Nhà cung cấp Lê Hoa, địa chỉ tại quận Tân Bình, TP.HCM vừa xuất khẩu lô hàng thịt gia cầm đông lạnh (Mã lô hàng: NPN.2024.01033) sang Bắc Ireland, theo Thông báo số 2024.7539 ngày 14/10 của nước này.
Tuy nhiên, điều này không được phép. Cục Thú y cho biết, giữa Việt Nam và các nước châu Âu chưa đạt được thỏa thuận về kiểm dịch xuất khẩu sản phẩm thịt gia cầm đông lạnh.
Do đó, Cục không cấp phép cho bất cứ lô hàng thịt gia cầm đông lạnh nào xuất khẩu đi các nước trong khối liên minh châu Âu. Việc cá nhân, tự ý xuất sản phẩm thịt gà đông lạnh từ Việt Nam sang Bắc Ireland là không đúng với quy định của pháp luật thú y Việt Nam và của nước nhập khẩu.
Ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, thông tin thêm, thực phẩm là động vật khi xuất khẩu vào EU cần có giấy chứng nhận kiểm dịch xuất khẩu do cơ quan quản lý của quốc gia xuất khẩu cấp (trong trường hợp này là Cục Thú y).
Vì vậy, doanh nghiệp trước khi xuất khẩu cần cập nhật mọi thông tin liên quan đến mặt hàng xuất khẩu, trước hết là vấn đề: Sản phẩm đó có được phép xuất khẩu hay không; Sau đó mới là hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ về chứng thư, kiểm dịch, mã HS cùng các quy định liên quan.
Cũng trong tháng này, thị trường EU tiếp tục cảnh báo về việc Công ty CP Lương thực Bình Minh xuất khẩu sản phẩm cà tím nước mắm tỏi ớt chứa thành phần cá cơm vào khối này. Phía EU cho biết, sản phẩm không được kiểm tra và cấp chứng thư an toàn thực phẩm bởi cơ quan thẩm quyền Việt Nam (trường hợp này là Cục Chất lượng Chế biến và Phát triển thị trường – NAFIQPM) trước khi xuất khẩu.
NAFIQPM phản hồi, Công ty Bình Minh hiện chưa nằm trong Danh sách cơ sở sản xuất, kinh doanh thủy sản và sản phẩm thủy sản dùng làm thực phẩm được phép xuất khẩu vào EU. Vì vậy, không đủ điều kiện xuất khẩu thủy sản và sản phẩm thủy sản dùng làm thực phẩm vào thị trường này.
Cục chia sẻ thêm về điều kiện nhập khẩu đối với lô hàng động vật và sản phẩm động vật dùng làm thực phẩm (bao gồm thủy sản và sản phẩm thủy sản) nhập khẩu từ nước thứ 3 vào EU.
Đó là: Có xuất xứ từ quốc gia, vùng lãnh thổ được EU công nhận hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm; Được sản xuất, kinh doanh từ cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong danh sách được EU công nhận; Lô hàng kèm theo chứng thư (chứng nhận an toàn thực phẩm) của NAFIQPM khi nhập khẩu vào EU.
Làm rõ hơn nội dung này, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam bày tỏ, sản phẩm cà tím nước mắm tỏi ớt của Công ty Bình Minh thuộc nhóm sản phẩm tổng hợp, theo Quy định (EC) 2022/2292 có hiệu lực từ ngày 15/12/2022. Trong thành phần của sản phẩm này có cá cơm (nguồn gốc động vật) đã qua chế biến; tỏi, ớt… (nguồn gốc thực vật) và làm thay đổi đặc tính của thành phần có nguồn gốc động vật.
Tất cả sản phẩm tổng hợp muốn xuất khẩu vào EU phải đảm bảo 2 yếu tố: Được sản xuất từ cơ sở được EU phê duyệt và đặt tại quốc gia được EU cho phép xuất khẩu. Việt Nam nằm trong nhóm được phép xuất khẩu sản phẩm tổng hợp có nguồn gốc thủy sản vào EU, nhưng doanh nghiệp trước khi xuất khẩu phải được EU cấp phép. Tình huống của Công ty Bình Minh phạm vào quy định thứ hai.
Đánh giá chung về cả 2 trường hợp, TS Ngô Xuân Nam nhận xét, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng này là do doanh nghiệp chưa tuân thủ các biện pháp an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh động thực vật (SPS) hoặc trình tự, thủ tục xuất, nhập khẩu nông sản thực phẩm.
“Hàng hóa không đáp ứng quy định có thể bị lưu kho tại cửa khẩu chờ xử lý, trả hàng, thu giữ hoặc tiêu hủy tùy theo quy định của từng thị trường. Việc này gây thiệt hại kinh tế cho doanh nghiệp, ảnh hưởng đến uy tín của nông sản Việt Nam”, ông Nam nhấn mạnh.
Để tránh rủi ro cho doanh nghiệp và ảnh hưởng đến uy tín của nông sản Việt Nam, ngày 15/11, Văn phòng SPS Việt Nam đã gửi Công văn số 542 tới Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) và các doanh nghiệp, hiệp hội xuất, nhập khẩu nông sản thực phẩm. Trong đó, nhấn mạnh mỗi thị trường sẽ có các quy định khác nhau về biện pháp SPS, cũng như các quy định liên quan.
Văn phòng đề nghị Cục thông báo rộng rãi đến khối doanh nghiệp về việc tuân thủ các biện pháp an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh động thực vật; thực hiện đúng các quy định về trình tự, thủ tục xuất, nhập khẩu.
Đối với doanh nghiệp, Văn phòng đề nghị cần “hiểu chắc, nắm rõ” mọi quy định liên quan đến danh mục sản phẩm được phép nhập khẩu; Quy định về an toàn thực phẩm (mức dư lượng tối đa thuốc BVTV đối với từng hoạt chất, từng sản phẩm cụ thể); Quy định về phụ gia thực phẩm, vật liệu bao gói, bao bì nhãn mác…
Phó Giám đốc Ngô Xuân Nam khuyến nghị doanh nghiệp trước khi xuất hoặc nhập khẩu nông sản thực phẩm cần tìm hiểu quy định tại các cơ quan quản lý nhà nước, hoặc Văn phòng SPS Việt Nam. Văn phòng cam kết giải đáp mọi thắc mắc, đảm bảo quyền lợi của doanh nghiệp theo đúng thông lệ quốc tế.
Nguồn: nongnghiep.vn