Lâu nay, những vùng khó khăn nhất của đất nước vẫn là miền núi. Địa hình hiểm trở, khí hậu khắc nghiệt, phương thức canh tác lạc hậu, nguồn thông tin hạn chế… và cả những hủ tục tồn tại từ hàng nghìn năm đã khiến các dân tộc phải chịu cảnh thiếu thốn, lạc hậu…
Nhưng miền núi cũng là cái nôi của cách mạng – nơi nhóm lên ngọn lửa tranh đấu để nhân dân ta giành lại độc lập. Tôi có nhiều dịp đến những vùng là căn cứ cách mạng năm xưa. Bà con ở đây thường dễ thương, hiền lành, chất phác. Tuy nhiên, ở nhiều nơi cuộc sống của họ vẫn còn rất khó khăn.
Chúng ta đã có nhiều chủ trương và chính sách để hỗ trợ cho miền núi. Có lẽ đã có tới hàng trăm đề án nhằm giúp đồng bào miền núi vươn lên. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều nơi, cuộc sống của bà con chưa thay đổi được mấy, nhà cửa vẫn còn lụp xụp, vườn tược vẫn chỉ có trông vào ngô với sắn, bữa ăn còn nghèo nàn, trẻ em còn thiếu ăn, thiếu mặc…
Có lẽ, thông tin về mưa lũ vừa qua đã cho bà con ở miền xuôi hiểu rõ hơn về cuộc sống đầy khó khăn của đồng bào miền núi. Nhiều cảnh tượng thật xót xa. Ai cũng muốn góp sức mình để hỗ trợ cho bà con vùng núi bị bão lũ vùi dập… Cả dân tộc hướng về những vùng bị thiên tai ấy.
Nhưng về lâu dài, chúng ta phải làm gì để miền núi có thể tiến lên? Điều này có lẽ đã có trong nghị quyết của nhiều hội nghị, hội thảo. Tuy nhiên vẫn còn nhiều nơi chưa tìm ra lối thoát hiệu quả.
Tiền nhà nước đổ vào rất nhiều nhưng kết quả chưa đạt yêu cầu, dân vẫn nghèo, vẫn khổ. Chung quy vẫn chỉ do bà con không có cách nào kiếm ra được nhiều tiền. Nếu có tiền thì cuộc sống của bà con chắc chắn sẽ được đổi thay. Vậy làm gì để bà con ở miền núi có thể kiếm được nhiều tiền?
Thực tế trong những năm gần đây, ở miền núi đã có nhiều gia đình vươn lên rõ rệt. Nhiều nhà trở nên giàu có. Thậm chí, tôi đã gặp một chàng trai người dân tộc mà anh ấy không biết tiêu tiền vào việc gì! Anh mua một chiếc ô tô và để đấy vì… không biết lái! Điều quyết định chính là do họ đã mạnh dạn chuyển đổi sản xuất, đưa vào canh tác những đối tượng hợp lý. Bài học rõ nhất là ở Sơn La. Tỉnh ủy và Ủy ban tỉnh đã nhất trí chuyển những vùng chuyên chỉ sản xuất có ngô và sắn sang trồng cây ăn quả. Hàng nghìn ha xoài, nhãn, na… đã được phủ kín nhiều vùng đồi núi. Dân giàu lên trông thấy. Niềm tin của họ đối với Đảng và Chính phủ được nâng lên rõ rệt…
Rất nhiều vùng núi ở Tây Nguyên, Tây Bắc và Việt Bắc đã đưa cây mắc ca vào trồng. Những vườn mắc ca từ 5 năm tuổi trở lên đã cho thu hoạch rất tốt. Nhiều vườn mắc ca 8 tuổi đã cho thu tới hàng trăm triệu đồng/ha/năm.
Ở Lạng Sơn, Bắc Kạn và một số tỉnh ở Việt Bắc bà con đã đẩy mạnh trồng cây dẻ lấy hạt. Tôi tới thăm một vườn dẻ đã được 7 năm tuổi. Chị chủ nhà cho biết, chị thu được 400 triệu đồng/ha/năm.
Ở nhiều vùng, bà con đưa cây trám đen, trắm trắng vào trồng. Do cây ghép nên chỉ 3 năm là đã cho quả. Tôi tới xã Hà Châu (huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên) và được biết quả trám đen ở đây bán với giá 120.000đ/kg. Khi tôi vào xã Ninh Sơn (huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh), bà con bán trám đen cho nhà buôn với giá lên tới 140.000đ/kg! Cây trám sống được tới cả trăm năm. Những cây trám ghép chỉ 3 năm là bắt đầu cho quả. Tôi cứ nghĩ, nếu mỗi nhà chỉ trồng độ 10 – 20 cây trám thôi thì đã thừa tiền… đi chơi Hà Nội.
Ở Hòa Bình và một vài tỉnh phía Bắc, người ta đã đưa cây dổi ăn hạt vào trồng. Dổi ghép thì cũng chỉ 3 năm là đã cho quả. Giá hạt dổi rất đắt. Hạt dổi khô có giá tới trên 1 triệu đồng/kg. Tôi vào xã Ea Kao ở Buôn Ma Thuột thấy người ta trồng hàng nghìn cây dổi quanh hồ. Ở Quảng Nam bà con cũng bắt đầu trồng dổi…
Còn rất nhiều cây lâm nghiệp đa tác dụng đã và đang được đưa vào canh tác ở nhiều vùng đồi núi. Nếu phát huy tốt, chúng sẽ đem lại nguồn lợi to lớn cho bà con.
Một thế mạnh rất rõ nữa là các cây dược liệu được đưa vào trồng ở các vùng núi. Đấy là một tiềm năng tuyệt vời mà chúng ta cần hết sức quan tâm. Nước Singapore bé tí, cây cối có gì đâu, thế mà họ đi mua cây dược liệu ở khắp các nước và đưa về chế biến thành thuốc. Cả thế giới tìm tới Singapore để mua thuốc. Trong khi ở ta, chỗ nào cũng đầy các loài cây dược liệu quý hiếm. Chúng ta phải học Singapore ở điểm này.
Đấy là chúng ta chưa nói tới hàng loạt cây công nghiệp mà lâu nay chúng ta vẫn đang phát triển.
Còn lợi thế khác là về chăn nuôi lợn, gà, trâu, ngựa, bò và rất nhiều vật nuôi khác rất thích hợp với những vùng đồi núi của chúng ta. Đó là thế mạnh mà nếu khai thác tốt, bà con ở miền núi thậm chí có thể vượt cả miền xuôi.
Tiềm năng du lịch của miền núi cũng rất phong phú. Tuy nhiên, ở nhiều nơi còn đang ở mức sơ sài. Nếu địa phương mời được các doanh nghiệp, tập đoàn lớn tới tham gia đầu tư khai thác du lịch thì chắc chắn nơi đó sớm bừng sáng…
Điểm qua vài nét như vậy mới thấy, miền núi của chúng ta đầy tiềm năng để vươn lên. Nhưng để làm được bất cứ điều gì cũng rất cần có sự tham gia của các doanh nghiệp. Vấn đề cần làm là tìm cách nào để doanh nghiệp họ hiểu và nhìn thấy tiềm năng của từng đối tượng mà chúng ta đang đưa vào sản xuất. Có doanh nghiệp cùng tham gia thì tốc độ của mọi việc sẽ tăng lên vùn vụt.
Tôi vẫn thường mơ, Chính phủ sẽ thành lập một Bộ mới mang tên “Bộ phát triển kinh tế miền núi”. Nếu được, Bộ sẽ do một đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị phụ trách. Bộ ấy có cơ chế đặc thù để có thể thu hút được những nhà khoa học giỏi nhất, những doanh nhân nổi tiếng nhất tham gia. Toàn bộ tiềm năng của miền núi sẽ được phát huy. Một chân trời rực rỡ sẽ đến với bà con các dân tộc trên những vùng núi non xa xôi.
Nguồn: nongnghiep.vn