Ngày 4/11, tại cầu cảng số 2 – bến cảng Chân Mây, Cảng vụ Hàng hải Thừa Thiên – Huế tổ chức diễn tập phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải trong vùng nước cảng biển Thừa Thiên – Huế năm 2024.
Theo kịch bản diễn biến tình huống giả định diễn tập, tại khu neo đậu cảng Chân Mây xảy ra vụ đâm tàu giữa tàu vận tải và tàu khai thác thủy sản của tỉnh Thừa Thiên – Huế làm tàu khai thác thủng khu vực hầm máy, nguy cơ xảy ra cháy nổ, tràn dầu, nước tràn vào hầm máy, nguy cơ chìm tàu; tàu vận tải bị móp ở phần mũi tàu.
Sau khi nhận được tin báo, đại diện Cảng vụ Hàng hải Thừa Thiên – Huế tại Chân Mây đã yêu cầu tàu vận tải phối hợp khẩn trương cứu vớt các thuyền viên tàu khai thác rơi xuống nước.
Quá trình phối hợp tìm kiếm cứu người rơi xuống nước, tàu khai thác bị cháy ở khu vực kho vật tư sau lái.
Nhận được thông tin báo cháy, Chỉ huy hiện trường điều động tàu của Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực I, kịp thời tiếp cận để hỗ trợ công tác chữa cháy.
Các lực lượng chức năng đã khẩn trương triển khai ngoài hiện trường để cứu vớt thuyền viên dưới nước và hỗ trợ chữa cháy tàu. Đồng thời, Chỉ huy hiện trường triển khai sơ tán toàn bộ thuyền viên.
Trong quá trình triển khai ứng cứu đã phát hiện có dấu hiệu dầu tràn ra vịnh Chân Mây nên đã thông báo trực ban cảng vụ để điều động phương tiện, trang thiết bị chuyên dụng ra thu gom dầu tràn.
Với sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng chức năng dưới sự phân công chỉ đạo của Cảng vụ Hàng hải Thừa Thiên – Huế và Chỉ huy hiện trường, công tác cứu vớt toàn bộ số người rơi dưới nước đã nhanh chóng kết thúc, được sơ cứu y tế và đưa toàn bộ thuyền viên về bờ an toàn, đồng thời đã dập tắt đám cháy và thu gom toàn bộ số dầu tràn ra biển.
Tàu khai thác sau khi đã khắc phục tạm thời lỗ thủng được lai kéo về vị trí an toàn để tiếp tục sửa chữa.
Theo lãnh đạo Cục Hàng hải Việt Nam, cuộc diễn tập đã góp phần hoàn thiện hệ thống tổ chức tìm kiếm cứu nạn trong vùng nước cảng biển phù hợp với điều kiện kinh tế biển, vị trí địa lý tại địa phương nhằm phát huy tốt, hiệu quả phương châm “4 tại chỗ”.
Hoàn thiện hệ thống trực canh, thu nhận và xử lý thông tin báo nạn nhanh, hiệu quả của các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm trong phối hợp tìm kiếm cứu nạn.
Thực tập vai trò chủ trì tổ chức, điều hành của Cảng vụ Hàng hải trong hoạt động tìm kiếm, cứu nạn trong vùng nước cảng biển. Đồng thời, hiện thực hóa quy chế phối hợp tìm kiếm cứu nạn giữa Cảng vụ Hàng hải với các lực lượng liên quan trong vùng nước cảng biển.
Nguồn: nongnghiep.vn