Đất đai chật hẹp, khó hình thành khu chăn nuôi tập trung
Hà Nam được biết đến là một trong những địa phương có hoạt động chăn nuôi gia súc, gia cầm sôi động bậc nhất Đồng bằng sông Hồng. Hết tháng 6/2024, đàn lợn toàn tỉnh ước đạt 385.000 con, gia cầm gần 9 triệu con, trâu, bò hơn 37.000 con.
Thực hiện Luật Chăn nuôi (2018), HĐND tỉnh Hà Nam ban hành Nghị quyết 24/2021/NQ-HĐND về quy định khu vực thuộc nội thành của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư không được phép chăn nuôi và chính sách hỗ trợ khi di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn tỉnh.
Từ khi Nghị quyết được ban hành, các sở, ngành, địa phương đã tập trung tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn, đôn đốc người dân triển khai. Đến nay, tại các khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn tỉnh còn hơn 100 cơ sở chăn nuôi. Trong đó, hơn 95% là cơ sở chăn nuôi quy mô nông hộ, còn lại là cơ sở chăn nuôi quy mô trang trại (giảm hơn 200 cơ sở so với thời điểm trước khi ban hành Nghị quyết), với tổng đàn vật nuôi gần 13.000 con.
Theo ông Phạm Anh Tuấn, Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nam, bên cạnh những thuận lợi, việc di chuyển các cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép vẫn gặp một số khó khăn như: Một số chủ cơ sở chăn nuôi đã ngoài độ tuổi có thể làm việc tại các khu công nghiệp, kinh tế gia đình còn nhiều khó khăn nên không muốn thay đổi điều kiện sinh hoạt, chuyển đổi nghề nghiệp.
Một số cơ sở chăn nuôi quy mô trang trại hoặc nông hộ mang tính sản xuất chuyên nghiệp, có nguồn thu nhập chính từ chăn nuôi (chiếm khoảng 5-15%) nguyện vọng di dời đến địa điểm chăn nuôi mới nhưng rất khó thực hiện do không bố trí được quỹ đất để quy hoạch địa điểm chăn nuôi mới…
Ghi nhận tại huyện Bình Lục, một trong những “thủ phủ” chăn nuôi lợn của miền Bắc. Toàn huyện hiện có khoảng 100.000 con lợn. Sau cơn “bão” giá và bệnh dịch tả lợn Châu Phi càn quét, đến nay tỷ lệ chăn nuôi nhỏ lẻ trên địa bàn huyện đã giảm đi đáng kể. Những hộ có nguồn vốn lớn vẫn duy trì chăn nuôi, còn hầu hết đã chủ động chuyển đổi nghề sang làm tại các khu công nghiệp, số ít tận dụng chuồng trại nuôi lợn bỏ không chuyển sang nuôi gà, vịt, trâu, bò.
Ông Đỗ Thế Trọng, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện chia sẻ, việc di chuyển các cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi mặc dù UBND huyện đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp, thậm chí sang tận các tỉnh bạn để học tập mô hình nhưng với đặc thù của địa phương thì việc hình thành được khu chăn nuôi tập trung mới để các hộ di dời vẫn còn rất nan giải.
Huyện Bình Lục đã từng phối hợp cùng Tập đoàn Masan xây dựng dự thảo quy hoạch khu chăn nuôi tập trung, tạo vùng nguyên liệu sạch cung cấp cho nhà máy chế biến thịt của Tập đoàn tại xã Ngọc Lũ, Bồ Đề với diện tích gần 50ha, quy mô tổng đàn lớn nhất có thể đạt 50.000 lợn thịt/lứa.
Tuy nhiên, khi đi sâu phân tích, đánh giá các vấn đề liên quan nhận thấy xuất hiện nhiều bất cập. Để hình thành được một khu chăn nuôi tập trung tốn kém rất nhiều nguồn lực, trong khi địa phương quỹ đất có hạn, công tác giải phóng mặt bằng, san lấp hạ tầng, xử lý chất thải chăn nuôi… hết sức phức tạp. Cho nên, đến nay dự án vẫn nằm trên giấy.
Cũng theo ông Trọng, việc chưa có khu chăn nuôi tập trung, trong khi thời gian phải hoàn thành di dời sắp đến, nhiều hộ thuộc diện chuyển đi có nhu cầu tiếp tục phát triển chăn nuôi rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Tuy nhiên, trong trường hợp quy hoạch được khu vực chăn nuôi mới thì cũng chưa chắc có thể đi vào hoạt động.
Bởi lẽ, chưa nói tới việc các hộ thời gian dài chăn nuôi khó khăn, tận dụng mọi nguồn lực tự có để giảm chi phí, khi chuyển ra khu mới phải trả phí thuê mặt bằng, duy trì dịch vụ, trong khi đất của gia đình để không thì chắc chắn không mấy người mặn mà. Quan trọng hơn, khi nhiều hộ chăn nuôi cùng dồn vào 1 vị trí khu chăn nuôi không khác gì một cái chợ, không thể thực hiện tốt công tác đảm bảo an toàn dịch bệnh.
Chuyển đổi nghề không dễ
Cơ sở chăn nuôi lợn của ông Trần Văn Đại, thị trấn Vĩnh Trụ (Lý Nhân) là một trong những trường hợp thuộc diện di dời theo quy định. Tuy nhiên, hiện tại mọi hoạt động vẫn chỉ dậm chân tại chỗ vì ông không biết nên quyết định như thế nào cho đúng.
Ông Đại cho hay, khu trại chăn nuôi lợn của ông cùng 2 người em vốn thuộc đất do UBND xã quản lý. Năm 2008, ông mạnh dạn đấu thầu thuê khu đất với thời gian 15 năm, xin chuyển đổi làm mô hình VAC và được chấp thuận.
Giai đoạn đầu, ông phải bỏ ra hơn 1 tỷ đồng để cải tạo mặt bằng, cơ sở vật chất, từng bước hình thành một khu chăn nuôi lợn khép kín, kết hợp đào ao nuôi cá (nuôi phụ). Mọi việc đang có vẻ hanh thông thì dịch tả lợn Châu Phi bủa vây, càn quét, nối sau đó là giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng cao, giá bán lợn hơi phập phù. Hoạt động chăn nuôi lợn của trang trại trở nên ngưng trệ, nợ cũ chưa trả hết lại gánh thêm khoản nợ mới.
Cố gắng xoay trở đủ đường trang trại cũng vượt qua được giai đoạn khó khăn đó. Khi ông dự tính sẽ tái đàn với hi vọng gỡ gạc thì nhận được thông báo phải di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép. Thông báo như sét đánh ngang tai, khiến cả gia đình ông đứng ngồi không yên.
Theo ông Đại, khi nhận được thông báo ông không khỏi bàng hoàng, nhưng đã là Luật do Nhà nước ban hành thì gia đình sẽ chấp hành. Tuy nhiên, mỗi lần nghĩ tới việc bao nhiêu mồ hôi, công sức, tiền bạc đã bỏ ra phải tháo dỡ, di chuyển đi nơi khác thì lại như đứt từng khúc ruột. Muốn tiếp tục phát triển chăn nuôi thì không có quỹ đất, vốn liếng cũng chẳng còn, tỉnh có cơ chế hỗ trợ nhưng số đó chẳng đáng là bao.
Có người động viên bảo chuyển đổi nghề nghiệp nhìn lại toàn bộ diện tích ruộng ở khu vực khác của gia đình đã đổi cho các hộ gom đất làm khu trang trại, muốn trở lại canh tác lúa không còn. Bên cạnh đó, bản thân ông đã hơn 60 tuổi, đi làm công nhân không ai thu nhận, chuyển sang phát triển trồng trọt lại càng khó vì kinh nghiệm của bản thân và gia đình đúc kết được chỉ thiên về chăn nuôi.
Hơn nữa, muốn phát triển trồng trọt chuyên nghiệp phải chọn được cây trồng phù hợp và diện tích đất đủ lớn, trong khi cả 2 thứ này ông đều thiếu, chưa nói đến việc vườn trồng cạnh nhà ở việc sử dụng thuốc BVTV còn gây hại nhiều hơn.
“Tầm tuổi như chúng tớ bảo chuyển đổi nghề nghiệp là việc không hề dễ dàng. Mặc dù chăn nuôi lợn luôn có rủi ro cao nhưng là hình thức có thể tạo được đột biến về thu nhập, giúp gia đình có cơ hội trả những khoản nợ đầu tư trước đó và nâng cao đời sống. Tuy nhiên, bây giờ ở lại không được, đi cũng chẳng xong, chuyển đổi nghề nghiệp khác không khác gì đánh một canh bạc”, ông Đại than thở.
Nguồn: nongnghiep.vn