Gắn trách nhiệm người đứng đầu
Bão số 3 (từ ngày 6/9 – 9/9), số 4 (từ ngày 17/9 – 23/9) gây thiệt hại cho Nghệ An trên nhiều phương diện, trong đó có lĩnh vực chăn nuôi. Qua kiểm đếm, có trên 18.500 con gia cầm, hàng trăm trâu bò, lợn, dê bị chết và cuốn trôi. Nguy hại hơn, mưa lớn dài ngày mở ra cơ hội cho dịch tả lợn Châu Phi phát sinh, lây lan trên diện rộng.
Từ đầu năm 2024 đến nay, toàn tỉnh Nghệ An ghi nhận 244 ổ dịch tả lợn Châu Phi tại nhiều huyện, thành, thị với tổng số lợn buộc tiêu hủy gần 10.000 con. Dịch chủ yếu xảy ra tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, cơ bản không đảm bảo các điều kiện về an toàn dịch bệnh. Hiện, Nghệ An vẫn còn trên 60 ổ dịch tả lợn Châu Phi chưa qua 21 ngày, với diễn biến lúc này nếu chủ quan, lơ là sẽ rất nguy hiểm.
Để kịp thời ngăn chặn dịch bệnh, qua đó hạn chế tối đa thiệt hại cho người chăn nuôi, đồng thời đẩy nhanh quá trình khôi phục sản xuất, đảm bảo nguồn cung thực phẩm cho dịp Tết Nguyên Đán, ngày 15/11/2024 ông Nguyễn Văn Đệ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đã kí Chỉ thị số 45/CT-UBND về việc “tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi”.
Dựa trên tình hình thực tiễn, UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành, thị; Giám đốc các Sở; Thủ trưởng các ban, ngành cấp tỉnh cùng các đơn vị liên quan phải tập trung triển khai theo đúng tinh thần chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tại Chỉ thị số 29-CT/TU về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả công tác phòng chống, khống chế bệnh cũng như các văn bản chỉ đạo liên quan khác.
Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389) của tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát nhằm ngăn chặn, phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm các đối tượng vận chuyển trái phép lợn, sản phẩm lợn không rõ nguồn gốc vào địa bàn.
Công an tỉnh chỉ đạo các đơn vị chức năng điều tra, theo dõi tình hình, cập nhật danh sách các đối tượng có biểu hiện hoạt động buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, vận chuyển trái phép, có biện pháp giáo dục, vận động, răn đe nhằm chủ động phòng ngừa.
Đồng thời, tập trung các biện pháp nghiệp vụ, phối hợp với các lực lượng đấu tranh bắt giữ, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật trái phép, không rõ nguồn gốc, không có Giấy chứng nhận kiểm dịch có hành vi trốn tránh kiểm dịch qua đường cao tốc Bắc – Nam và các tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ.
Về phía Phòng NN-PTNT/Phòng Kinh tế, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp cấp huyện, UBND cấp xã phải chủ động giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, phát hiện sớm, cảnh báo và chỉ đạo xử lý triệt để ổ dịch, không để phát sinh ổ dịch mới.
Tổ chức nghiêm ngặt công tác phòng, chống dịch bệnh, nhất là những nơi đang có dịch hoặc có nguy cơ xuất hiện dịch. Xử lý tiêu hủy lợn mắc bệnh, nghi mắc bệnh, lợn chết, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp mua bán, vận chuyển lợn bệnh, vứt xác lợn chết làm lây lan dịch bệnh, ô nhiễm môi trường.
Các đơn vị phải tăng cường thông tin, tuyên truyền sâu rộng để nâng cao nhận thức, ý thức của người chăn nuôi về tính chất nguy hiểm của bệnh dịch tả lợn Châu Phi. Phải thường xuyên cập nhật, báo cáo diễn biến và công tác phòng chống dịch hàng ngày về Sở NN-PTNT (qua Chi cục Chăn nuôi và Thú y), kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp giấu dịch, chậm báo cáo làm lây lan dịch bệnh.
Chỉ thị cũng nêu rõ, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu để xảy ra bùng phát dịch bệnh dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn quản lý.
Khó lường!
Nghệ An sở hữu tổng đàn gia súc thuộc tốp đầu cả nước, riêng tổng đàn lợn ước trên 1 triệu con. Nhiều chưa hẳn đã tinh khi quy mô nông hộ đang ở mức quá cao, chiếm tỷ lệ 60 – 65% tổng đàn. Những cơ sở này nuôi nhỏ lẻ (chỉ 1 – 2 con/hộ), không tuân thủ chặt chẽ quy định vệ sinh thú y nên dịch bệnh có thể xuất hiện và lây lan bất kỳ lúc nào. Thực trạng này đang diễn ra tại các huyện miền núi như Anh Sơn, Tương Dương, vốn là “điểm nóng” trong thời gian qua.
Nắm bắt tổng quan thấy rằng, dịch tả lợn Châu Phi bùng phát tại huyện Anh Sơn theo chiều hướng đáng lo ngại, tính đến cuối tháng 10/2024 huyện này đã tiêu hủy khoảng 2.180 con lợn nhiễm bệnh, quy đổi trọng lượng trên 120 tấn. Dịch bệnh “tràn” qua chóng vánh khiến người nuôi chẳng biết đường nào mà lần, hiện số đông đang âu lo tột độ.
Xã Vĩnh Sơn của huyện Anh Sơn có thế mạnh về chăn nuôi với tổng đàn lợn trên dưới 3.500 con, đến nay dịch cơ bản “bao trùm” khắp 5 xóm, hầu như ngày nào cũng có hộ trình báo lợn ốm, chết. Tính ra toàn xã đã tiêu hủy trên hàng trăm con lợn bệnh với tổng trọng lượng trên 20 tấn, cơn bạo bệnh lần này đẩy nhiều hộ vào cảnh điêu đứng.
Một trong số đó là gia đình ông Nguyễn Hữu Thế, trú tại xóm Vĩnh Thọ. Đầu tháng 10 vừa rồi, dịch tả lợn Châu Phi chính thức “ghé thăm” trại nuôi, trong chớp mắt đã lây lan trên phạm vi rộng, buộc ông Thế phải tiêu hủy 13 con lợn nái đang kỳ sinh sản. Bao nhiêu công sức, vốn liếng phút chốc đổ sông đổ biển, người nuôi tiếc đứt ruột nhưng lực bất tòng tâm.
“Quá trình nuôi chúng tôi đã chủ động dọn vệ sinh, sát khuẩn đầy đủ, đồng thời hạn chế người ra vào chuồng trại rồi nhưng rồi dịch bệnh vẫn xuất hiện. Nguồn thu của gia đình tôi trông cả vào đàn lợn, nay cớ sự như vậy chẳng biết phải xoay sở ra sao. Lúc này muốn tái đàn cũng không xong, cố đấm ăn xôi chỉ ôm thêm nợ mà thôi, đúng là tiến thoái lưỡng nan”. Ông Thế ngậm ngùi.
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam có nhiều nguyên dân dẫn đến tình trạng bùng phát dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn Nghệ An. Trong đó, phần nhiều đến từ phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ, kết hợp thời tiết bất thuận (mưa nắng thất thường, lũ lụt thường xuyên) làm gia tăng nguy cơ. Về yếu tố chủ quan, phải thừa nhận tỷ lệ tiêm phòng cho đàn gia súc còn thấp, chính quyền địa phương một số nơi còn chủ quan, lơ là, công tác chỉ đạo thiếu đồng bộ, chưa quyết liệt.
Dịch tả lợn Châu Phi là dịch bệnh chăn nuôi nguy hiểm và khó chữa trị nhất trên đàn gia súc hiện tại. Dịch bệnh thường bùng phát, lây lan với tốc độ chóng mặt, gây nên tỷ lệ chết cao, ngặt nỗi vacxin thông hành chưa phổ biến (mới chỉ có vacxin tiêm phòng cho lợn thịt) để phủ sóng cho đàn vật nuôi. Người dân quả quyết, giá vacxin dịch tả lợn Châu Phi quá cao (trên 65.000 đồng/ liều) đang là rào cản thực sự.
Nguồn: nongnghiep.vn