Sầm Sơn bứt phá từ du lịch
Có thể nói rằng, đất Việt có rất nhiều bãi biển đẹp trải dài từ Bắc vào Nam. Nhưng, thiên nhiên đã ưu ái ban tặng cho vùng đất “tam vương, nhị chúa” này nhiều bãi biển đẹp kéo dài từ phía Bắc huyện Nga Sơn đến phía Nam huyện Tĩnh Gia (nay là thị xã Nghi Sơn), trong đó bãi biển Sầm Sơn là điểm nhấn, là bức tranh thủy mặc đẹp đến nao lòng. Đây không phải ý kiến chủ quan của người viết mà đánh giá của người nước ngoài khi nghiên cứu, khảo sát các bãi biển ở Việt Nam.
Theo tài liệu để lại, khi đánh giá về các bãi biển tốt nhất ở Việt Nam, người Pháp đã xếp bãi biển Sầm Sơn (Thanh Hóa) ở vị trí hàng đầu với những tiêu chí: Đẹp, bãi cát mịn, sạch, bãi tắm thoai thoải kéo dài ra phía biển, sóng biển phù hợp cho người tắm biển và nồng độ muối (độ mặn) rất phù hợp cho sức khỏe con người…
Ngoài bãi tắm đẹp, thiên nhiên còn ban phú cho nơi đây nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng, mà mỗi di tích, thắng cảnh, danh lam đều lung linh sắc màu huyền thoại. Chính bởi những ưu thế trên mà bãi tắm Sầm Sơn đã được người Pháp xây nhiều Villa, biệt thự trên núi Trường Lệ để nghỉ dưỡng.
Việc đầu tư xây dựng nhiều công trình phục vụ nghỉ dưỡng tại đây đã biến Sầm Sơn trở thành khu nghỉ mát nổi tiếng ở Đông Dương và dần trở thành bãi tắm lý tưởng thu hút du khách thập phương. Ngay đến vị vua cuối cùng của triều Nguyễn là Vua Bảo Đại cũng xây riêng cho mình một “hoàng cung” ở nơi đây để nghỉ ngơi và làm việc.
Không chỉ có bãi biển đẹp, Sầm Sơn còn hiển hiện nhiều thắng tích. Một hòn Trống Mái tình tứ lãng mạn, thắng tích độc đáo đó còn mãi đến ngày nay theo câu chuyện tình bất tử hóa đá… Mỗi khi du khách lên núi Trường Lệ ghé thăm hòn Trống Mái sẽ hình dung thấy một quá vãng xa xăm gợi về mối tình son sắt của đôi nam nữ thuở nào. Một đền Độc Cước được lập từ đời nhà Trần, được dựng lại vào thời Lê và đã qua trùng tu nhiều lần…
Trong suốt chặng đường 60 năm xây dựng và phát triển, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh, Đảng bộ, chính quyền cùng cộng đồng doanh nghiệp, thành phố Sầm Sơn đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng, góp phần đáng kể vào sự nghiệp phát triển toàn diện của tỉnh Thanh Hoá và công cuộc bảo vệ tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Sau 60 năm hình thành và phát triển (19/4/1963-19/4/2023) diện mạo đô thị Sầm Sơn đã đổi khác hoàn toàn. Sầm Sơn trở thành điểm du lịch hút khách bậc nhất phía Bắc đến, góp phần tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của thành phố Sầm Sơn nói riêng, tỉnh Thanh Hoá nói chung.
Trong giai đoạn 2021 – 2023, thành phố nhỏ nhất cả nước này đã đón được gần 14 triệu lượt khách du lịch, doanh thu ước đạt gần 25.000 tỷ đồng. Trong đó chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2023, thành phố Sầm Sơn đã đón khoảng 5,3 triệu lượt du khách, doanh thu ước đạt hơn 9.1 nghìn tỷ đồng, góp phần quan trọng để Thanh Hóa giữ vị trí thứ 4 của cả nước về số lượng lượt khách và doanh thu từ du lịch trong 6 tháng đầu năm 2023.
Một trong những yếu tố quan trọng góp phần làm thay đổi bộ mặt đô thị của thành phố là việc hàng loạt các “đại bàng” đã đầu tư hàng tỷ đô la vào mảnh đất này để hình thành nên quần thể nghỉ dưỡng FLC, khu du lịch sinh thái ven Sông Đơ, khu du lịch sinh thái – văn hóa Núi Trường Lệ, dự án Quảng trường Biển, dự án đô thị nghỉ dưỡng của Sun Group… Điều này đã biến Sầm Sơn đang trở thành trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng, tổ chức hội thảo, hội nghị và vui chơi giải trí tổng hợp, hiện đại mang tầm quốc gia và quốc tế của tỉnh Thanh Hóa.
Hiện nay, thành phố Sầm Sơn có 710 cơ sở lưu trú với hơn 25 nghìn phòng khách, trong đó trên 100 cơ sở lưu trú du lịch được xếp hạng từ 1 đến 5 sao với gần 7 ngìn phòng; 50 nhà hàng ăn uống có sức chứa từ 300 người trở lên và trên 250 cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, thương mại khác. Ước tính đến hết năm 2023, thành phố Sầm Sơn có 25 nghìn lao động du lịch.
Đến nay, Sầm Sơn đang từng bước hiện thực hóa lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Sầm Sơn phải tận dụng lợi thế của mình để phát triển du lịch mà thu lấy tiền…”, nhân dịp Người về thăm Sầm Sơn (năm 1960). Năm 2017, Sầm Sơn được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vinh danh là 1 trong 5 khu du lịch hàng đầu Việt Nam.
Trong định hướng phát triển chung không gian phát triển của tỉnh về 04 trung tâm kinh tế động lực, 5 trụ cột tăng trưởng, 6 hành lang kinh tế, thành phố Sầm Sơn giữ vai trò, vị trí rất quan trọng trong việc tăng cường liên kết, hợp tác với thành phố Thanh Hóa để phát huy vai trò trung tâm kinh tế động lực của tỉnh; cùng với thị xã Nghi Sơn là hạt nhân chủ chốt và là động lực cho hành lang kinh tế ven biển….
Sầm Sơn là trọng điểm du lịch của Thanh Hóa
Để hiện thực hoá mục tiêu phấn đấu xây dựng Sầm Sơn trở thành thành phố du lịch biển thông minh, hiện đại, hấp dẫn, thân thiện, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định rõ “du lịch” là 1 trong 5 trụ cột tăng trưởng của tỉnh, “phát triển du lịch” là 1 trong 6 Chương trình trọng tâm giai đoạn 2021-2025.
Đặc biệt, Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 26/11/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã xác định: Đến năm 2030 “xây dựng và phát triển thành phố Sầm Sơn trở thành đô thị du lịch trọng điểm quốc gia, điểm đến lý tưởng của du khách trong nước và quốc tế”; đến năm 2045 là “đô thị du lịch, vui chơi, giải trí độc đáo hàng đầu của cả nước”; cùng với đó là các cơ chế, chính sách đặc thù, có tính đột phá, tạo điều kiện thuận lợi để Sầm Sơn phát triển mạnh mẽ.
Ông Lương Tất Thắng, Bí thư Thành ủy thành phố Sầm Sơn cho biết: “Trước khi được thông qua cơ chế đặc thù, đề án phát triển Sầm Sơn, thành phố đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của Thường trực Tỉnh ủy, các sở, ban ngành trong tỉnh. Việc Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua cơ chế đặc thù về xây dựng và phát triển thành phố Sầm Sơn là bước tiến cực kỳ quan trọng để hiện thực hóa giấc mơ phồn thịnh. Đây cũng là trăn trở của nhiều thế hệ lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa và thành phố Sầm Sơn”, ông Thắng chia sẻ.
Để đạt được tiêu chí đô thị thông minh, hiện đại, hấp dẫn thân thiện, ông Thắng nhấn mạnh: “Nghị quyết số 7 xác định, việc đầu tư cho cơ sở hạ tầng được xem là vấn đề then chốt, vừa là vấn đề tiên phong. Đây là bước tiến quan trọng nhất để đưa Nghị quyết vào cuộc sống, phát huy hiệu quả. Nếu hạ tầng không đi trước thì sẽ không có nguồn lực, không mở rộng được không gian phát triển và không cải thiện được đời sống vật chất, tinh thần cho người dân”.
Theo ông Nguyễn Văn Thi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, để đạt được các mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 7, nhiệm vụ đặt ra cho chính quyền thành phố thời gian tới là tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng thông thoáng, minh bạch, hấp dẫn; giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, các nút thắt về đất đai, về hạ tầng, về thủ tục hành chính để thu hút các nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư chiến lược, có năng lực và tiềm năng tài chính lớn.
Đồng thời, thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng, nhất là các dự án lớn, trọng điểm. Huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư các dự án trọng điểm, mở rộng không gian đô thị và tăng tính kết nối với các địa phương khác, nhất là các khu vực kinh tế động lực. Tăng cường quản lý Nhà nước trong lĩnh vực đầu tư công; ưu tiên bố trí vốn tập trung để đầu tư các công trình trọng điểm, có tính đột phá và sức lan tỏa lớn, các công trình cấp bách. Xây dựng và phát huy tiện ích của hệ thống điều hành đô thị thông minh, gắn với xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế và xã hội số. Tăng cường liên kết với các huyện, thị xã, thành phố trong và ngoài tỉnh, từng bước mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế.
Quan tâm phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa – xã hội, đảm bảo hài hòa với phát triển kinh tế. Tăng cường công tác quản lý tài nguyên, môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Bảo đảm vững chắc quốc phòng – an ninh, trật tự an toàn xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế – xã hội. Tập trung xây dựng Đảng và hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở trong sạch, vững mạnh, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả.
Nguồn: nongnghiep.vn