Hoàn thiện hệ thống cống ven biển
Tỉnh Kiên Giang có tuyến đê biển Tây với chiều dài hơn 200km. Dọc theo tuyến đê này có rất nhiều cửa sông đổ ra biển, được đầu tư hệ thống cống ngăn mặn, giữ ngọt nhằm chủ động điều tiết thủy lợi, phục vụ sản xuất.
Chỉ khi nào hệ thống cống trên tuyến đê biển Tây được đầu tư hoàn chỉnh và vận hành đồng bộ thì mới phát huy tối đa hiệu quả các công trình thủy lợi đã được đầu tư, trong đó có cụm cống Cái Lớn, Cái Bé và Xẻo Rô.
Tuyến đê biển Tây đi qua địa bàn hai huyện An Biên và An Minh có tổng chiều dài khảng 70km. Trong đó, riêng huyện An Minh là 37km, đến nay đã hoàn thành 32km kè bảo vệ đê, còn hơn 5km từ Xẻo Quao đến Xẻo Bần sẽ được tiếp tục đầu tư trong năm 2025. Cùng với làm kè bảo vệ, rất nhiều cống dọc theo tuyến đê đã được đầu tư xây dựng, đưa vào vận hành điều tiết nguồn nước, bảo vệ sản xuất theo hệ sinh thái mặn lợ và ngọt theo mùa.
Khoảng 8 tháng đầu năm, hệ thống cống ven biển sẽ được mở để lấy nước mặn nuôi tôm và sẽ được đóng điều tiết, tránh độ mặn tăng quá cao, không thích hợp cho tôm nước lợ phát triển. Và từ khoảng tháng 9 đến tháng 1 năm sau, hệ thống cống ven biển sẽ được đóng để ngăn mặn, giữa ngọt, sản xuất luân canh vụ lúa.
Đồng bộ để bảo vệ vùng hưởng lợi
Vùng hưởng lợi của hệ thống thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé có diện tích trên 384.000ha, trong đó đất sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản hơn 346.200ha. Riêng tỉnh Kiên Giang có diện tích nằm trong vùng hưởng lợi là 247.400ha, chiếm 64% diện tích vùng dự án.
Do đó, phải vận hành đồng bộ các công trình thủy lợi do tỉnh đầu tư thì hệ thống thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé mới phát huy tối đa tác dụng. Đặc biệt, nếu hệ thống cống trên tuyến đê biển Tây thuộc địa bàn huyện An Biên và An Minh chưa được đầu tư khép kín thì việc vận hành cống âu thuyền Xẻo Rô sẽ không có tác dụng điều tiết nguồn nước, bảo vệ sản xuất trong nội đồng hiệu quả.
Ông Lê Tường Minh, Phó Giám đốc Chi nhánh ĐBSCL Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi miền Nam cho biết, để phát huy hiệu quả vận hành cụm công trình Cái Lớn, Cái Bé và Xẻo Rô, rất cần sự phối hợp của các địa phương trong vùng hưởng lợi của dự án, nhất là sự kết hợp vận hành đồng bộ các công trình thủy lợi do địa phương quản lý. Do đó, Công ty đề nghị Chi cục Thủy lợi Kiên Giang phối hợp trong công tác vận hành các công trình do đơn vị quản lý và thường xuyên trao đổi thông tin về việc vận hành các hệ thống thủy lợi có liên quan.
Trong năm 2024,hệ thống thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé đã có nhiều đợt vận hành để ứng phó với xâm nhập mặn, triều cường, bảo vệ hiệu quả sản xuất trong các vùng hưởng lợi. Tổng diện tích gieo sạ lúa các vụ trong năm là trên 700.000ha, sản lượng thu hoạch ước đạt khoảng 4,5 triệu tấn. Diện tích nuôi trồng thủy sản trên 300.000ha, trong đó khoảng 60% là diện tích nuôi tôm nước lợ, sản lượng thu hoạch gần 100.000 tấn. Ngoài ra, còn hàng chục ngàn ha cây ăn trái cũng được bảo vệ an toàn, hiệu quả.
Việc chủ động điều tiết nguồn nước bằng hệ thống cống trên tuyến đê biển Tây có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với đời sống cũng như sản xuất của người dân 4 huyện vùng U Minh Thượng, gồm An Biên, An Minh, U Minh Thượng và Vĩnh Thuận.
Nguồn: nongnghiep.vn