhất để các nhà đầu tư đến đâu cũng không bị ngỡ ngàng”, TS Trần Du Lịch nói.
Nguồn: nongnghiep.vn