Giá gạo từ đầu năm 2025 lao dốc, hiện về dưới mức 500 USD/tấn đối với gạo 5% và 25% tấm. Kể cả một số loại gạo thơm Việt Nam cũng rơi khỏi mốc 600 USD/tấn. Đây là con số thấp nhất trong vòng 2 năm qua, khiến người nông dân lo lắng.
Ngoài việc các đối tác lớn như Philippines và Indonesia chưa có kế hoạch cụ thể cho năm mới 2025, Bộ Công thương còn chỉ ra nguyên nhân nằm ở chỗ, Ấn Độ bắt đầu xuất khẩu gạo trở lại. Lượng gạo trên thị trường giao dịch nhiều lên, kéo tụt giá giao dịch.
Tại buổi họp báo thường kỳ Quý IV/2024 của Bộ Công thương chiều 7/1, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Trần Thanh Hải động viên người dân yên tâm. Do gạo Việt Nam đã xây dựng được thương hiệu và có những bạn hàng nhất định. Do đó, nguồn lúa đông xuân (nhiều địa phương đã bắt đầu gieo sạ) sớm muộn cũng sẽ có thị trường.
Trong bối cảnh hiện tại, ông Hải cho rằng doanh nghiệp, người dân sản xuất lúa gạo cần trợ lực từ nhiều bên. Chẳng hạn, ngân hàng hỗ trợ vay vốn để tăng cường mua gạo tích trữ, nhân lúc giá đang xuống thấp, giúp bình ổn thị trường trong nước. Hoặc ngành tài chính nhanh chóng hoàn tất thủ tục hoàn thuế VAT để doanh nghiệp có điều kiện xoay vòng vốn.
Năm 2024, Việt Nam đạt kỷ lục về xuất khẩu gạo. Tính chung cả năm, cả nước xuất khẩu 9,18 triệu tấn, kim ngạch 5,75 tỷ USD. Ngành lúa gạo tăng trưởng 12% về lượng và 23% về giá trị. Ngoài ra, giá xuất khẩu bình quân 1 tấn gạo đạt 627 USD, tăng 9% so với năm 2023.
Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân bổ sung, rằng ngay đầu năm 2025, Chính phủ đã ban hành Nghị định 01 sửa đổi Nghị định 107 ngày 15/8/2018 về kinh doanh xuất khẩu gạo. Trong đó, Chính phủ đề ra nhiều giải pháp quản lý rõ ràng, minh bạch hơn về xuất khẩu gạo nhằm vừa đảm bảo an ninh lương thực, vừa duy trì đà xuất khẩu.
Một trong những điểm quan trọng của Nghị định có hiệu lực từ ngày 1/3, là quy định trách nhiệm của thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo.
Theo Nghị định 107, định kỳ vào thứ Năm hằng tuần thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo báo cáo Bộ Công thương về lượng thóc, gạo thực tế tồn kho theo từng chủng loại cụ thể. Nhưng trong Nghị định 01, thương nhân được giãn kỳ báo cáo, định kỳ trước ngày 5 hằng tháng.
Ngoài văn bản gửi Bộ Công thương để chỉ đạo, điều hành, doanh nghiệp phải đồng gửi Sở Công thương nơi thương nhân có trụ sở chính, có kho, có cơ sở xay, xát hoặc chế biến thóc, gạo và gửi cả Hiệp hội Lương thực Việt Nam.
“Với vai trò quản lý nhà nước, Bộ Công thương cam kết đẩy mạnh các giải pháp xúc tiến xuất khẩu gạo để sớm tháo nút thắt cho mặt hàng này”, Thứ trưởng Tân chia sẻ.
Bên cạnh về tình hình xuất khẩu gạo, Bộ Công thương cũng đưa ra những dự báo về Hoa Kỳ – thị trường xuất khẩu số một của Việt Nam năm 2024. Theo đó, Tổng thống đắc cử Donald Trump dự kiến sẽ có nhiều chính sách thương mại mới thời gian tới, trong số đó có 3 nội dung chính: giảm thâm hụt thương mại, thúc đẩy sản xuất trong nước và thu hút đầu tư.
Trong nhiệm kỳ đầu tiên lãnh đạo Nhà Trắng, ông Trump đã áp thuế cao với nhiều hàng hóa có xuất xứ từ Trung Quốc, EU, Australia.
Dựa trên phân tích này, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu khuyến nghị doanh nghiệp lường trước khả năng Việt Nam có thể chịu thuế suất cao hơn. Bên cạnh đó, tích cực phối hợp cơ quan quản lý để đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.
Sang năm 2025, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân đề nghị các cơ quan thông tấn, báo chí đổi mới hình thức họp báo, theo hướng “Phóng viên hỏi rõ – Cơ quan quản lý trả lời thẳng”. Ông tin rằng, đây là cách hữu hiệu để nhiều thông tin ngành công thương đến được với đông đảo công chúng hơn.
Nguồn: nongnghiep.vn