Bảo đảm nguồn nước cho vụ lúa duy nhất trong năm
Xã Khun Há của huyện Tam Đường (Lai Châu) chủ yếu là đồi núi, địa hình chia cắt bởi các dãy núi. Chính vì thế diện tích canh tác của người dân không tập trung và gặp nhiều khó khăn khi cấy trên những thửa ruộng có độ dốc lớn. Thời tiết nơi đây cũng phân chia thành mùa mưa và mùa khô rõ rệt.
Chuẩn bị cho vụ cấy duy nhất trong năm, hệ thống kênh mương thủy lợi trên địa bàn xã bắt đầu được rà soát, nạo vét, đảm bảo nước tưới cho bà con. Từ tháng 4 khi bắt đầu mùa mưa, người dân sẽ gieo mạ, canh tác, đến tháng 9 thì lúa đến kỳ thu hoạch.
Gia đình ông Vàng A Lùng ở bản Ma Seo Phìn, xã Khun Há mỗi năm chỉ canh tác một vụ nhưng có sản lượng lúa thu về nhiều nhất xã này, gần 200 bao thóc.
“Mùa này không có mưa đâu, mưa mới có nước chứ. Khi đó, bà con mới canh tác, cấy lúa được. Trước đây, cấy lúa khó khăn lắm nhưng giờ nước ở các khe, suối theo kênh dẫn được đưa về tận ruộng. Ở đây, bà con chỉ làm một vụ từ tháng 4 đến tháng 9 cũng đủ ăn rồi, dư giả thì đem bán ngoài chợ. Ngoài cây lúa, nhiều hộ còn trồng chè để có thêm thu nhập, không để ruộng đất hoang hóa”, ông Vàng A Lùng nói.
Trước đây, trên địa bàn xã Khun Há thí điểm trồng lúa 2 vụ. Tuy nhiên, sản lượng thu hoạch không đạt do phụ thuộc vào nguồn nước, thời tiết khắc nghiệt, chưa chọn được giống lúa phù hợp, trình độ canh tác của bà con còn hạn chế… nên không triển khai diện rộng.
Để đảm bảo mùa vụ cho bà con, UBND xã đã chỉ đạo kiểm tra, hướng dẫn quản lý, khai thác các công trình thủy lợi, nước sinh hoạt trên địa bàn; lập kế hoạch sửa chữa các công trình bị hư hỏng đảm bảo nước tưới cho sản xuất, nước sinh hoạt cho nhân dân.
“Đối với nguồn vốn thuộc chương trình hỗ trợ sản phẩm, dịch vụ thủy lợi, UBND xã đã xây dựng dự toán chi tiết kinh phí và giao cho HTX Đại Phương quản lý và vận hành các công trình thủy lợi. Nhờ đó, các công trình thủy lợi bản Nậm Pha, Thèn Thầu, Sin Chải được bảo trì, đổ bê tông lót đáy kênh với tổng kinh phí nhà nước hỗ trợ 120 triệu đồng… Nhờ đó, năm 2024, xã đạt mục tiêu gieo trồng cây có hạt là 809ha; tổng sản lượng lương thực đạt 3.986 tấn; bình quân đầu người 850kg”, ông Cứ A Sở, Chủ tịch UBND xã Khun Há (huyện Tam Đường, Lai Châu) cho biết.
Ưu tiên nguồn vốn sửa chữa các công trình thủy lợi cấp thiết
Hiện nay, huyện Tam Đường quản lý 134 công trình thủy lợi với 226km kênh mương, trong đó kênh kiên cố dài 132km, kênh đất 94km. Các công trình này phục vụ hơn 1.600ha lúa vụ mùa và 139ha lúa vụ chiêm, 195ha hoa màu và 78ha thủy sản.
“UBND huyện đã chỉ đạo thành lập được 10 hợp tác xã, 7 tổ hợp tác tại các xã, thị trấn. 100% hợp tác xã, tổ hợp tác đã ban hành quy chế hoạt động; xây dựng kế hoạch phân công giao nhiệm vụ cụ thể để bảo vệ, vận hành, khai thác. Khi triển khai thực hiện được nhân dân đồng tình ủng hộ, góp nhiều ngày công lao động để xây dựng, sửa chữa, nâng cấp công trình phục vụ cộng đồng xã, thôn bản”, ông Phong Vĩnh Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Tam Đường cho biết.
Tuy nhiên, hầu hết các đơn vị quản lý thủy lợi chưa được đào tạo chuyên môn về công tác quản lý và vận hành công trình thủy lợi nên khi thực hiện đạt hiệu quả chưa cao. Cùng với đó diễn biến của thời tiết bất thường, mưa lũ thường xuyên xảy ra, gây sạt lở đất làm bồi lấp và hư hỏng các công trình thủy lợi.
Qua đó, UBND huyện Tam Đường đề nghị UBND tỉnh Lai Châu được ưu tiên nguồn vốn duy tu, sửa chữa các công trình thủy lợi, nước sinh hoạt hàng năm để kịp thời khắc phục các công trình bị hư hỏng, xuống cấp theo hướng tập trung, ưu tiên các công trình cấp thiết mà nhân dân không thể khắc phục được; tập huấn quản lý, vận hành các công trình thủy lợi, nước sinh hoạt cho các hợp tác xã, tổ hợp tác để phát huy hiệu quả các công trình.
Nguồn: nongnghiep.vn