Xuống xe khách Hà Nội – Sơn La tại ngã ba 4G, chúng tôi được anh Hà Văn Thiên ra tận QL6 đón lên thăm vườn đồi cà phê của gia đình anh ở bản Nà Hạ 1, xã Chiềng Mung, huyện Mai Sơn (Sơn La).
Anh Thiên phấn khởi cho biết, năm nay các gia đình trồng cà phê ở đây đều trúng mùa, năng suất trung bình đạt khoảng 10 tấn quả/ha (tăng hơn 3 tấn so với năm 2022), giá bán cũng khá cao, bình quân 10.000 đồng/kg. Xã Chiềng Mung hiện có gần 700ha cà phê, sản lượng quả cho thu hoạch khoảng 7.000 tấn/năm, giá trị ước đạt 70 tỷ đồng. Hiện bà con đang tập trung tận thu các trái cà phê chín cuối cùng trong năm.
Gia đình anh Thiên trồng 2ha cà phê từ năm 2000. Năm nay, gia đình anh thu được khoảng 20 tấn quả, trừ chi phí lãi 120 triệu đồng. Bên cạnh trồng cà phê, anh Thiên còn gieo cấy 0,3ha lúa, đủ gạo ăn cho cả gia đình và chăn nuôi một số lợn, gà. Nhờ vậy, đời sống của gia đình anh ngày càng sung túc, luôn có “bát ăn, bát để”.
Đáng chú ý, cây lúa ở Mai Sơn cho năng suất rất cao, vụ xuân có thể đạt 9 tấn/ha, vụ mùa khoảng 6 tấn/ha. Nguyên nhân lúa xuân ở Mai Sơn cho năng suất “khủng” bởi các chân ruộng đều nằm giữa 2 khe núi, dinh dưỡng đất và mùn bã hữu cơ từ các đồi rừng theo nước mưa dồn tụ hết xuống ruộng nên ít bón phân vẫn bội thu. Đặc biệt, biên độ nhiệt ngày – đêm ở đây chênh lệch rất lớn (trên 10 độ C) giúp cây lúa tăng khả năng tích luỹ chất khô vào hạt, cho năng suất cao vượt trội.
“Dù cây lúa cho năng suất rất cao nhưng hiệu quả sản xuất cây cà phê luôn cao gấp 5 lần canh tác lúa, do vậy gieo cấy lúa chỉ để lấy lương thực cho người và vật nuôi”, anh Thiên cho hay.
Với canh tác cà phê, anh Thiên cho biết do cà phê trồng trên đồi cao, xa sông suối, khó khoan giếng hay dẫn nước từ nơi khác tưới cho vườn cây nên đều nhờ vào “nước trời”, bón phân cũng cơ bản chỉ rải NPK xuống mặt đất dưới tán cây, lần một bón cuối tháng 4 – đầu tháng 5; lần hai vào tháng 6 – 7.
Tuy nhiên, các khâu kỹ thuật then chốt như đốn, tỉa và phòng trừ sâu bệnh trên cà phê vẫn luôn đảm bảo. Theo đó, kết thúc mùa vụ thu hoạch, phải đốn hạ thấp chiều cao cây tới vừa tầm tay hái quả; cắt hớt 15cm các đầu cành mọc ngang, phát triển khoẻ và loại bỏ hết các cành sâu bệnh, cành quá dày trong tán và các cành mọc bên dưới cách gốc cây chừng 20cm. Riêng với những cành già cỗi cắt để lại đoạn cành cách thân chính từ 20 – 25cm.
Để vườn cà phê cho năng suất quả quả cao và ổn định, định kỳ 3 năm phải đốn trẻ hoá tuổi sinh lý của cây (cắt bỏ toàn bộ cây tới cách gốc thân chính 30cm) và cũng chỉ 3 – 4 cây cắt đốn 1 cây (chọn đốn những cây cà phê già cỗi, năng suất thấp, bị sâu bệnh gây hại nặng).
Về dịch hại trên cây cà phê, cơ bản cần phòng trừ 2 đối tượng chính là rầy rệp và sâu đục thân, đục cành. Riêng sương muối hại cà phê, bà con chưa biết cách phòng trừ, hiện vẫn dùng biện pháp đốn trẻ hóa để lấy quả các năm sau.
Anh Thiên còn cho biết thêm, những xã trồng cà phê khu ngoài như Chiềng Mung, Chiềng Ban, Chiềng Ngần… nhiệt độ không khí cao hơn các địa phương vùng sâu nên cho thu hoạch sớm và dễ bán được giá cao hơn, song tỷ lệ hạt/quả thấp hơn đáng kể so với cà phê trồng tại các địa bàn thời tiết lạnh hơn.
Khác biệt trong sản xuất cà phê ở Tây Bắc nói chung, Sơn La nói riêng là ở giống cà phê ở đây là cà phê chè (Arabica), trong khi cà phê trồng tại phía Nam đa số là cà phê vối (Robusta). Cây cà phê chè trồng ở Sơn La không thu hoạch đồng loạt, quả chín hái trước, xanh đợi chín mới thu nên chất lượng cà phê ở đây rất cao và ổn định, luôn được thị trường châu Âu tin trường nhập khẩu.
Nguồn: nongnghiep.vn