Nhân rộng mô hình nông nghiệp công nghệ cao
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai, giai đoạn 2021-2023, toàn tỉnh có 16 dự án đầu tư vào nông nghiệp với tổng mức đầu tư hơn 1,3 ngàn tỷ đồng. Trong đó có 12 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký đầu tư gần 962,3 tỷ đồng; 4 dự án FDI với tổng vốn đăng ký gần 14 triệu USD. Tiêu biểu như dự án Nhà máy chiếu xạ và Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng phát triển công nghệ bức xạ tại KCN công nghệ cao Long Thành (huyện Long Thành) với quy mô chiếu xạ 100 ngàn tấn sản phẩm/năm, tổng mức đầu tư 650 tỷ đồng.
Trên toàn tỉnh Đồng Nai hiện có khoảng 2.000 doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp, tăng 335 DN, cơ sở so với năm 2021. Trong đó, các DN, cơ sở chủ yếu tập trung vào lĩnh vực sản xuất phân bón, thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản, sản xuất giống cây trồng, vật nuôi. Với nhiều lợi thế về vùng nguyên liệu, vùng chuyên canh nên trong thời gian qua, địa phương này đang tập trung thu hút DN đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao (CNC), nông nghiệp sạch gắn với xây dựng chuỗi liên kết bền vững từ sản xuất đến sơ chế, chế biến và tiêu thụ.
Thực tế, phong trào đầu tư nông nghiệp CNC không chỉ thu hút các DN, chủ trang trại lớn mà nhiều hộ nông dân sản xuất nhỏ lẻ cũng đã chuyển đổi từ sản xuất truyền thống sang ứng dụng CNC đem lại hiệu quả kinh tế cao. Hơn nữa, việc ứng dụng CNC vào tất cả các lĩnh vực nông nghiệp đã góp phần tiết kiệm chi phí sản xuất, tăng năng suất, hạ giá thành và nâng cao chất lượng nông sản, bảo vệ môi trường. Do đó, nhiều mô hình trên địa bàn đang được nhân rộng, hình thành các tổ hợp tác, HTX nông nghiệp CNC theo chuỗi liên kết bền vững.
HTX Thương mại dịch vụ nông nghiệp Xuân Tiến (huyện Xuân Lộc) đóng vai trò cầu nối liên kết nông dân xây dựng cánh đồng lớn trồng bắp và các giống lúa đặc sản cho giá trị cao, đồng thời cung cấp vật tư nông nghiệp cho xã viên và bà con nông dân tại địa phương; đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất, chế biến. “Nông dân trong hợp tác xã đã chủ động ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng. Chính vì thế sản phẩm gạo đặc sản trồng theo quy trình sạch của chúng tôi đang bán ra với giá cao hơn mặt bằng chung ngoài thị trường, đảm bảo đầu ra ổn định và lợi nhuận tốt cho xã viên”, ông Trần Quang, Giám đốc HTX chia sẻ.
Loại hình công nghệ cao được ứng dụng nhiều hiện nay là tưới tự động, bán tự động; áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP); sản xuất trong nhà lưới, nhà màng; trồng cây trên giá thể; công nghệ chuồng lạnh kết hợp chăn nuôi bán tự động và công nghệ nuôi tôm siêu thâm canh.
Là “thủ phủ” chăn nuôi của cả nước, Đồng Nai đã sớm định hướng phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp hiện đại. Heo và gà là 2 vật nuôi chủ lực, được chăn nuôi theo quy mô trang trại chiếm khoảng 90%. Công nghệ máy móc tự động chủ yếu được ứng dụng trong lĩnh vực chăn nuôi, sử dụng để vệ sinh, sát trùng chuồng trại, hệ thống cho ăn bán tự động, uống tự động, làm mát chuồng, ấp trứng, bảo quản và vận chuyển.
Các doanh nghiệp, trang trại chăn nuôi trên địa bàn đi đầu trong ứng dụng CNC có 442 trang trại (chiếm khoảng 21% tổng số trang trại) sử dụng chuồng lạnh, chuồng kín. Trong đó, nhiều trang trại chăn nuôi đầu tư sử dụng công nghệ hiện đại hàng đầu của thế giới.
Giám đốc HTX Nông nghiệp CNC Long Thành Phát (huyện Long Thành) Lê Văn Quyết cho hay, HTX đã đi đầu ứng dụng CNC xây dựng chuỗi chăn nuôi gà theo chuẩn xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Trong chuỗi liên kết có nhiều thành viên gồm DN cung cấp con giống, thức ăn chăn nuôi, DN chế biến, xuất khẩu và các chủ trang trại chăn nuôi. Nhờ xây dựng được chuỗi liên kết, đầu ra của sản phẩm được bao tiêu với giá tốt nên thu nhập của người chăn nuôi luôn ổn định.
Tạo mọi điều kiện thu hút đầu tư
Ngoài những lợi thế về vị trí địa lý, cơ sở hạ tầng và các vùng chuyên canh sản xuất lớn, Đồng Nai luôn quan tâm tạo điều kiện phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân khiến các nhà đầu tư khá yên tâm. Đặc biệt, hoạt động thu hút DN đầu tư vào nông nghiệp sạch, ứng dụng CNC cũng luôn được các cấp chính quyền từ tỉnh đến huyện, thành phố quan tâm, triển khai thực hiện với nhiều hình thức.
Hàng năm, Đồng Nai đã xây dựng chương trình xúc tiến đầu tư và các danh mục dự án kêu gọi đầu tư. Trong đó, đặc biệt ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, CNC, công nghệ sạch, cũng như quan tâm mời gọi đầu tư các dự án thuộc ngành nông nghiệp và công nghệ chế biến nông sản. Các ngành, địa phương tích cực tổ chức các hội nghị đối thoại với DN, kết nối DN với đơn vị sản xuất; kết nối đơn vị sản xuất với các bếp ăn tập thể; hướng dẫn, hỗ trợ DN lựa chọn địa điểm đầu tư; tổ chức, hỗ trợ DN, HTX tham gia xây dựng chuỗi liên kết, tham gia các hoạt động giao thương trong và ngoài tỉnh.
Theo ông Trần Vũ Hoài Hạ, Phó giám đốc Sở KH-ĐT Đồng Nai, thu hút DN đầu tư vào nông nghiệp có vai trò đặc biệt đối với khu vực nông nghiệp, nông thôn vì không chỉ tạo ra việc làm, thu nhập cho người lao động, tăng kim ngạch xuất khẩu, mà còn góp phần xây dựng nông thôn mới. Đây cũng là giải pháp thực hiện thành công đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Về chính sách khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, tỉnh đang triển khai 2 cụm công nghiệp gồm: Cụm công nghiệp Long Giao (huyện Cẩm Mỹ) và Cụm công nghiệp Phú Túc (huyện Định Quán). Cả hai cụm công nghiệp này ưu tiên thu hút các DN đầu tư chế biến nông sản theo hướng chế biến sâu, chế biến tinh, hình thành nên các chuỗi giá trị, nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả sản xuất, giải quyết đầu ra cho nông sản, tăng thu nhập cho người dân, phát triển nông nghiệp xanh.
Trao đổi với NNVN, ông Trần Lâm Sinh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Đồng Nai cho biết: Đồng Nai nói riêng, vùng Đông Nam Bộ nói chung, là khu vực trọng điểm của cả nước trong thu hút đầu tư chế biến các sản phẩm chăn nuôi cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Trong đó, nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn đã đầu tư nhà máy chế biến sản phẩm chăn nuôi xuất khẩu với quy mô lớn, đạt chuẩn xuất khẩu vào những thị trường khó tính. Đây cũng là khu vực các doanh nghiệp ưu tiên chọn lựa đầu tư phát triển vùng chăn nuôi cung cấp nguyên liệu cho hoạt động chế biến, xuất khẩu.
Theo ông Sinh, quan điểm của địa phương là hỗ trợ, tạo môi trường thuận lợi cho DN phát triển. Hàng năm, tỉnh đều tổ chức các hoạt động đối thoại với DN, kịp thời nắm bắt và hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho DN. Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn ghi nhận những ý kiến phản ánh của DN và sẽ tiếp tục làm việc để hỗ trợ DN tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thời gian tới.
“Nông nghiệp CNC là một trong những mục tiêu đột phá của tỉnh Đồng Nai, vì có nhiều lợi thế thu hút doanh nghiệp, nông dân đầu tư vào mô hình này. Các địa phương cần tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp, nông dân đầu tư nhân rộng các mô hình nông nghiệp ứng dụng CNC phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương”, ông Võ Văn Phi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai nhấn mạnh.
Nguồn: nongnghiep.vn