Dấu ấn các công trình nước sạch
Chúng tôi theo chân cán bộ Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường tỉnh Tây Ninh đến thăm hệ thống cấp nước Mộc Bài. Đây là một trong những công trình hiện đại bậc nhất tỉnh Tây Ninh, với công suất 7.000m3/ngày, phục vụ hơn 5.000 hộ dân thuộc các xã biên giới phía Tây thị xã Trảng Bảng và một phần các xã biên giới huyện Bến Cầu. Từ khi có hệ thống cấp nước này, người dân nơi đây rất phấn khởi.
Anh Phan Văn Đạt – cán bộ quản lý vận hành nhà máy nước sạch Mộc Bài, là người dân tại địa phương nên thấu hiểu nỗi khổ của bà con khi không có nước sạch sử dụng. Theo anh Đạt, trước đây, người dân nơi đây chỉ phụ thuộc vào nguồn nước giếng, nước ao, người nào có tiền thì khoan giếng, nhưng do địa hình khu vực này trũng thấp, nước bị nhiễm phèn, vàng đục, dù biết là mất vệ sinh nhưng họ vẫn phải dùng.
Là một trong những hộ đầu tiên được thụ hưởng nước sạch, ông Trần Văn Tác ở ấp Voi, xã An Thạnh, huyện Bến Cầu cho biết thêm, trước đây luôn phải chịu cảnh “sống chung nước phèn”, dù có xử lý cỡ nào cũng không hết. Chính vì thiếu nguồn nước sạch, vào mùa khô phải mua nước sạch về dùng.
Nước sạch được một số người vận chuyển đến và bán cho người dân từ 60.000 đồng – 80.000 đồng/m3. Đa số người dân sống dựa vào nghề nông đã khó khăn, vào mùa khô lại phải bỏ tiền không ít để mua nước sạch sinh hoạt sử dụng nhưng chỉ dùng vào việc tắm, giặt. Gia đình nào có điều kiện mới mua thêm nước để sinh hoạt chung cho cả gia đình.
“Nay có nguồn nước sạch đạt quy chuẩn từ nhà máy nước Mộc Bài cung cấp, chúng tôi không còn phải mua nước. Giá nước sạch đạt quy chuẩn từ nhà máy nước cũng rẻ hơn so với mua nước lọc. Ngoài gia đình, gần như toàn bộ người dân các xã biên giới ở đây đều rất phấn khởi khi có nguồn nước đạt chuẩn hằng mơ ước để sử dụng sinh hoạt thoải mái”, ông Tác phấn khởi nói.
Anh Phan Văn Đạt cho biết thêm, Trung tâm tiếp nhận bàn giao, quản lý và đưa vào vận hành nhà máy Mộc Bài từ tháng 3/2023. Ban đầu công trình chỉ phục vụ 3.000 hộ, để phát huy hết công năng, Trung tâm Nước sạch đã tiến hành đấu nối, hoà mạng lưới tuyến ống hệ thống cấp nước Khu đô thị Mộc Bài với các tuyến ống hiện hữu của 7 công trình cấp nước tại thị xã Trảng Bàng. Đồng thời, Trung tâm cử cán bộ kỹ thuật hỗ trợ khảo sát, đấu nối, vào nước mới cho các hộ dân đăng ký sử dụng nước sạch từ hệ thống trong phạm vi tuyến ống hiện hữu.
“Hiện công tác vận hành, cấp nước của trạm từng bước đi vào ổn định, cung cấp nước liên tục 24 giờ/ngày phục vụ người dân xã An Thạnh, huyện Bến Cầu. Ngoài ra, khu vực xã Phước Bình và xã Phước Chỉ, thị xã Trảng Bàng cũng được nhà máy cung cấp nước phục vụ người dân từ 5 giờ đến 23 giờ hàng ngày. Trung tâm đang tiếp tục đồng bộ hệ thống cấp nước trên địa bàn, mở rộng đấu nối cung cấp nước sạch phục vụ đến người dân trong khu vực thời gian tới”, anh Đạt chia sẻ.
Đưa chính sách vào cuộc sống
Ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Tây Ninh cho biết thêm, mặc dù các trạm cung cấp nước sạch đã được bao phủ rộng khắp các vùng nông thôn, nhưng nhìn chung, số hộ dân nông thôn sử dụng nước từ nguồn cung cấp này vẫn hạn chế.
Nhằm giúp người dân, đặc biệt các hộ có điều kiện khó khăn được tiếp cận nguồn nước sạch, Sở NN-PTNT tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh Tây Ninh ban hành các quyết định hỗ trợ. Trong đó, điểm nhấn là Quyết định số 05/2018/QĐ-UBND về chính sách hỗ trợ hệ thống xử lý nước hộ gia đình nông thôn trên địa bàn tỉnh đến năm 2020. Đây là cơ sở để các huyện, thị xã và thành phố hỗ trợ lắp đặt 6.452 hệ thống xử lý nước hộ gia đình nông thôn với kinh phí thực hiện hơn 38,7 tỷ đồng, trong đó, ngân sách Nhà nước hỗ trợ hơn 36,55 tỷ đồng (chiếm khoảng 94%).
Mới đây, Sở NN-PTNT tiếp tục tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 56/2023/NQ-HĐND về chính sách hỗ trợ hệ thống xử lý nước sinh hoạt hộ gia đình nông thôn trên địa bàn tỉnh, với mục tiêu hỗ trợ hệ thống xử lý nước sinh hoạt hộ gia đình cho khoảng 6.684 hộ dân nông thôn thuộc các đối tượng nằm ngoài phạm vi cấp nước của các công trình cấp nước tập trung, với tổng kinh phí 40 tỷ đồng.
Song song đó, Nghị quyết số 64/2023/NQ-HĐND quy định chính sách hỗ trợ giá nước sạch sinh hoạt khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 (áp dụng từ ngày 1/1/2024) sẽ giúp các đối tượng thuộc gia đình có công với cách mạng; hộ đồng bào dân tộc thiểu số; hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp có mức sống trung bình trên địa bàn tỉnh được hỗ trợ 4.000 đồng/m3. Hộ gia đình thuộc khu vực nông thôn còn lại không thuộc đối tượng nêu trên là 3.000 đồng/m3. Định mức hỗ trợ không quá 10m3/hộ/tháng.
Đặc biệt, để bảo đảm cấp nước an toàn cho khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2024-2028, UBND tỉnh Tây Ninh đã ban hành Kế hoạch số 4064/KH-UBND, trong đó, mục tiêu cụ thể đến năm 2025: 100% dân số nông thôn trên địa bàn tỉnh được sử dụng nước hợp vệ sinh; tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn đạt 72% và giảm tỷ lệ thất thoát, thất thu nước sạch tại các công trình cấp nước nông thôn còn 15%. Tỉnh Tây Ninh phấn đấu đến năm 2030, 100% dân số nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh; tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn đạt 85%; tỷ lệ thất thoát nước sạch bình quân từ 15% trở xuống.
Để đạt được mục tiêu đề ra, cũng như khắc phục những khó khăn, tồn tại, ông Nguyễn Đình Xuân cho biết, trong giai đoạn tới, Sở NN-PTNT sẽ tiếp tục rà soát, đề xuất sửa chữa, nâng cấp, hoàn thiện các công trình cấp nước theo hướng hiện đại, đồng bộ, gắn với hệ thống giám sát vận hành công trình.
Bên cạnh đó, Sở NN-PTNT sẽ tham mưu UBND tỉnh, đề xuất đầu tư xây mới các công trình cấp nước có quy mô lớn, mang tính đồng bộ, liên xã, liên huyện, kết nối với các công trình cấp nước hiện hữu để công trình hoạt động hiệu quả, bền vững.
“Tỉnh ưu tiên đầu tư các công trình cấp nước, tạo nguồn cấp nước tại các khu vực nhiễm phèn, khan hiếm nguồn nước sạch, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh và tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào công tác quản lý, nhất là quản lý mạng lưới cấp nước trên cơ sở ứng dụng hệ thống thông tin địa lý…”, ông Nguyễn Đình Xuân nhấn mạnh.
Nguồn: nongnghiep.vn