Kỳ vọng đà tăng của thị trường Hoa Kỳ
Bộ Công thương cho biết, kinh tế Hoa Kỳ tiếp tục khả quan trong giai đoạn đầu năm 2025, với hoạt động kinh tế của khu vực tư nhân mạnh hơn dự báo, chi tiêu của người tiêu dùng tiếp tục tăng sẽ hỗ trợ nền kinh tế.
Ước tính của S&P Global (công ty dẫn đầu thị trường trong lĩnh vực nghiên cứu rủi ro tín dụng), chỉ số PMI tổng hợp của Hoa Kỳ tháng 12/2024 tăng lên 56,6 từ mức 54,9 của tháng 11/2024. Chỉ số này cho thấy hoạt động khu vực tư nhân của Hoa Kỳ tăng mạnh nhất kể từ tháng 3/2022, với khu vực dịch vụ tăng mạnh bù đắp cho sự suy giảm của hoạt động sản xuất.
Chỉ số PMI lĩnh vực dịch vụ của Hoa Kỳ đã tăng lên 58,5 vào tháng 12/2024, từ mức 56,1 vào tháng 11/2024, trái ngược so với dự báo giảm xuống 55,7, là mức tăng trưởng mạnh nhất kể từ tháng 10/2021.
Ngược lại, chỉ số PMI lĩnh vực sản xuất giảm xuống 48,3 vào tháng 12/2024 từ mức 49,7 của tháng trước, thấp hơn so với mức dự báo 48,9 và là tháng thứ 6 liên tiếp hoạt động sản xuất tại Hoa Kỳ giảm.
Ông Đỗ Ngọc Hưng, Tham tán thương mại Việt Nam tại Hoa Kỳ nhận định, với vị thế đối tác thương mại lớn thứ 8 của quốc gia này trên toàn cầu và lớn nhất trong khu vực ASEAN, Việt Nam sẽ có cơ hội để mở rộng hoạt động tại nền kinh tế lớn nhất thế giới này, ít nhất là nửa đầu năm 2025.
Hàng hóa Việt Nam chỉ mang tính chất bổ trợ chứ không trực tiếp cạnh tranh với hàng hóa sản xuất trong nước của Hoa Kỳ, là điều kiện phù hợp để người tiêu dùng Hoa Kỳ tiếp cận hàng hóa Việt Nam với chất lượng và mẫu mã ngày càng được cải thiện và giá cả cạnh tranh.
Ngoài việc thị trường bán buôn, bán lẻ tại Hoa Kỳ tiếp tục tăng, một yếu tố nữa khuyến khích doanh nghiệp Việt đẩy mạnh xuất khẩu là lượng hàng tồn kho tại Hoa Kỳ vẫn trên đà giảm mạnh từ những tháng cuối năm 2024. Nhiều mặt hàng trong số đó lại là thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam.
“Trong các buổi làm việc với cơ quan đại diện ngoại giao, các tập đoàn bán lẻ của Hoa Kỳ đều khẳng định Việt Nam là một đối tác chiến lược lâu dài”, ông Hưng chia sẻ.
Dự kiến trong quý I/2025, Walmart – Tập đoàn bán lẻ lớn nhất thế giới – sẽ phối hợp Bộ Công thương để tổ chức phổ biến thông tin cho 150 – 200 nhà bán buôn, bán lẻ Việt Nam, nhằm thúc đẩy đưa sản phẩm lên hệ thống phân phối và sàn giao dịch điện tử của Walmart. Hằng năm, Walmart tiêu thụ khoảng 2 tỷ USD các sản phẩm được Việt Nam xuất khẩu sang thị trường nước ngoài.
Có nhiều thời cơ trong giai đoạn đầu năm, nhưng Tham tán thương mại Việt Nam tại Hoa Kỳ lưu ý khối doanh nghiệp nhỏ và vừa cẩn trọng với các biện pháp phòng vệ thương mại của Hoa Kỳ.
Cùng với đó, nếu trong trường hợp các doanh nghiệp Việt Nam không đủ nguồn lực, có thể làm việc trực tiếp với cơ quan đại diện ngoại giao để xác minh thông tin pháp lý và điều kiện tài chính của các đối tác nước ngoài trước khi thực hiện giao dịch.
“Muốn tham gia thị trường nước ngoài, doanh nghiệp nên quan tâm phát triển sự hiện diện trên các nền tảng thương mại điện tử như Walmart hay Amazon. Duy trì các kênh phân phối ở thị trường trung gian, tham gia hội chợ triển lãm quốc tế thông qua các chương trình xúc tiến thương mại”, ông Hưng nói.
Trong cuộc họp tháng 12/2024, Cục Dự trữ Liên bang (FED) quyết định giảm thêm 25 điểm cơ bản đối với lãi suất quỹ liên bang, lần cắt giảm thứ ba liên tiếp trong năm 2024, đưa lãi suất cho vay xuống 4,25 – 4,5%.
Tuy nhiên, sang năm 2025, FED đưa ra một số tín hiệu về nới lỏng tiền tệ, đồng thời điều chỉnh tăng dự báo tăng trưởng GDP năm 2025 lên 2,1% so với 2%, lạm phát tăng lên 2,5% so với mức 2,1%. Đây là cơ sở để doanh nghiệp Việt tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này.
Tác động lớn đến đồ gỗ nội thất, mỹ nghệ
Một cuộc khảo sát gần đây do Furniture Today thực hiện vào tháng 12/2024 cho thấy, mức thuế mà Tổng thống đắc cử Donald Trump đề xuất sẽ tác động đáng kể đến ngành công nghiệp đồ nội thất. Gần một nửa số người tham gia (46%) tin rằng mức thuế 25% được đề xuất đối với hàng hóa từ Canada và Mexico, cùng với mức thuế 10% đối với các sản phẩm của Trung Quốc.
Hậu quả của các mức thuế quan này sẽ là giá cả tăng đối với người tiêu dùng (87%) và trong chuỗi cung ứng (83%). Những người trả lời cũng lưu ý một số thách thức tiềm ẩn khác, bao gồm lạm phát (71%), chuyển dịch sản xuất sang các quốc gia khác (68%), thuế quan trả đũa đối với hàng xuất khẩu của Hoa Kỳ (56%), tình trạng thiếu hụt sản phẩm (44%) và mất việc làm ở các quốc gia mục tiêu (43%).
Đặc biệt, gần một nửa (45%) số người được hỏi dự đoán rằng doanh số bán đồ nội thất của Mỹ sẽ giảm trong năm tới do thuế quan.
Để giảm thiểu tác động, các công ty sản xuất đồ nội thất Hoa Kỳ dự báo có thể tăng giá bán, điều chỉnh nguồn cung ứng quốc tế, thúc đẩy sản xuất trong nước, tích trữ hàng tồn kho trước khi thuế quan có hiệu lực.
Trên cơ sở đó, các quốc gia có nguồn cung ứng thay thế tiềm năng đã được đề cập bao gồm Việt Nam, Ấn Độ, Brazil và các quốc gia châu Âu có thuế quan thấp hoặc không có thuế quan.
Cũng trong năm 2025, ngành gỗ Việt Nam sẽ có thêm động lực từ sự thay đổi trong thói quen tiêu dùng của người dân Hoa Kỳ. Với xu hướng chuyển dịch mạnh mẽ sang các sản phẩm bền vững, tái chế và thân thiện với môi trường, đồ gỗ mỹ nghệ Việt Nam đang chiếm lĩnh thị trường nền kinh tế hàng đầu thế giới nhờ vào chất lượng vượt trội và tính bền vững của sản phẩm. Điều này tạo ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu.
Những sản phẩm gỗ mỹ nghệ của Việt Nam hiện có mặt tại nhiều chuỗi cửa hàng lớn tại Hoa Kỳ, từ các siêu thị đến các cửa hàng nội thất cao cấp. Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ (Bộ Công thương) tin tưởng, Việt Nam sẽ tiếp tục là điểm đến hấp dẫn cho các nhà sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ, trong đó có nhóm xuất khẩu sang Hoa Kỳ.
Các doanh nghiệp có thể tận dụng chi phí lao động thấp và nguồn nguyên liệu phong phú để sản xuất các mặt hàng chất lượng cao, giá thành cạnh tranh. Điều này tạo ra lợi thế không nhỏ khi cạnh tranh với các quốc gia khác trong khu vực như Trung Quốc hay Ấn Độ, nơi cũng có sự hiện diện mạnh mẽ trong ngành này.
Nguồn: nongnghiep.vn