Hiệp hội Dừa Việt Nam vừa ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với Cục Than và Khí đốt (Bộ Năng lượng Belarus) nghiên cứu phân bón hữu cơ sinh học cho cây dừa.
Bà Nguyễn Thị Kim Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Dừa Việt Nam cho biết, ngày 9/2, trong khuôn khổ Hội chợ Thương mại Quốc tế Việt Nam lần thứ 21 tại TP.HCM (Vietnam EXPO 2023), hai bên cùng thống nhất phối hợp nghiên cứu phân bón hữu cơ sinh học trên nền than bùn Belarus dành cho cây dừa nhằm tăng năng suất, chất lượng dừa trên toàn lãnh thổ Việt Nam với 3 vùng khí hậu Bắc, Trung, Nam. Đồng thời, hỗ trợ nhau cùng phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm phân bón hữu cơ sinh học trên nền than bùn Belarus dành cho cây dừa tại Việt Nam, cũng như tiêu thụ những sản phẩm dừa tại Cộng hòa Belarus.
Theo đó, Hiệp hội Dừa Việt Nam sẽ cung cấp cho phía Belarus hai giống dừa là dừa cao (dừa công nghiệp) và dừa lùn (dừa uống nước) đang trồng tại Việt Nam cùng quy trình canh tác, các loại phân bón đang sử dụng cũng như quá trình phát triển dừa theo từng năm.
Về phía Belarus, sẽ trồng thử nghiệm trong vòng 4 năm đối với giống dừa lùn và 6 năm đối với giống dừa cao. Trong trường hợp thử nghiệm thành công khi khối lượng, độ ngọt của nước đối với dừa lùn và độ dày, béo của cơm dừa đối với dừa cao đang trồng tại Việt Nam, hai bên sẽ tổ chức chuyến thăm Việt Nam để thảo luận việc cung cấp phân bón hữu cơ sinh học trên nền than bùn của Belarus cho thị trường Việt Nam.
Ngoài ra, Hiệp hội Dừa Việt Nam sẽ phối hợp cùng đối tác Belarus tổ chức hội thảo giới thiệu phân bón hữu cơ sinh học của nước này cho dừa tại Việt Nam. Ngược lại, Belarus cũng sẽ tích cực tìm hiểu kỹ những sản phẩm dừa của Việt Nam để giới thiệu sản phẩm dừa tại quốc gia này trong thời gian sớm nhất.
Theo Hiệp hội Dừa Việt Nam, hiện cả nước có 90 doanh nghiệp ngành dừa và liên quan đến dừa, trong đó có 42 doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm từ dừa. Đặc biệt, cộng đồng doanh nghiệp ngành dừa đã mạnh dạn đầu tư công nghệ, vùng trồng nguyên liệu hữu cơ, nhiều trang trại dừa hàng trăm ha ra đời ở Tây Ninh, Khánh Hòa, Bình Thuận, Bình Định… mở ra cơ hội tăng trưởng cho xuất khẩu trong thời gian tới.
Đặc biệt, các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Phước, Tây Ninh… đã xuất hiện nhiều doanh nghiệp trồng trọt, sản xuất và xuất khẩu sản phẩm từ dừa, các sản phẩm liên quan đến dừa. Hiện gần 15 trang trại trồng dừa chuyên canh có diện tích trên 100ha mỗi trang trại ở các tỉnh Long An, Hậu Giang, Tây Ninh, Bình Thuận, Khánh Hòa, Bình Thuận.
Đầu năm 2023, tình hình kinh tế khó khăn nên ngành dừa sụt giảm nghiêm trọng, tuy nhiên, quý II và III/2023, ngành dừa đón nhận nhiều tin vui khi trái dừa được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Mỹ và một số nước châu Âu; Trung Quốc đang xem xét tích cực cho trái dừa Việt Nam thâm nhập thị trường lớn thứ hai thế giới.
Hiện ngành dừa Việt Nam có vị trí quan trọng trên thế giới với diện tích khoảng 200.000ha. Dừa đang là nguồn thu nhập của gần 390.000 hộ nông dân. Ước tính đến năm 2024, kim ngạch xuất khẩu dừa và các sản phẩm từ dừa của nước ta dự kiến sẽ đạt 1 tỷ USD, thậm chí có thể cao hơn, đưa ngành dừa trở thành ngành sản xuất, xuất khẩu mũi nhọn, khai thác tối đa hiệu quả và nâng cao giá trị từ cây dừa.
Nguồn: nongnghiep.vn