Hiện đại hóa công trình nước sạch
Nhằm đảm bảo cung cấp nước sinh hoạt an toàn và hợp vệ sinh cho người dân, nhất là ở các khu vực vùng sâu, vùng xa, Tây Ninh đã chú trọng hiện đại hóa các công trình cấp nước sạch nông thôn. Nhiều dự án đầu tư cơ sở hạ tầng nước sạch đã được triển khai, bao gồm việc xây dựng và nâng cấp các trạm cấp nước, hệ thống đường ống dẫn nước, cũng như các nhà máy xử lý nước với công nghệ hiện đại.
Vừa mới hoàn thành, dự án “Nâng cấp hệ thống cấp nước khu dân cư Sài Gòn 2 (xã Tân Hòa, huyện Tân Châu) đã mang lại niềm vui cho người dân địa phương, trong tương lai không còn lo tình trạng thiếu nước sạch như nhiều năm qua.
Theo Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường tỉnh Tây Ninh, dự án gồm các hạng mục xây dựng trạm cấp nước sạch cạnh bờ hồ Dầu Tiếng tại ấp Cây Khế, xã Tân Hòa, huyện Tân Châu với công suất thiết kế 100m3/giờ, bảo đảm cung cấp nước sạch cho khoảng 2.580 hộ dân tại 4/6 ấp của xã Tân Hòa là Cây Khế, Tân Thuận, Con Trăn, Cây Cầy.
Ngoài xây dựng trạm cấp nước với công suất 100m3/giờ cạnh bờ hồ Dầu Tiếng tại ấp Cây Khế, Dự án còn cải tạo trạm cấp nước ấp Tân Thuận và trạm cấp nước cầu Sài Gòn 2 hiện hữu thành trạm bơm tăng áp cấp nước cho các hộ dân; mở rộng mạng lưới cấp nước sạch từ trạm cấp nước đến ấp Cây Khế, tăng áp cho trạm cấp nước Tân Thuận và trạm cấp nước cầu Sài Gòn 2.
Đặc biệt, trong năm 2023, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường tỉnh Tây Ninh còn tiếp nhận, đưa vào vận hành, khai thác hệ thống cấp nước khu đô thị Mộc Bài với công suất cấp nước 7.000 m3/ngày đêm, phục vụ cung cấp nước sạch cho người dân; điểm nhấn của hệ thống là ứng dụng công nghệ 4.0 vào công tác quản lý, vận hành và khai thác. Theo đó, Trung tâm đã ứng dụng công nghệ tự động hóa qua hệ thống thông minh SCADA.
Ông Nguyễn Thái Dương, Trưởng phòng kỹ thuật nước – Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường tỉnh Tây Ninh cho biết, hệ thống SCADA thu thập dữ liệu từ các cảm biến và thiết bị trong toàn bộ nhà máy, việc giám sát thời gian thực cho phép phát hiện sớm các sự cố, như rò rỉ, mất điện hoặc trục trặc máy móc, để có thể nhanh chóng khắc phục.
Ngoài ra, quá trình vận hành được tự động hóa từ lọc nước, bơm nước, cho đến xử lý và phân phối nước. Điều này không chỉ giảm sự phụ thuộc vào lao động thủ công, giảm sai sót do con người mà còn tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên như năng lượng và hóa chất, giúp nhà máy hoạt động bền vững hơn, bảo vệ môi trường.
Song song đó, SCADA còn hỗ trợ giám sát và kiểm soát các thông số quan trọng trong quá trình xử lý nước như pH, độ đục, nồng độ hóa chất. Việc này đảm bảo rằng nước đầu ra luôn đạt chất lượng cao và an toàn cho người sử dụng. Các cảm biến và thiết bị kiểm tra chất lượng nước có thể được kết nối với SCADA để cảnh báo kịp thời khi phát hiện có dấu hiệu bất thường liên quan đến chất lượng nước.
Bên cạnh hệ thống SCADA, Trung tâm còn triển khai thành công phần mềm quản lý CITYWORK cho tất cả công trình cấp nước trên địa bàn nông thôn của tỉnh. Đồng thời, Trung tâm đã phối hợp với Viettel Tây Ninh để xây dựng kế hoạch ký kết hợp đồng điện tử với các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt như qua ví điện tử và ngân hàng. Bên cạnh đó, Trung tâm đang giới thiệu ứng dụng Zalo OA, giúp người dân dễ dàng tra cứu thông tin và thanh toán hóa đơn nước.
“Với sự phát triển của công nghệ, việc áp dụng các giải pháp 4.0 vào vận hành, quản lý, khai thác nước sạch là yếu tố quan trọng nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ và đảm bảo phát triển bền vững”, ông Huỳnh Tấn Phúc, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Tây Ninh nhấn mạnh.
Tiếp tục đồng bộ hệ thống cấp nước
Toàn tỉnh Tây Ninh hiện có 79 công trình cấp nước, đến ngày 30/6/2024, công suất hoạt động trung bình của các công trình cấp nước nông thôn đạt 55,04%, với trên 25 ngàn hộ dân sử dụng (đạt 85,38%), nâng tỷ lệ dân cư nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh toàn tỉnh đạt 99,7%, trong đó tỷ lệ dân cư nông thôn sử dụng nước sạch theo quy chuẩn đạt 69%.
Tuy nhiên, ông Huỳnh Tấn Phúc cho biết, các trạm cung cấp nước sạch đã được bao phủ rộng khắp các vùng nông thôn, nhưng nhìn chung, số hộ dân nông thôn sử dụng nước từ nguồn cung cấp này vẫn hạn chế.
Bên cạnh đó, đa số các công trình cấp nước hiện có trên địa bàn tỉnh được đầu tư xây dựng từ những năm 2000, có công nghệ xử lý nước đơn giản, lạc hậu, quy mô, công suất nhỏ (từ 50 – 500 hộ dân). Trên thực tế, có một số hạng mục công trình, thiết bị đã xuống cấp dẫn đến tình trạng thất thoát, thất thu nước sạch; đặc biệt ảnh hưởng biến đổi khí hậu, mực nước ngầm hạ thấp dẫn đến thiếu nguồn nước cung cấp đầu vào; chưa đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sạch ngày càng tăng cao của người dân.
Thời gian qua, được sự quan tâm, bố trí kinh phí thực hiện đầu tư xây dựng, nâng cấp sửa chữa, nâng công suất, năm 2023, Trung tâm đã đưa vào vận hành Công trình cấp nước khu dân cư Cầu Sài Gòn 2 tại ấp Cây Khế, xã Tân Hòa, huyện Tân Châu với công suất 2.300 m3/ngày đêm nhằm đảm bảo công tác cấp nước cho người dân xã Tân Hòa; đồng thời cấp bổ sung cho công trình cấp nước khu dân cư Sài Gòn 2 tại ấp Con Trăn và công trình cấp nước ấp Tân Thuận, nâng cao hiệu quả cấp nước liên khu vực.
Đây là các công trình có công suất thiết kế lớn, mạng lưới cấp nước trải dài trên địa bàn các ấp, các xã và là nền tảng cho đơn vị triển khai kết nối, đồng bộ hệ thống cấp nước, nâng cao hiệu quả khai thác.
Đặc biệt, mới đây, UBND tỉnh Tây Ninh hoàn thiện và trình các Bộ, ngành Trung ương dự án Nước sạch và vệ sinh nông thôn bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu từ nguồn vốn vay Ngân hàng Thế giới. Mục tiêu dự án sẽ xây mới và quản lý vận hành bền vững 2 hệ thống cấp nước liên huyện, phục vụ nhu cầu nước sinh hoạt cho khoảng 27.000 hộ dân thuộc 16 xã/3 huyện trên địa bàn tỉnh.
Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn kiến nghị Bộ NN-PTNT chủ trì, xúc tiến làm việc với các bộ, ngành, các tỉnh cùng tham gia dự án để hoàn chỉnh các thủ tục trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề xuất dự án Nước sạch và vệ sinh nông thôn bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu tỉnh Tây Ninh.
“Dự án khi được triển khai sẽ là bước chuyển đổi mạnh mẽ trong mô hình cấp nước bền vững đối với cấp nước sạch nông thôn, góp phần nâng cao khả năng tiếp cận nước sạch ở các khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh Tây Ninh”, ông Huỳnh Tấn Phúc, Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường tỉnh Tây Ninh cho biết.
Nguồn: nongnghiep.vn