Hơn 731 nghìn tỷ đầu tư du lịch sinh thái tại VQG Tam Đảo
Công ty Cổ phần Nam Tam Đảo đang đề xuất thuê 68 ha môi trường rừng đặc dụng Tam Đảo, thời hạn thuê 30 năm để triển khai dự án du lịch sinh thái. Diện tích thuê môi trường rừng thuộc tiểu khu 102 và 105A thuộc phân khu hành chính – dịch vụ Vườn quốc gia Tam Đảo (xã Trung Mỹ, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc). Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 731,480 nghìn tỷ đồng.
Các loại đất trong khu vực thuê bao gồm: đất trống, vườn, nhà, nương rẫy, cây bạch đàn, chuồng gia súc… (24,61 ha); Rừng tái sinh phục hồi (21,48 ha); Rừng hỗn giao, gồm cả mặt nước, đường (12,96 ha); Rừng trồng thông, keo (gồm cả mặt nước, đường): 8,95 ha.
Trong hồ sơ dự án thuyết trình, chủ đầu tư cho biết kết quả điều tra, đánh giá hiện trạng tài nguyên sinh học của khu vực thực hiện dự án có tổng trữ lượng gỗ trong khu vực là hơn 5,5 ngàn m3, trong đó gỗ rừng tự nhiên là gần 1,7 ngàn m3; gỗ rừng trồng là 3,8 ngàn m3, tổng số cây tre nứa là 853.575 cây.
Không bắt gặp các loài thực vật quý hiếm có giá trị cần được bảo tồn tại khu vực dự án; các loài động vật phân bố tại đây chủ yếu là các loài phổ biến phân bố rộng, kích thước nhỏ như chim trích, chim sẻ, gõ kiến…; các loài thú chuột, dúi… và các loài bò sát như thằn lằn, rắn…
Tiến độ thực hiện dự án là 36 tháng chia làm hai giai đoạn: giai đoạn 1 với 60,15 ha và giai đoạn 2 với 7,85 ha. Khi khai thác, số lượng khách ước tính 175.000 khách/năm. Trong đó, giai đoạn 1 sẽ bố trí hơn 2,3ha làm khu dừng chân nghỉ ngơi; 0,5ha đất nhà hàng – dịch vụ (tầng cao tối đa 2 tầng); 9,2ha đất cây xanh dịch vụ; 1,8ha đất dịch vụ – sinh hoạt cộng đồng (tầng cao tối đa 3 tầng); 0,3ha đất quảng trường, sân lễ hội; 4ha đất cây xanh cảnh quan; 3,2ha đất hạ tầng kỹ thuật; 3,5ha đất mặt nước…
Thận trọng trước các nguy cơ tác động xấu đến môi trường
Hồ sơ lấy ý kiến tham vấn ĐTM, chủ dự án xác nhận: đối chiếu theo quy định của pháp luật về môi trường, dự án thuộc đối tượng quy định tại số thứ tự 2 (Dự án nhóm A và B có cấu phần xây dựng được phân loại theo tiêu chí quy định của pháp luật đầu tư công, xây dựng), số thứ tự 7 (Dự án có sử dụng đất từ 01 ha của khu bảo tồn thiên nhiên; sử dụng đất rừng tự nhiên từ 20 ha) Mục 3 Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.
Do đó, Dự án thuộc nhóm I có nguy cơ tác động xấu đến môi trường và có yếu tố nhạy cảm về môi trường quy định tại điểm c khoản 4 Điều 28 Luật Bảo vệ môi trường, Dự án phải thực hiện ĐTM.
Báo cáo nhận dạng các đối tượng bị tác động, yếu tố nhạy cảm về môi trường khu vực thực hiện dự án cho biết, đối tượng bị tác động là môi trường không khí tại khu vực dự án và xung quanh dự án; Môi trường nước mặt tại khu vực suối Theo Cầu có khả năng bị ô nhiễm do các hoạt động thi công và vận hành dự án;
Các yếu tố nhạy cảm là suối Theo Cầu (nơi tiếp nhận trực tiếp nước thải sau xử lý của dự án); hồ Thanh Lanh (nơi tiếp nhận nguồn nước từ suối Theo Cầu chảy về, nguồn nước tại hồ có nhiệm vụ chính giữ nước phục vụ tưới cho khoảng 160 ha đất canh tác nông nghiệp, cải thiện môi trường sinh thái và cấp nước sinh hoạt cho dân cư vùng hạ lưu công trình; Đất cây xanh lâm nghiệp được xác định là vùng bảo tồn thiên nhiên có diện tích 352.167,3 m2 được giữ nguyên hiện trạng.
Trong khu vực triển khai dự án có khoảng 15 hộ dân địa phương đang canh tác. Vườn quốc gia Tam Đảo đã phối hợp với nhà đầu tư và chính quyền địa phương hỗ trợ tài sản hoa màu, vật nuôi cho các hộ dân. 13 hộ dân đã nhận hỗ trợ, thu dọn lều lán, nhà tạm, cây cối, chuồng trại vật nuôi… bàn giao lại đất cho Vườn quốc gia Tam Đảo. Hiện đang vận động 2 hộ dân còn lại nhanh chóng tận thu hoa màu, thu dọn lều trại để bàn giao lại đất cho Vườn quốc gia Tam Đảo.
Trong khu vực dự án có một số nhà tạm, chòi của các hộ dân tự khai hoang để trông coi cây bạch đàn, keo, chăn nuôi… Các khu vực thuộc dự án chưa tiến hành xây dựng, hiện nay là đất đồi núi, đất trống và đất cây xanh mọc tự nhiên.
Trong phạm vi khu đất dự án không có các công trình văn hóa, lịch sử, tôn giáo, tín ngưỡng, không có mồ mả thuộc diện di dời và giải tỏa. Đền Thượng Thanh Lanh cách dự án khoảng 3,2 km. Chùa Thanh Lanh cách khu vực dự án khoảng 4,2 km.
“Để hạn chế, giảm thiểu những tác động bất lợi do dự án gây ra trong quá trình triển khai, nhà đầu tư cam kết thực hiện nghiêm túc các biện pháp giảm thiểu đã nêu trong báo cáo đánh giá tác động môi trường này nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những tác động tiêu cực đến môi trường tự nhiên và xã hội. Đồng thời, chịu sự giám sát về công tác quản lý và bảo vệ môi trường của các cơ quan chức năng trong tất cả các giai đoạn của dự án”, báo cáo cho biết.
Thông tin với Báo Nông nghiệp Việt Nam, ông Đỗ Thanh Hải (Giám đốc VQG Tam Đảo) cho biết, đơn vị đang báo cáo lên Cục Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT). Trước đó, ngày 20/1/2022, VQG Tam Đảo và Công ty Cổ phần Nam Tam Đảo đã ký Hợp đồng thuê môi trường rừng đặc dụng để kinh doanh Dịch vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí tại 2 phân khu 102 và 105A, thuộc phân khu Dịch vụ – Hành chính của VQG Tam Đảo; thời gian thuê rừng là 30 năm.
Tại báo cáo ĐTM, chủ đầu tư cam kết, Dự án thực hiện theo hình thức thuê môi trường rừng, sử dụng đất rừng để triển khai hoạt động xây dựng các công trình dịch vụ phục vụ du lịch sinh thái; bảo đảm nguyên tắc quy định tại pháp luật về lâm nghiệp: không chuyển mục đích sử dụng rừng đất rừng, không chuyển quyền sử dụng đất rừng. Quy mô diện tích 68 ha tại phân khu Dịch vụ – Hành chính của Vườn quốc gia Tam Đảo.
Nguồn: nongnghiep.vn