Mô hình liên kết chăn nuôi gà thịt gắn với tiêu thụ sản phẩm thuộc dự án khuyến nông trung ương do Trung tâm Khuyến nông Bình Định thực hiện trong 2 năm 2023 và 2024 tại huyện Hoài Ân.
Hộ tham gia mô hình được hỗ trợ 50% chi phí con giống, vật tư, vacxin, thuốc thú y, chế phẩm sinh học; đồng thời được hướng dẫn kỹ thuật và liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.
Sau thời gian chăn nuôi đúng quy trình, toàn bộ gà thịt trong mô hình được HTX Nông nghiệp Thanh niên Hoài Ân thu mua để giết mổ, đóng gói, cung ứng cho thị trường qua các kênh nhà hàng, quán ăn, cửa hàng thực phẩm sạch…
Ngoài ra, dự án còn hỗ trợ 10.000 bao bì, nhãn mác cho HTX Nông nghiệp Thanh niên Hoài Ân (HTX đối ứng 40%) để thực hiện đóng gói, bảo quản sau giết mổ.
Theo bà Lê Thị Dư, Phó Giám đốc HTX Nông nghiệp Thanh niên Hoài Ân, những năm qua, được sự hỗ trợ của UBND huyện Hoài Ân, HTX đã đưa vào hoạt động Trung tâm trưng bày, giới thiệu các sản phẩm chủ lực của huyện nhằm quảng bá, giới thiệu và bán các sản phẩm nông nghiệp của địa phương, đây là tiền đề để HTX Nông nghiệp Thanh niên Hoài Ân mạnh dạn đầu tư các trang thiết bị, máy móc, bao bì nhãn mác nhằm nâng cao gia trị các sản phẩm của huyện nhà.
Ông Nguyễn Thanh Vương, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Hoài Ân đánh giá, mô hình liên kết đã tạo ra sự chuyển biến trong nhận thức của các hộ chăn nuôi về an toàn dịch bệnh, vệ sinh thú y, bảo vệ môi trường và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Việc liên kết tiêu thụ sản phẩm của mô hình từ khâu giết mổ, đóng gói, bảo quản và đưa sản phẩm ra thị trường tiêu thụ giúp người chăn nuôi yên tâm sản xuất.
Ông Thái Thành Việt, thành viên HTX Nông nghiệp Thanh niên Hoài Ân cho biết: Năm 2023, HTX đã ký hợp đồng thu mua với các hộ dân tham gia mô hình khoảng 16 tấn gà thịt và trong 6 tháng đầu năm 2024 đã thu mua thêm 5 tấn với giá cao hơn thị trường 5.000đ/kg.
“HTX liên kết với cơ sở giết mổ gia cầm trên địa bàn, có sự kiểm soát của ngành thú y địa phương trong quá trình giết mổ, đóng bao bì, hút chân không, gắn nhãn mác, mã QR rồi cung ứng cho người tiêu dùng trong tỉnh. Đến thời điểm hiện tại, HTX đã bao tiêu được khoảng 21 tấn gà thịt. Thời gian tới, HTX sẽ tiếp tục đồng hành liên kết với bà con trong tiêu thụ sản phẩm, tạo đầu ra ổn định”, ông Việt chia sẻ.
Trong tháng 7/2024 vừa qua, Trung tâm Khuyến nông Bình Định tiếp tục xây dựng mối liên kết tiêu thụ gà thịt với Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng CP (thành phố Quy Nhơn). Theo hợp đồng, doanh nghiệp này sẽ liên kết tiêu thụ gà của 9 hộ chăn nuôi gà thả đồi ở các huyện Hoài Ân, Vĩnh Thạnh, Tây Sơn, Phù Mỹ và thị xã Hoài Nhơn trong 2 năm 2024 và 2025. Công ty sẽ thu mua khoảng 80.000 con gà/năm với giá ổn định 100.000 đồng/kg.
“Người chăn nuôi trong chuỗi liên kết phải tuân thủ theo đúng quy trình kỹ thuật đã được ký kết trong hợp đồng như về con giống, thời gian nuôi, thức ăn tự nhiên, thực hiện đúng các biện pháp an toàn sinh học, đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường”, ông Võ Vinh Ca, Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng CP chia sẻ.
Năm 2024, Trung tâm Khuyến nông Bình Định tiếp tục triển khai mô hình liên kết để có cơ sở đánh giá hiệu quả của mô hình và nhân rộng ra nhiều địa phương theo hướng bền vững, nâng cao giá trị sản phẩm, đem lại thu nhập ổn định cho người chăn nuôi.
Nguồn: nongnghiep.vn