Tập trung các giải pháp chống khai thác IUU
Ngày 16/12, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến dẫn đầu đoàn công tác của Bộ NN-PTNT làm việc với UBND Kiên Giang về công tác chống khai thác IUU, xây dựng trung tâm nghề cá lớn và chiến lược phát triển ngành thủy sản. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lê Quốc Anh cùng lãnh đạo các Sở, ngành liên quan tiếp và làm việc với đoàn.
Đối với nhiệm vụ chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (khai thác IUU), đoàn công tác yêu cầu tập trung vào 3 nội dung chính là quản lý đội tàu khai thác, truy xuất nguồn gốc thủy sản, xử lý tàu cá vi phạm.
Ông Lê Hữu Toàn, Giám đốc Sở NN-PTNT Kiên Giang cho biết, tính đến ngày 13/12/2023, toàn tỉnh Kiên Giang có 8.209 tàu cá đã đăng ký, trong đó tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên là 3.631 tàu. Đến nay đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình 3.607/3.631 tàu và tổ chức giám sát hành trình tàu cá 24/7, còn lại 24 tàu nằm bờ không đi khai thác nên chủ chưa lắp đặt.
Tổ thanh tra, kiểm tra nghề cá tại cảng cá đã kiểm tra 2.954 lượt tàu cập cảng, rời cảng, trong đó tàu trên 24m là 710 lượt, tàu dưới 24m là 2.244 lượt. Kết hợp với các tỉnh ven biển quản lý và kiểm soát hoạt động tàu cá, xác nhận và chứng nhận nguyên liệu nguồn gốc thủy sản khai thác.
Đến hết tháng 11/2023, đã cấp 116 giấy xác nhận nguyên liệu với khối lượng 2.097 tấn, cấp 177 giấy chứng nhận nguồn gốc khai thác thủy sản với khối lượng 1.729 tấn để chế biến xuất khẩu.
Về thực thi pháp luật thủy sản và xử lý tàu cá vi phạm, thời gian qua, lực lượng chức năng ngành nông nghiệp, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển 4, Kiểm ngư vùng 5 đã xử phạt 145 thiết bị giám sát hành trình với tổng số tiền hơn 21 tỷ đồng. Trong đó, tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 89 thiết bị của 41 chủ tàu với tổng số tiền hơn 19,6 tỷ đồng.
Ông Phạm Ngọc Tuấn, Phó Trưởng phòng Quản lý Tàu cá và Cơ sở hạ tầng dịch vụ nghề cá, Cục Thủy sản, đánh giá qua kiểm tra thực tế cũng như hồ sơ lưu tại càng cá Tắc Cậu (huyện Châu Thành), đơn vị đã thực hiện tốt chức trách của cảng chỉ định. Tuy nhiên, hiện nay tàu cá về cập cảng bốc dỡ hàng thủy sản rất ít, chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng sản lượng khai thác của Kiên Giang (chưa tới 10%). Vì vậy, Kiên Giang cần phải tuyên truyền cho chủ tàu, đẩy mạnh việc kiểm soát sản lượng cá lên cảng ít nhất phải đạt từ 60-70% thì mới quản lý tốt nghề cá.
Ông Lê Quốc Anh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cho biết, 3 nội dung mà đoàn công tác của Bộ NN-PTNT làm việc với tỉnh có liên quan với chặt chẽ với nhau, giúp Kiên Giang phát triển ngành thủy sản hiện đại, có trách nhiệm và bền vững. Nhất là về hoạt động chống khai thác IUU sẽ giúp cho lực lượng chức năng tỉnh Kiên Giang kịp thời chấn chỉnh, khắc phục những thiếu sót còn tồn tại, để thực hiện hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Ông Lê Quốc Anh chỉ đạo cần phải tăng cường quản lý tàu “3 không”: Tiếp tục tổng kiểm tra, rà soát tàu cá “3 không” và tổ chức cho đăng ký, đăng kiểm, cấp Giấy phép khai thác khi đảm bảo điều kiện. Mở đợt cao điểm tuần tra, kiểm soát nhằm ngăn chặn tình trạng tàu “3 không” tham gia khai thác trên biển. Đến tháng 4/2024, cơ bản kiểm soát được nhóm tàu “3 không”.
Đầu tư trung tâm nghề cá lớn tại Kiên Giang
Trước đó, chiều 15/12, đoàn công tác của Bộ NN-PTNT cùng với lãnh đạo ngành nông nghiệp tỉnh Kiên Giang đã đi kiểm tra thực tế tại cảng cá Tắc Cậu (huyện Châu Thành) về công tác quản lý cập cảng, bốc dỡ hàng thủy sản đánh bắt và truy xuất nguồn gốc. Khảo sát địa điểm đầu tư xây dựng dự án Trung tâm nghề cá lớn Kiên Giang (tại xã Tây Yên A, huyện An Biên), với diện tích được quy hoạch gần 55ha.
Tiểu dự án Trung tâm nghề cá lớn tỉnh Kiên Giang thuộc dự án phát triển thủy sản bền vững của Bộ NN-PTNT, được thực hiện bằng nguồn vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB). Trong đó có cảng cá động lực, bến cập tàu, hệ thống hạ tầng đồng bộ, khu tránh trú bão cho tàu cá… với tổng vốn đầu tư khoảng 946,7 tỷ đồng.
Theo rà soát, đối chiếu, dự án Trung tâm nghề cá lớn tỉnh Kiên Giang phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đã được UBND tỉnh Kiên Giang phê duyệt. Báo cáo nghiên cứu khả thi tiền dự án diện tích hơn 17ha trên đất và gần 119ha vùng nước, ảnh hưởng khoảng 124 hộ dân cần phải di dời, bố trí tái định cư.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lê Quốc Anh đánh giá việc Kiên Giang được Bộ NN-PTNT ưu tiên chọn đầu tư Trung tâm nghề cá lớn giúp tỉnh phát triển nghề cá hiện đại. Cảng cá này không chỉ phục vụ cho tàu đánh bắt mà đối với cả thủy sản nuôi trồng. Vì vậy, cần phải triển khai ngay các phần việc liên quan để thực hiện dự án trung tâm nghề cá, quy hoạch, giải phóng mặt bằng, các chính sách hỗ trợ, sinh kế cho các hộ dân liên quan.
Chiến lược phát triển ngành thủy sản
Kiên Giang là tỉnh có điều kiện phát triển ngành thủy sản cả trên biển, quanh các đảo và trong đất liền. Sản lượng thủy sản hằng năm của tỉnh đạt khoảng 800.000 tấn, phần lớn vẫn là thủy sản khai thác. Vì vậy, cần có chính sách khuyến khích phát triển nuôi biển, tăng sản lượng nuôi trồng, giảm khai thác.
Ông Lê Quốc Anh cho biết, tỉnh Kiên Giang có đề án phát triển nuôi biển đã được phê duyệt, có kế hoạch, lộ trình thực hiện. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là công tác giao mặt nước biển còn nhiều vướng mắc, liên quan đến nhiều Bộ, ngành Trung ương. Nhiều tập đoàn lớn đã có chủ trương đầu tư vào nuôi biển tại Kiên Giang, như: Tập đoàn Mavin, Tập đoàn Australis, Công ty CP Nhựa Super Trường Phát (lồng nuôi biển).
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang khẳng định, tỉnh sẽ tập trung tổ chức tái cấu trúc ngành khai thác thủy sản. Trong đó, xây dựng cơ chế, chính sách chuyển đổi nghề cho chủ tàu, ngư dân không đủ điều kiện tham gia khai thác theo quy định, gắn với triển khai có hiệu cao Đề án Phát triển nuôi biển trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đến năm 2030, bằng giải pháp giao khu vực biển, hỗ trợ mô hình, đảm bảo sinh kế bền vững.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chỉ đạo, tỉnh Kiên Giang cần phải thay đổi quy trình nuôi hiện đại, thay thế lồng nuôi tự chế tạm bợ bằng lồng nhựa HPDE, thay đổi thức ăn tươi từ nguồn cá tự nhiên sang thức ăn công nghiệp; Quy hoạch các vùng nuôi thủy sản trên biển kết hợp nuôi thêm các loại rong biển để làm thực phẩm, dược liệu…;
Vùng ven biển trong bờ, với lợi thế nuôi tôm – lúa có diện tích lớn nhưng sản lượng còn thấp, cần tăng cường kỹ thuật để nâng cao năng suất, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm tôm sinh thái và lúa hữu cơ.
Đồng thời, Thứ trưởng giao cho Cục Thủy sản phối hợp với tỉnh Kiên Giang triển khai tổ chức hội thảo phát triển nuôi biển, nuôi tôm – lúa tại Kiên Giang trong thời gian tới.
Tính đến cuối tháng 11/2023, đã cập nhật vào cơ sở dữ liệu quốc gia 931 vụ vi phạm với số tiền hơn 49 tỷ đồng. Trong đó, năm 2022 có 276 vụ và năm 2023 là 655 vụ. Lũy kế từ năm 2020 đến nay, tỉnh Kiên Giang đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính 65 vụ, tịch thu 55 tàu cá, với tổng số tiền xử phạt hơn 55 tỷ đồng.
Nguồn: nongnghiep.vn