Sản xuất, xuất khẩu còn khiêm tốn
Ông Nguyễn Văn Hữu, Phó Trưởng phòng Nuôi trồng Thủy sản, Cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT), thông tin, năm 2024, diện tích nuôi nhuyễn thể cả nước là 57.000ha, sản lượng nuôi đạt 477.878 tấn, tăng 8,4% so với cùng kỳ.
Các đối tượng nhuyễn thể được nuôi phổ biến hiện nay bao gồm các loài: ngao/nghêu, ngao dầu, ngao vân, vẹm xanh, ốc hương, sò huyết, sò lông, tu hài, hàu cửa sông, hàu Thái Bình Dương, điệp, ốc nhảy…
Việt Nam đã xuất khẩu nhuyễn thể sang nhiều thị trường trên thế giới. Trong 11 tháng của năm 2024, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này đạt 195,3 triệu USD, tăng 67% so với cùng kỳ năm ngoái. Các đối tượng xuất khẩu chủ yếu là ngao/nghêu, hàu, sò, vẹm.
Với rong biển, theo nhiều nghiên cứu, diện tích có tiềm năng cho trồng rong ở Việt Nam vào khoảng 900.000ha (tương đương với sản lượng 600.000-700.000 tấn khô/năm) nhưng việc trồng rong ở Việt Nam vẫn dừng lại ở quy mô nhỏ; nhiều năm qua, diện tích trồng rong không có đột phá. Diện tích trồng rong giai đoạn 2005-2024 chỉ tăng từ 8.265ha lên 16.500ha. Sản lượng thu hoạch năm 2024 khoảng 155.000 tấn tươi.
Bà Lê Hằng, Giám đốc Truyền thông Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết, quy mô thị trường rong biển dự kiến sẽ tăng 5,56 tỷ USD và ước tính tốc độ tăng trưởng kép hằng năm (CAGR) sẽ đạt mức 7,22% trong giai đoạn 2023-2028.
Sự tăng trưởng của thị trường chịu ảnh hưởng của một số yếu tố, trong đó có nhu cầu ngày càng tăng đối với thực phẩm và đồ uống có hương vị rong biển và ý thức ngày càng tăng về sức khỏe của người dùng.
“Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu rong biển của Việt Nam năm 2023 đạt 5.563 USD, nhìn chung còn rất khiêm tốn và không ổn định. Các thị trường chính, gồm Canada, Indonesia, Đài Loan, Nhật Bản…”, bà Hằng cho biết thêm.
Giải bài toán đầu ra để bà con yên tâm phát triển kinh tế biển
Bà Nguyễn Thị Sâm, Giám đốc Công ty TNHH Japi Foods, cho hay, cần hình thành chuỗi liên kết rong biển từ con giống, nuôi trồng đến chế biến và xuất khẩu.
Theo ông Trần Anh Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nam Định, những năm qua, nghề nuôi ngao tại Nam Định với đối tượng nuôi chính là ngao trắng Bến Tre luôn được quan tâm phát triển và đã trở thành một trong những đối tượng nuôi chủ lực trong phát triển kinh tế biển của tỉnh với 2 vùng nuôi hàng hóa tập trung tại huyện Giao Thủy và Nghĩa Hưng, tổng diện tích nuôi khoảng 2.200ha. Sản lượng nuôi ngao năm 2024 của tỉnh ước đạt 49.500 tấn, chiếm 69% sản lượng nuôi trồng thủy sản mặn lợ.
Về sản xuất rong biển, tại Nam Định, hiện nay cơ bản chỉ là sản phẩm phụ của nuôi trồng thủy sản với sản lượng hằng năm khoảng hơn 4.000 tấn rong tươi (chủ yếu là rong câu chỉ vàng được người nuôi trồng thủy sản thu hoạch từ các kênh mương, ao chứa nước, ao đầm nuôi tôm sú…).
“Hiện nay, nghề sản xuất nhuyễn thể và rong biển của Nam Định còn gặp nhiều khó khăn, rất cần sự quan tâm, đặc biệt của các Bộ, ngành Trung ương để tổ chức lại sản xuất, đầu tư cơ sở hạ tầng, thúc đẩy nghiên cứu cải tạo chất lượng con giống góp phần phát triển bền vững nghề nuôi nhuyễn thể và rong biển theo hướng không ngừng nâng cao giá trị sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ, nhất là đối với thị trường xuất khẩu”, ông Dũng đề xuất.
Ông Nguyễn Hồ Nguyên, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Lenger Seafood Việt Nam, chia sẻ: “Việt Nam có tiềm năng lớn để phát triển ngành nuôi ngao, cải thiện đời sống cho hàng triệu người nông dân, nhưng ngành này phải đáp ứng được nhu cầu của thị trường, đó là: ngao cỡ lớn, chất lượng tốt; giá thành thấp, giá bán cạnh tranh; và an toàn thực phẩm, thân thiện với môi trường”.
Đối với rong biển, ông Đinh Xuân Lập, Phó Giám đốc Trung tâm Hợp tác Quốc tế Nuôi trồng và Khai thác thủy sản bền vững (ICAFIS), Hội Thủy sản Việt Nam, cho rằng, có 3 vấn đề hiện nay cần phải quan tâm ngay.
Thứ nhất, là hiện đã một số giống rong tốt nhưng cần phải đảm bảo giá tốt để người dân có thể sử dụng. Thứ hai, là rong sụn, rong câu chỉ vàng nếu phơi dưới ánh nắng mặt trời như hiện tại chưa đảm bảo chất lượng, bài toán lâu dài cần tính toán phương án hợp lý. Thứ ba, là tập trung nâng cao giá trị, đẩy mạnh chế biến sâu sản phẩm giá trị cao dòng chiết xuất làm thực phẩm, dược, nhựa sinh học… để nâng giá rong biển.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến khẳng định, ngành thủy sản năm 2024 dù gặp nhiều khó khăn nhưng đã đạt được những thành tựu rất quan trọng: sản lượng đạt 9,6 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 10 tỷ USD. Riêng đối với nhuyễn thể, sản lượng nuôi đã đạt gần 480.000 tấn, rong biển hơn 150.000 tấn.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, bên cạnh việc đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm và tạo sinh kế cho ngư dân ven biển nói chung, nuôi nhuyễn thể và trồng rong biển còn đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu áp lực khai thác nguồn lợi thủy sản, hồi sinh nguồn lợi và giảm xung đột trong quá trình bảo vệ nguồn lợi thủy sản, góp phần vào thực hiện chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam. Theo đó, “đẩy mạnh phát triển nhuyễn thể và rong biển là phù hợp với xu thế xanh hiện nay”, lãnh đạo Bộ NN-PTNT nói.
Chính vì vậy, thời gian tới, Cục Thủy sản ngoài việc xây dựng cơ chế chính sách, cần kết nối các đơn vị liên quan như: Cơ quan quản lý Nhà nước, viện, trường, doanh nghiệp và người nuôi… Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường tăng cường công tác xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường… Các viện, trường chú trọng đến khoa học công nghệ, làm sao để bắt kịp nhu cầu thực tiễn; doanh nghiệp đổi mới công nghệ, cập nhật kiến thức quản lý, thông tin thị trường; địa phương triển khai các quy hoạch vùng, tỉnh liên quan đến thủy sản…
Đồng thời, tiếp tục giải quyết bài toán con giống; chú trọng đến công tác thú y, phòng chống dịch bệnh gắn với an toàn sinh học; mở rộng hợp tác quốc tế; nghiên cứu các phương thức nuôi phù hợp…
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, nhuyễn thể và rong biển là hai ngành hàng có tiềm năng to lớn để phát triển trong thời gian tới, đã có “đường dẫn” ra thị trường nước ngoài, hệ sinh thái rất đầy đủ, quản lý Nhà nước, khoa học công nghệ, doanh nghiệp, người nuôi, tuy nhiên sự liên kết chưa chặt chẽ lắm.
Nguồn: nongnghiep.vn