Ngày 10/12, tại Quảng Nam diễn ra Hội nghị quốc tế về du lịch nông thôn lần thứ nhất. Đây là sự kiện mang tính toàn cầu đầu tiên của Tổ chức Du lịch Liên Hợp Quốc (UN Tourism) về du lịch nông thôn, thu hút sự tham dự của hơn 300 đại biểu từ 50 quốc gia, đại diện cho các cơ quan quản lý cấp quốc gia và địa phương các nước thành viên UN Tourism và Việt Nam, các tổ chức quốc tế, cộng đồng du lịch và khu vực tư nhân.
Với mục tiêu xác định thách thức, chia sẻ kinh nghiệm tốt và thúc đẩy hợp tác du lịch nông thôn, hội nghị thảo luận và định hướng các chính sách phát triển du lịch nông thôn bền vững, đảm bảo phân phối công bằng lợi ích du lịch, tạo việc làm, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và văn hóa, hòa nhập xã hội, trao quyền cho cộng đồng địa phương và các nhóm dễ bị tổn thương, bao gồm phụ nữ, thanh niên và người dân bản địa.
Phát triển hệ thống điểm đến du lịch nông thôn da dạng
Phó Thủ tướng Lê Thành Long nhấn mạnh, du lịch là một ngành kinh tế quan trọng, ngành “công nghiệp không khói”, đóng góp ngày càng lớn vào nền kinh tế của các quốc gia và là xu hướng phát triển của tương lai.
Hầu hết các quốc gia trên thế giới rất quan tâm đầu tư phát triển du lịch theo hướng xanh, thân thiện và bền vững.
Hiện nay, có rất nhiều hình thức, mô hình du lịch phong phú, đa dạng, như du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch khám phá, du lịch chữa bệnh…; trong đó, du lịch nông thôn đang ngày càng phổ biến và phát triển.
Phó Thủ tướng Lê Thành Long nêu rõ, phát triển du lịch nông thôn vừa thúc đẩy chuyển dịch kinh tế, giảm khoảng cách phát triển giữa nông thôn và thành thị; vừa quảng bá, tôn vinh, bảo tồn, bồi đắp, phát triển và lan tỏa các giá trị độc đáo của địa phương, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân.
Đặc biệt, UN Tourism đang mở rộng triển khai “Chương trình du lịch vì sự phát triển nông thôn” nhằm góp phần bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, văn hóa, trao quyền cho cộng đồng và tạo công ăn việc làm. Đây là một chương trình hết sức ý nghĩa và phù hợp với 3 trụ cột phát triển bền vững là kinh tế, xã hội và môi trường.
“Điều này phù hợp với chiến lược phát triển và những tiềm năng khác biệt, lợi thế cạnh tranh, cơ hội nổi trội của Việt Nam với định hướng phát triển nhanh, bền vững, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn”, Phó Thủ tướng Lê Thành Long nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng Lê Thành Long nêu rõ, Chính phủ Việt Nam luôn quan tâm, ban hành và triển khai thực hiện nhiều cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp nông thôn, đưa du lịch nông thôn vào các chương trình phát triển lớn. Một trong những định hướng quan trọng đó là “phát triển sản phẩm đặc sản địa phương, làng nghề, phát triển kinh tế dịch vụ, du lịch nông thôn trên cơ sở bảo tồn và phát huy văn hóa địa phương”.
Đưa du lịch nông thôn trở thành động lực phát triển bền vững
Thời gian tới, Phó Thủ tướng Lê Thành Long cho rằng, cần có cách tiếp cận tổng thể nhằm đảm bảo thống nhất trong nhận thức và hành động về phát triển du lịch nông thôn bền vững. Mọi chiến lược phát triển cần đặt trọng tâm vào việc bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, hệ sinh thái và di sản văn hóa địa phương, song song với phát triển kinh tế.
Phát triển du lịch nông thôn cần dựa trên các vấn đề cốt lõi, đó là: Luôn đặt lợi ích lâu dài của cộng đồng địa phương lên trước hết; cung cấp các giá trị trải nghiệm đích thực cho du khách, đồng thời phải tôn trọng và bảo tồn các giá trị tốt đẹp, đặc sắc của khu vực nông thôn được lan tỏa và trường tồn.
Đặc biệt, cần tăng cường trao đổi kinh nghiệm và chia sẻ các mô hình tốt, cách làm hay về phát triển du lịch nông thôn. “Những sự kiện ý nghĩa như hội nghị ngày hôm nay là dịp tốt để các quốc gia, tổ chức và cá nhân chia sẻ, học hỏi lẫn nhau về chính sách, cơ chế quản lý, giải pháp ứng dụng công nghệ, trí tuệ nhân tạo… nhằm nâng cao hiệu quả quản lý và phát triển du lịch nông thôn”, Phó Thủ tướng nói.
Bên cạnh đó, cần thúc đẩy hợp tác quốc tế và đẩy mạnh quan hệ đối tác công-tư trong phát triển du lịch nông thôn. Trong đó, cần thiết lập và mở rộng mạng lưới kết nối giữa các nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp, tổ chức tài chính, nhà đầu tư và cộng đồng người dân địa phương.
“Việt Nam sẵn sàng tiếp tục hợp tác tích cực với cộng đồng quốc tế và UN Tourism triển khai những sáng kiến, cách làm mới để phát triển du lịch nông thôn theo phương châm ‘mỗi làng một sản phẩm’, ‘mỗi người dân là một đại sứ du lịch’, ‘mỗi địa phương – một sản phẩm du lịch đặc sắc’, Phó Thủ tướng Lê Thành Long nhấn mạnh.
Nguồn: nongnghiep.vn