Chiếm lấy thị trường Trung Quốc bằng chất lượng và thương hiệu
Tham gia mở cửa thị trường Trung Quốc với các sản phẩm sầu riêng, dừa, chanh dây… và tới đây sẽ là bưởi da xanh, bà Ngô Tường Vy – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu chia sẻ: Với thị trường Trung Quốc, con đường duy nhất là xây dựng chất lượng và thương hiệu sản phẩm, như vậy mới có thể làm ăn lâu dài và bền vững.
Trước tiên tôi muốn nói về câu chuyện tư duy đối với thị trường Trung Quốc. Có thể thấy rằng đến bây giờ đa phần người Việt Nam mình đã nhìn nhận thị trường Trung Quốc bằng tư duy rất rất khác so với thời gian trước. Từ tiềm năng, lợi thế đến tiêu chuẩn chất lượng và chiến lược hợp tác lâu dài, bền vững… Chúng ta hiểu thị trường hơn để thay đổi tư duy và hoàn thiện tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, từ đó nâng cao giá trị, thương hiệu nông sản Việt Nam.
Bộ Công thương và Bộ NN-PTNT phối hợp tổ chức Lễ hội trái cây Việt Nam tại thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc từ 29-30/9 với chủ đề “Trái cây Việt Nam – Bốn mùa thơm ngon”.
Lấy ví dụ về trái sầu riêng chẳng hạn. Chỉ một vài năm trước, nhắc đến sầu riêng là người tiêu dùng chỉ nghĩ đến Thái Lan, Malaysia… Thậm chí cả một thời gian dài sầu riêng của chúng ta chấp nhận việc đi đường tiểu ngạch hoặc “đi đường vòng” qua Thái Lan để có thể tiếp cận thị trường Trung Quốc. Điều đó dẫn đến rất nhiều hệ lụy là chúng ta buộc phải chấp nhận giảm giá trị, giảm thương hiệu sản phẩm và chịu rất nhiều sự thiệt thòi để có thể bán được sản phẩm sầu riêng vào thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, kể từ khi được phép xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc đã mở ra cơ hội rất lớn và giúp sầu sầu riêng Việt Nam thực sự bùng nổ tại thị trường này.
Mùa vụ năm nay, những phản hồi của đối tác khách hàng, phản hồi của người tiêu dùng từ thị trường Trung Quốc cho thấy: Chất lượng đến mẫu mã sản phẩm của sầu riêng Việt Nam hiện không hề thua kém sản phẩm của Thái Lan. Một số thương hiệu tốt của chúng ta đã có thể bán với giá ngang bằng và thậm chí được người tiêu dùng đánh giá có nhiều lợi thế vượt trội hơn so với người Thái, điều mà trước đây chưa bao giờ dám nghĩ đến.
Tại Tây Nguyên, mặc dù trùng với mùa vụ của sầu riêng ở miền Nam Thái Lan nhưng tại thị trường Trung Quốc, sản phẩm của chúng ta chiếm thị phần gấp đôi so với sầu riêng của Thái Lan. Người tiêu dùng Trung Quốc biết đến và tin dùng, ưa chuộng sản phẩm của Việt Nam nhiều hơn. Đó là những tín hiệu tích cực, khẳng định chất lượng và thương hiệu của sầu riêng nói riêng và nông sản nói chung của Việt Nam ở thị trường Trung Quốc, mở ra con đường thênh thang cho nông sản Việt ở thị trường tỷ dân. Với những lợi thế về điều kiện tự nhiên, đất đai, khí hậu và sự cần cù của người nông dân, ứng dụng khoa học để rải vụ đã giúp sầu riêng Việt Nam vượt Thái Lan về lợi thế cạnh tranh.
Tương tự các sản phẩm nông sản khác như dừa, chanh dây hay câu chuyện bưởi da xanh mà Chánh Thu đang chờ đợi để xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc đã dần khẳng định, nếu chúng ta làm tốt câu chuyện chất lượng và thương hiệu, nông sản Việt Nam có thể cạnh tranh với bất kỳ ai, ở bất cứ thị trường nào.
Nói cách khác, chất lượng và thương hiệu sẽ là con đường bắt buộc, nhất là khi chúng ta đã thay đổi tư duy “thị trường Trung Quốc dễ tính”, “thị trường tầm trung giá rẻ” ngày trước thành thị trường cực kỳ tiềm năng đối với nông sản Việt, đặc biệt là những sản phẩm chất lượng cao, có thể mang lại giá trị kinh tế cao.
Xuất phát từ thực tiễn lăn lộn, nghiên cứu thị trường Trung Quốc, tôi cho rằng, Trung Quốc mới chính là thị trường tiềm năng nhất để tiêu thụ sản phẩm nông sản chất lượng cao của Việt Nam. Nếu so sánh xu thế tiêu dùng của thị trường Trung Quốc với thị trường Mỹ, thị trường châu Âu có thể thấy rõ người tiêu dùng Trung Quốc sẵn sàng chi rất nhiều tiền đối với những sản phẩm mà họ đã trải nghiệm và tin dùng. Nói không ngoa, có nhiều sản phẩm nông sản chất lượng cao chỉ riêng thị trường Trung Quốc mới có thể đáp ứng được vấn đề tiêu thụ chứ không phải là châu Âu hay Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc…
Tiếp tục lấy ví dụ với sản phẩm sầu riêng. Tại thị trường Trung Quốc những sản phẩm chất lượng cao và đã khẳng định được thương hiệu của Việt Nam hay Thái Lan đều có thể bán với giá rất cao so với sản phẩm thông thường.
Điều đó cho thấy xu thế tiêu dùng của người Trung Quốc chỉ quan tâm đến chất lượng và thương hiệu. Nói cách khác chất lượng và thương hiệu là 2 yếu tố quan trọng nhất, những yếu tố đã ăn sâu vào tâm thức của người tiêu dùng Trung Quốc rồi thì họ chỉ sử dụng sản phẩm đó mà thôi.
Chính vì vậy, tôi cho rằng bài học của sầu riêng nói riêng và nông sản Việt Nam nói chung ở thị trường Trung Quốc luôn luôn là câu chuyện xây dựng chất lượng và thương hiệu. Chiến lược của Chánh Thu ở thị trường này cũng tập trung vào hai yếu tố đó. Xây dựng chuỗi liên kết, cùng nhau hợp tác, kết nối với cộng đồng doanh nghiệp để xây dựng thương hiệu quốc gia cho nông sản Việt, để làm sao vị thế của nông sản Việt Nam là số 1 ở thị trường đất nước láng giềng.
Trước mắt chúng tôi tập trung câu chuyện lợi thế nhất, giá trị cao nhất là sầu riêng. Phải làm sao để ngày càng có nhiều người Trung Quốc biết đến thương hiệu sầu riêng Việt Nam, hình thành thói quen tiêu dùng tại thị trường này là sầu riêng Việt Nam rất ngon, lựa chọn số 1 của người dân Trung Quốc là sầu riêng Việt Nam chứ không phải kỳ đất nước nào khác. Nó giống như cái cách người Việt Nam đang ăn táo Trung Quốc, táo Mỹ vậy, chúng ta buộc phải chiếm lấy niềm tin và sự ưa chuộng người tiêu dùng Trung Quốc đối với nông sản của chúng ta, bằng chất lượng và thương hiệu sản phẩm.
Xa hơn nữa, với câu chuyện chung đối với các mặt hàng khác của nông sản Việt. Theo tôi chúng ta cần xác lập và đi sâu hơn nữa vào những sản phẩm mục tiêu hơn là việc cái gì mình cũng làm, sản phẩm nào cũng xuất khẩu cho dù có thể sản phẩm đó không mang lại giá trị kinh tế cao. Cần một chiến lược định hướng rõ ràng, có sự sàng lọc sản phẩm mục tiêu mang nhiều lợi thế cạnh tranh mới có thể đảm bảo hài hoà lợi ích của tất cả các khâu trong chuỗi sản xuất một cách thực sự lâu dài và bền vững.
Thứ hai, cần đặc biệt chú trọng đến vai trò của quản lý nhà nước trong vấn đề chất lượng nông sản. Thực tế hiện nay, mặc dù thời gian qua đã có nhiều sự cải thiện, tuy nhiên ở đâu đó nông sản của chúng ta vẫn còn tư duy ăn xổi ở thì, còn nhiều người vì hám lợi ích trước mắt mà gây ảnh hưởng đến chất lượng, hình ảnh nông sản Việt Nam. Đã có quá nhiều bài học, quá nhiều sự trả giá từ lối tư duy làm ăn theo kiểu chộp giật như thế. Có lẽ đã đến lúc các cơ quan quản lý cần có chế tài đủ mạnh để quản lý chất lượng nông sản Việt. Chúng ta tuyên truyền vận động, kêu gọi sự thay đổi ý thức, thay đổi tư duy như thế theo tôi đã đủ rồi, bây giờ cần phải có quy định của pháp luật về câu chuyện chất lượng nông sản Việt Nam.
Nhìn sang Thái Lan hay một số cường quốc xuất khẩu nông sản, chính chế tài và quy định của pháp luật giống như những “cây gậy” làm nên tiêu chuẩn nông sản chất lượng cao của họ. Quy định pháp luật là “sợi dây” xuyên suốt trong chuỗi liên kết bền vững, tất cả các khâu đều có quyền lợi đi kèm với nghĩa vụ rõ ràng. Cần có cơ chế ràng buộc, pháp lý chặt chẽ để hướng đến mục tiêu cao nhất là nâng cao chất lượng sản phẩm. Nhất là đối với câu chuyện sầu riêng. Tôi cho rằng với sự bùng nổ như hiện tại, trong vòng 3 năm tới sản lượng sầu riêng Việt Nam sẽ tăng lên gấp đôi, giá trị kim ngạch xuất khẩu sẽ tăng lên gấp nhiều lần, sẽ rất cần giải pháp cụ thể, cần sự quản lý nghiêm ngặt hơn từ phía nhà nước.
Cuối cùng là câu chuyện xây dựng thương hiệu quốc gia, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam thông qua hình ảnh nông sản Việt Nam. Không chỉ ở lễ hội tại Bắc Kinh lần này, mà còn nhiều nơi, nhiều thị trường khác nữa. Cần phải có Chiến lược quốc gia về nghiên cứu thị trường cho nông sản Việt. Trong đó đặc biệt nhấn mạnh vai trò nghiên cứu, khảo sát, định hướng của các cơ quan đại sứ, tham tán, thương vụ…, và cả cộng đồng người Việt ở các quốc gia. Kết hợp giữa chất lượng sản phẩm và sự chung tay của cộng đồng, tôi tin tưởng rằng câu chuyện thương hiệu quốc gia cho nông sản Việt sẽ thành công.
Lợi thế lớn nhất của thị trường Trung Quốc
Trao đổi với Báo Nông nghiệp Việt Nam, ông Nguyễn Thanh Tùng – Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu thực phẩm Đồng Giao (DOVECO) nhận định: Trung Quốc là nước lớn, có dân số đông, phong tục tập quán khá tương đồng Việt Nam, có nhu cầu tiêu thụ sản phẩm đa dạng với số lượng lớn, đặc biệt là các mặt hàng nông sản thực phẩm. Do đặc điểm địa lý nên một số vùng có nhiều loại cây trồng không thể có như ở Việt Nam, hoặc nếu có thì không đáp ứng được nhu cầu rất cao trong nước.
“Đó là cơ hội cực kỳ lớn của nông sản Việt Nam ở thị trường này”, ông Nguyễn Thanh Tùng khẳng định.
Trước hết nói về tiềm năng, lợi thế của thị trường Trung Quốc, rõ ràng nhất là vị trí địa lý của hai quốc gia láng giềng, thuận lợi giúp logistics ổn định, chi phí vận tải không bị tác động mạnh từ chiến sự ở Đông Âu, Trung Đông và đặc biệt là các sự vụ tại khu vực biển Đỏ qua kênh đào Suez.
Vấn đề vận chuyển hàng hóa sang thị trường Trung Quốc nhanh chóng, thời gian thường chỉ 7 – 10 ngày so với đi các cảng chính ở châu Âu phải mất 40 – 45 ngày. Do đó khách hàng từ Trung Quốc cũng sẽ thanh toán nhanh hơn, tạo lợi thế cho doanh nghiệp quay vòng sản xuất nhanh chóng và số lượng nhiều hơn.
Thực tế ở thời điểm hiện tại Việt Nam đã vượt Philipiné để trở thành quốc gia đứng đầu về xuất khẩu chuối tươi sang Trung Quốc, tăng khoảng 22% so với cùng kỳ năm 2023. Điều đó cho thấy nhu cầu chuối tươi và các sản phẩm nông sản khác của thị trường Trung Quốc dự kiến tiếp tục duy trì ở mức cao, đây cơ hội tốt cho các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản.
Thứ hai, về bài học ở thị trường Trung Quốc, thực tiễn của DOVECO cho thấy quan niệm trước đây cho rằng Trung Quốc là thị trường dễ tính giờ đây đã không còn phù hợp nữa. Để xuất khẩu nông sản nói riêng và hàng hoá sang Trung Quốc nói chung thì vấn đề chất lượng sản phẩm phải đảm bảo, phải đáp ứng được những yêu cầu khắt khe từ cơ quan kiểm tra, đối tác khách hàng đến người tiêu dùng. Chính vì lẽ đó, chiến lược của DOVECO cũng phải thay đổi.
Trước đây chúng tôi tập trung xuất khẩu sang các nước EU, Mỹ, Nhật Bản… Tuy nhiên những năm gần đây, nhận thấy Trung Quốc là thị trường rất tiềm năng và có lợi thế lớn hơn nhiều so với các thị trường khác cho nên DOVECO đã tập trung khai thác thị trường và lượng khách hàng Trung Quốc ngày càng tăng cả về số lượng lẫn giá trị.
Để đáp ứng nhu cầu sản phẩm nông sản của thị trường Trung Quốc, DOVECO đã mở thêm các nhà máy ở các vùng miền nhằm phát huy lợi thế đặc trưng, sản xuất và chế biến đa dạng các loại nông sản đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường nước bạn.
Ông Nguyễn Thanh Tùng – Phó Tổng Giám đốc DOVECO cho biết: DOVECO đang xuất khẩu các sản phẩm chanh dây đông lạnh, dứa, chuối tươi sang thị trường Trung Quốc. Chúng tôi tin tưởng với nỗ lực mở cửa thị trường, với truyền thống quan hệ tốt đẹp giữa hai quốc gia, ngày càng có nhiều sản phẩm nông sản Việt Nam được tin yêu tại thị trường Trung Quốc. Với DOVECO, chúng tôi luôn đánh giá Trung Quốc là thị trường chiến lược, có nhiều lợi thế nhất và chắc chắn sẽ ngày càng mở rộng xuất khẩu sản phẩm nông sản sang thị trường này.
Nguồn: nongnghiep.vn