Đại sứ Hà Lan Kees van Baar chia sẻ, là một thành viên của Liên minh châu Âu (EU), Hà Lan bắt buộc phải thực hiện theo các quy định chung như cơ chế điều chỉnh carbon biên giới (CBAM) hay Quy định Ngăn chặn Phá rừng của Liên minh châu Âu (EUDR)…
Đại sứ Kees van Baar gợi nhắc về cuộc họp kỹ thuật gần đây giữa Đại sứ quán Hà Lan và Bộ NN-PTNT với sự tham dự của các tỉnh, thành, nhà rang xay, xuất khẩu cà phê… tập trung vào những yêu cầu khi đưa sản phẩm cà phê của Việt Nam vào Hà Lan. Đại sứ đánh giá, đây là một trong những minh chứng về hợp tác hiệu quả giữa hai bên để tháo gỡ vướng mắc và thích ứng với những quy định mới từ phía châu Âu.
Bên cạnh đó, Đại sứ Hà Lan cho biết, EU cam kết hỗ trợ Việt Nam thực thi EUDR với dự án “Nông nghiệp bền vững vì hệ sinh thái rừng” (gọi tắt là SAFE)”. Đại sứ kỳ vọng dự án sớm được Việt Nam thông qua để sớm thực hiện quy định EUDR.
Đại sứ thông tin về chuyến công tác sắp tới của Vụ trưởng phụ trách phát triển bền vững, Bộ Ngoại giao Hà Lan tới Việt Nam từ ngày 16-22/10/2024, tham dự Hội nghị Kinh tế xanh/GEFE 2024. Trong chuyến thăm này, đại diện Hà Lan làm việc với các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân Việt Nam nhận hỗ trợ tài chính, vốn vay.
Theo Đại sứ, đây là sự kiện quan trọng khi Chính phủ mới của Hà Lan chủ trương cắt giảm 30% ngân sách cho hợp tác quốc tế và Vụ phát triển bền vững chịu trách nhiệm 80-90% tài chính cho các dự án của Việt Nam đang thực hiện tại Việt Nam.
Đại sứ Hà Lan cũng thông báo về chuyến thăm vào tháng 11/2024 của đoàn doanh nghiệp và đại diện cơ quan Chính phủ Hà Lan sang Việt Nam để thúc đẩy các nội dung hợp tác trong lĩnh vực thủy sản.
Tháng 7/2024, Hà Lan đã cử 2 chuyên gia sang làm việc với Cục Bảo vệ thực vật và các cơ quan liên quan về xây dựng chứng thư kiểm dịch thực vật trực tuyến và tác nhân phòng trừ dịch hại (BCAs), Cục Bảo vệ thực vật cho biết phía Việt Nam cần bổ sung một số chức năng và nâng cấp để tương thích với hệ thống chứng nhận thực vật điện tử quốc tế và cần có nguồn kinh phí thực hiện để nâng cấp hệ thống một cửa quốc gia (Tổng cục Hải quan đầu mối) và cam kết từ phía Tổng cục Hải quan Việt Nam để sẵn sàng cho việc này.
Về vấn đề EUDR, ông Phạm Ngọc Mậu, Vụ phó Vụ Hợp tác quốc tế cho biết, ngay khi châu Âu thông báo về EUDR, Bộ trưởng đã thành lập nhóm công tác về EUDR, giao cho các đơn vị phụ trách các ngành hàng riêng gồm gỗ, cao su, cà phê. Các nhóm công tác của các đơn vị đã thực hiện kế hoạch hành động và tổ chức nhiều cuộc họp với các doanh nghiệp để phổ biến quy định của EUDR.
Với các nội dung được phía Hà Lan đề cập, Thứ trưởng Hoàng Trung cho biết, Bộ NN-PTNT sẽ làm việc với phía Hà Lan để tạo điều kiện thuận lợi cho việc xúc tiến các chứng thư liên quan đến xuất nhập khẩu nông sản giữa hai bên.
Liên quan đến tác nhân phòng trừ dịch hại (BCAs), đây là một trong những giải pháp quan trọng với ngành trồng trọt, đặc biệt là dùng BCAs để khống chế, phòng trừ bệnh, sinh vật gây hại cho cây trồng. Bộ đã quan tâm chỉ đạo Cục Bảo vệ thực vật và các đơn vị liên quan sớm hoàn thiện thủ tục để nhập khẩu và sử dụng các tác nhân này hiệu quả.
Với nội dung về chứng thư điện tử kiểm dịch thực vật, Thứ trưởng Hoàng Trung nhìn nhận đây là một nội dung quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu, giúp giảm chi phí và bắt nhịp với xu thế chuyển đổi số hiện nay. Bộ NN-PTNT giao nhiệm vụ cho Cục Bảo vệ thực vật sẽ phối hợp chặt chẽ với phía chuyên gia Hà Lan và Tổng cục Hải quan Việt Nam để sớm hoàn thiện và có giải pháp nhanh chóng để cấp chứng thư điện tử.
Thứ tưởng Hoàng Trung cho biết, Bộ NN-PTNT và các địa phương đã có nỗ lực trong việc triển khai các giải pháp nhằm thực thi EUDR. Tuy nhiên, phía Việt Nam mong muốn Hà Lan tiếp tục hỗ trợ các giải pháp kỹ thuật để các ngành hàng như cao su, cà phê… đủ điều kiện xuất khẩu theo quy định mới này.
Nguồn: nongnghiep.vn