Sự trỗi dậy chưa đồng đều
Cây dừa từ loại cây trồng xen canh tại các tỉnh phía Nam đã chuyển mình thành cây chủ lực quốc gia, đóng góp đáng kể vào kim ngạch xuất khẩu và góp phần ổn định đời sống người nông dân. Trên cả nước, cây dừa hiện diện hơn 25 tỉnh, thành, trải dài từ miền Trung, miền Đông đến ĐBSCL. Đến nay, diện tích dừa cả ước khoảng 200 nghìn ha, xuất hiện nhiều trang trại trồng tập trung đến vài chục ha. Theo nghiên cứu, thu nhập mỗi ha dừa nguyên liệu gấp 2,7 lần lúa.
Nhờ mở cửa cho trái dừa tươi bước vào các thị trường khó tính nên ngày càng nhiều doanh nghiệp đầu tư và kinh doanh các sản phẩm từ dừa. Tuy nhiên sự trỗi dậy chưa đồng đều và còn nhiều khó khăn, bất cập, làm giảm sức hút đầu tư trực tiếp từ nước ngoài vào ngành dừa Việt Nam.
Theo ông Cao Bá Đăng Khoa, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội dừa Việt Nam, trừ tỉnh Bến Tre, các địa phương có dừa chưa quan tâm xây dựng thương hiệu, chưa truyền thông rộng rãi về diện tích, đặc điểm thuận lợi và các chính sách ưu đãi thu hút nhà đầu tư quan tâm tìm hiểu cơ hội đầu tư.
Bên cạnh đó, giao thông nông thôn không thuận tiện làm hạn chế thu mua, vận chuyển, khó khăn cho nhà đầu tư. Người nông dân còn thiếu thông tin về tốc độ phát triển, giá dừa từng thời điểm, thiếu sự kích thích cho người nông dân và doanh nghiệp thu mua.
Các chương trình phòng ngừa và ứng phó dịch bệnh, hạn mặn chưa được quan tâm kịp thời làm ảnh hưởng đến giá trị các vùng nguyên liệu. Ngoài ra, các địa phương chưa được thành lập các quỹ hỗ trợ công tác chăm sóc và xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư. Đây là những nguyên nhân khiến ngành dừa chưa thực sự cất cánh một cách chủ động trên thị trường quốc tế.
Nhiều tiềm năng còn bỏ ngỏ
Cũng theo ông Cao Bá Đăng Khoa, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội dừa Việt Nam, ngành dừa đang định hình với 4 nhóm doanh nghiệp và sản phẩm chủ lực.
Nhóm 1, doanh nghiệp và sản phẩm ngành thực phẩm, mỹ phẩm và y dược với hơn 45 loại sản phẩm đa dạng, phong phú, hơn 50 doanh nghiệp sản xuất chế biến sâu. Đóng góp khoảng 40% vào kim ngạch xuất khẩu toàn ngành.
Nhóm 2, doanh nghiệp và sản phẩm ngành thủ công mỹ nghệ, gỗ và giá thể nông nghiệp với hơn 30 loại sản phẩm đa dạng gồm các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, gỗ, mụn dừa giá thể, tham gáo dừa, chất xử lý môi trường từ than và các loại máy móc cơ khí sản xuất chuyên ngành dừa. Ở nhóm này hầu hết doanh nghiệp, cơ sở nhỏ. Chỉ khoảng 15 doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu trực tiếp, còn lại là doanh nghiệp thương mại không ổn định, đóng góp khoảng 25% vào kim ngạch xuất khẩu toàn ngành.
Nhóm 3, doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm nguyên liệu như dầu dừa thô, bột béo từ dừa nước, dừa cấp đông, nước cốt dừa cấp đông… Nhóm này hiện có 5 doanh nghiệp trong nước và 14 doanh nghiệp FDI đã tham gia đầu tư và đang hoạt động ngày càng phát triển trong khoảng 3 năm gần đây. Tuy nhiều cách nhìn chưa thực sự đánh giá cao nhóm ngành này, nhưng thực sự đây là nhóm các doanh nghiệp thu mua nguyên liệu, sản xuất góp phần gia tăng giá trị trái dừa cho bà con nông dân đáng kể nhất, đóng góp khoảng 20% vào kim ngạch xuất khẩu toàn ngành.
Cuối cùng là nhóm doanh nghiệp và sản phẩm sản xuất, kinh doanh dừa tươi, đóng góp khoảng 15% vào kim ngạch xuất khẩu toàn ngành. Hiện có 16 chủng loại dừa tươi uống nước được trồng ở Việt Nam. Tuy nhiên, doanh nghiệp và thị trường chỉ mới khai thác 5 loại như dừa xiêm lùn, xừa xiêm xanh, dừa éo, dừa dứa và dừa ta uống nước… để xuất khẩu. Doanh nghiệp chưa đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu, xây dựng thương hiệu cho các loại dừa uống nước nổi tiếng như dừa Tam Quan, Bình Định; dừa Ninh Đa, Khánh Hòa… đây là tiềm năng còn bỏ ngỏ.
Thời gian gần đây, sự đầu tư mạnh mẽ của nhiều doanh nghiệp trong xây dựng mã vùng trồng, mã đóng gói, và doanh nghiệp thương mại với trái dừa tươi đã tạo nhiều tiềm năng cho bà con nông dân đầu tư trồng tập trung. Tuy nhiên, cần xây dựng các chuỗi liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và nông dân.
“Với lợi thế và tiềm năng trên, ngành dừa Việt Nam còn nhiều dư địa bỏ ngỏ đang chờ đón các nhà đầu tư nước ngoài vào ngành này. Hiệp hội Dừa Việt Nam sẵn sàng là cầu nối mọi thông tin, hỗ trợ các thủ tục pháp lý cho doanh nghiệp nước ngoài khi đầu tư vào ngành dừa Việt Nam”, ông Cao Bá Đăng Khoa nói trong diễn đàn xúc tiến đầu tư trực tiếp nước ngoài và thúc đẩy xuất phẩm dừa vừa diễn ra vào sáng 18/12/2024 tại TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang (được tổ chức bởi Vụ Hợp tác quốc tế của Bộ NN-PTNT).
Riêng tỉnh Tiền Giang có khoảng 22 nghìn ha dừa với hơn 19 nghìn ha đang cho trái, sản lượng khoảng 246 nghìn tấn/năm là dư địa cho các nhà đầu tư tìm kiếm vùng nguyên liệu bền vững. Ông Cao Bá Đăng Khoa đề xuất tỉnh Tiền Giang chủ động thí điểm các mô hình liên kết, quy hoạch các vùng nguyên liệu theo định hướng bền vững, lâu dài; xây dựng các chương trình ưu đãi, mời gọi đầu tư.
Đồng thời, ông cũng gửi lời mời đến doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào các nhà máy chế biến sâu, vùng nguyên liệu và đề nghị các tổ chức tín dụng tham gia vào chương trình này như bước đột phá tiên phong trong kế hoạch thí điểm nhằm nâng cao đời sống người dân trồng dừa tỉnh Tiền Giang.
Nguồn: nongnghiep.vn