Đã có một thời kỳ giống quýt ấy bị lãng quên, diện tích co lại tưởng chừng như tuyệt chủng vì người dân mải trồng ngô, trồng sắn để chống đói. Cuối năm 2004, ông Trần Lưu Hải – Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình lúc ấy đến thăm xã Nam Sơn cũ, nghe nói về giống quýt cổ ở đây đang bị lụi tàn liền giao cho Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh đánh giá, bình tuyển, chọn cây đầu dòng rồi tiến hành ghép giống cấp phát cho dân. Dự án khôi phục quýt cổ có hàng trăm hộ tham gia với tổng diện tích cỡ 20ha. Từ hiệu quả của dự án mới có phong trào người người trồng quýt, nhà nhà trồng quýt ở Nam Sơn cũ và xã Vân Sơn mới hiện nay.
Trong quá trình trồng song song quýt chua (quýt cổ Nam Sơn) và quýt ngọt (cam đường Canh), bà con thấy quýt ngọt được thị trường chấp nhận rộng hơn, đặc biệt là người thành phố, còn quýt chua chỉ ở vùng lân cận tiêu thụ nên diện tích của chúng bị co hẹp lại. Ông Hà Văn Hưng ở xóm Bương Bái là một trong những người đầu tiên trồng quýt cổ Nam Sơn trên diện rộng với hàng trăm gốc nhưng khi tôi đến thì chỉ còn đúng 3 gốc vì đã chuyển gần hết sang cam Canh.
Hỏi lý do, ông trả lời rằng quýt cổ có ưu điểm chống chịu sâu bệnh tốt, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu lạnh của vùng cao, còn nhược điểm là chín muộn, gặp những năm có sương muối thì quả mã xấu, rụng nhiều. Quýt cổ chín vào dịp sát Tết cũng khiến cho việc chăm sóc cây trở nên khó khăn hơn, sang năm dễ bị giảm sút năng suất. Điều cuối cùng là do bà con chưa trồng nhiều nên lúc quýt cổ chín số lượng ít, phải mang ra chợ bán chứ không mấy thương lái chịu đến tận vườn mua như cam Canh.
Rất nhiều người đã đốn hạ quýt cổ hoặc để mặc cho quýt già tự chết như ông Hưng nên hỏi mãi tôi mới biết anh Đinh Văn Lừng ở xóm Bương Bái vẫn còn giữ 150 gốc trong khu vườn rộng 1ha trồng nhiều giống cây ăn quả. Tổng thu mỗi năm của khu vườn khoảng 80 – 120 triệu đồng, trong đó quýt cổ đóng góp 1/3 nên anh bảo rằng “gạo ăn thì thoải mái nhưng làm giàu thì chưa làm được”. Lúc đầu người Hà Nội còn chưa biết ăn quýt cổ Nam Sơn bởi vị chua ngọt đặc trưng mà chủ yếu nó được tiêu thụ tại tỉnh Thanh Hóa. Mãi sau này khi một số người dân Thủ đô bắt đầu quen với vị của loại quýt này thì hàng mới túc tắc bán được.
Chín muộn hay gặp sương muối gây rụng quả nhưng quýt cổ Nam Sơn lại có lợi thế là tới tận ngày khai hạ, mồng 7 tháng giêng quả vẫn còn treo trên cây, trong khi cam Canh đã hết từ lâu nên mấy năm bán khá được giá, từ 35 – 40.000đ/kg. Bởi thế một số người dân Vân Sơn lại muốn mở rộng diện tích trồng quýt cổ. Tuy nhiên điều này cũng khó bởi giống phải ghép, mà kỹ thuật phức tạp đó họ không tự làm được. Trong khi đó trồng bằng hạt lại có tỷ lệ phân ly cao, hơn thế phải 6 – 7 năm mới ra quả.
Và điều mà những người làm vườn ở đây ước ao là nếu có nhà khoa học nào phân tích xem giá trị dinh dưỡng trong quả quýt chua ra sao, ích lợi của chúng với sức khỏe thế nào thì sẽ nâng cao được giá bán, chứ họ tự nói tốt mà không có chứng minh thì sẽ chẳng ai tin.
Năm 2018, chính quyền đã xây dựng được nhãn hiệu tập thể quýt Nam Sơn nhưng tiếc rằng lại chưa nhấn mạnh vào yếu tố khác biệt là giống quýt cổ. Chỉ khi có yếu tố khác biệt ấy thì quýt Nam Sơn mới có thể đường hoàng sánh ngang, thậm chí vị thế cao hơn cam Canh và góp phần vào danh sách những nông sản nổi tiếng của Tân Lạc như bưởi đỏ, như su su…
Nguồn: nongnghiep.vn