Báo Nông nghiệp Việt Nam vừa khởi đăng loạt bài “Vùng hoang vu Quảng Trị” phản ánh tình trạng tảo hôn và những hệ lụy từ con trẻ mang lại. Nguyên nhân thì có nhiều nhưng tựu chung vẫn là hủ tục lạc hậu, nghèo đói, ít học và việc tuyên truyền vận động, giáo dục của cơ quan chức năng chưa thấu đáo.
Ông Hồ A Bun, Phó Chủ tịch UBND xã Ba Nang, huyện Đakrông (tỉnh Quảng Trị) cho rằng, việc phòng chống tảo hôn phải được cả hệ thống chính trị vào cuộc. Trong đó, các già làng, trưởng bản, người có uy tín đóng vai trò hết sức quan trọng. Nếu không có được sự hỗ trợ, đồng thuận của lực lượng này trong việc xóa bỏ những luật tục thì câu chuyện phòng chống tảo hôn sẽ còn gặp nhiều chông gai.
Theo ông Bun, các già làng, trưởng bản, những người có uy tín đã có đóng góp rất lớn trong phát triển kinh tế, xã hội ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số thời gian qua. Tuy nhiên, trong lĩnh vực phòng chống tảo hôn, sự đóng góp của lực lượng này vẫn còn hạn chế.
Ngoài lực lượng này ra, cán bộ, công chức, những người có chức trách phải sớm nhận thức được đâu là luật tục cần từng bước xóa bỏ; đâu là phong tục tập quán tốt đẹp cần được lưu giữ.
Nhận thức được điều đó chắc không ít người. Nhưng dũng cảm xóa bỏ luật tục không phải ai cũng có thể làm được.
Ông Hồ Văn Chiến, Quyền Chủ tịch UBND xã Đakrông (huyện Đakrông) là trưởng dòng họ Húc (tất cả người Pa Kô Vân Kiều đều mang họ Hồ nhưng trong sinh hoạt làng xã vẫn mang họ gốc của mình) tại thôn Vùng Kho cho biết, trong cuộc đấu tranh ấy, những người dám đứng dậy phản đối hoặc vi phạm luật tục sẽ trở thành người cô đơn, bị họ hàng, làng xóm, thậm chí anh em ruột xa lánh.
“Nếu mình cho con gái sinh nở tại nhà mình thì cả họ sẽ bỏ mình. Mình không thể chứng minh được rằng việc cho con sinh nở tại nhà sẽ không mang lại rủi ro gì cho dòng họ, làng xã”, ông Chiến nói lời gan ruột.
Ông Chiến có 1 người anh em thúc bá và 1 người cháu hiện đang sinh sống tại các tỉnh Tây Nguyên, lấy vợ là người Ê Đê. Sống theo phong tục, tập quán của người Ê Đê (chế độ mẫu hệ) nên cả hai đều cho con gái sinh con tại nhà mình. Cứ ngỡ đó là chuyện bình thường ở một nơi xa quê hương, họ tộc đến cả nghìn km. Nhưng khi dòng họ Húc tại thôn Vùng Kho phát hiện ra điều này, chính những người thân nhất trong gia đình đã đứng ra phản đối, báo với dòng họ, làng xóm. Dòng họ Húc đã mổ trâu, dê… để cúng, làm lễ và khai trừ 2 người này ra khỏi dòng họ.
“Khai trừ nghĩa là không phải mang dòng họ Húc nữa, khi chết sẽ không được làm lễ cúng bái theo phong tục. Cái này là sai và cần giải phóng hủ tục đó nhưng mình là trưởng họ cũng phải tuân theo ý kiến tập thể. Mình cũng không thể gánh vác được tính mạng của cả dòng họ. Theo mình, phạt thì vẫn cứ phạt theo phong tục nhưng không nên đuổi ra khỏi dòng họ”, ông Chiến chia sẻ.
Bà Hồ Thị Tiêm, viên chức dân số xã Đakrông cho biết, trong những năm qua, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tình trạng tảo hôn tại xã giảm xuống rõ rệt. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều phong tục lạc hậu khiến cho câu chuyện tảo hôn có nguy cơ diễn biến phức tạp. Với người Vân Kiều, con gái tuyệt đối không được sinh nở tại nhà bố mẹ đẻ; dù chưa đến tuổi đăng ký kết hôn nhưng đã có bầu là phải về nhà trai sinh nở.
“Đẻ ở nhà ba mẹ ruột là phải chịu vạ cả làng chứ không riêng gì trong dòng họ. Đồng bào ở đây họ rất tuân thủ theo lệ làng. Phong tục nó ăn sâu vào đời sống rồi, đúng hay sai (theo tâm linh) thì không biết nhưng theo quy định của pháp luật thì vẫn được sinh con ở nhà mẹ đẻ. Nhưng mình không thể đấu tranh được với cả họ. Vẫn muốn thay đổi nhưng còn ôông mệ (ông bà), còn dòng họ nữa”, bà Tiêm cho hay.
Tảo hôn: Tỷ lệ chia tay rất lớn
Bà Tiêm cũng cho hay, với người Bru Vân Kiều, trai gái có bầu sẽ về ở với nhau. Khi cảm thấy không hợp nhau, cả hai sẽ chia tay, nhẹ nhàng như lúc họ tìm đến với nhau vậy. Ở Đakrông, cứ 10 cặp chưa đến tuổi kết hôn về sống với nhau như vợ chồng thì sau khi sinh nở xong 5-6 cặp đã đường ai nấy đi.
Nguồn: nongnghiep.vn