Kích cầu tiêu dùng thông qua lễ hội cam
Qua 6 mùa, Lễ hội cam và các sản phẩm nông nghiệp đã khẳng định được ý nghĩa, vai trò kết nối nông sản Hà Tĩnh đến người tiêu dùng.
Theo Sở Công thương Hà Tĩnh, năm 2024 quy mô lễ hội dự kiến khoảng 100 gian hàng trưng bày cam và các sản phẩm chủ lực của địa phương cùng với các hoạt động văn hóa, du lịch, ẩm thực, ca nhạc. Thời gian mở cửa hàng ngày từ 7h30 đến 22h trong các ngày lễ hội (từ 15 – 17/11).
“Mục đích duy trì lễ hội cam là để quảng bá sản phẩm cam và các sản phẩm nông nghiệp của Hà Tĩnh đến với người tiêu dùng trong tỉnh, trong nước và nước ngoài (trực tuyến). Tạo cơ hội cho các tổ chức, đơn vị, cá nhân trao đổi kinh nghiệm sản xuất, nuôi trồng, bảo tồn giống, chuyển giao khoa học kỹ thuật, công nghệ áp dụng vào sản xuất nhằm mở rộng diện tích trồng cam, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm nông sản.
Đồng thời, nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành và nhân dân trong việc bảo vệ và phát triển thương hiệu hàng hóa; quảng bá sâu rộng về xuất xứ địa lý, thương hiệu cam và các sản phẩm của Hà Tĩnh”, lãnh đạo Sở Công thương nhấn mạnh.
Với điều kiện tự nhiên, khí hậu đặc trưng, Hà Tĩnh có nhiều sản phẩm cây ăn quả có múi nổi tiếng đã trở nên quen thuộc với người tiêu dùng như: bưởi Phúc Trạch, cam bù Hương Sơn, cam Khe Mây, cam chanh Vũ Quang, quýt khốp Kỳ Anh… Tuy nhiên, để gia tăng sản lượng tiêu thụ, các lễ hội xúc tiến thương mại như lễ hội cam hàng năm là cực kỳ cần thiết, đem lại hiệu quả thiết thực.
Ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Vũ Quang cho rằng, sau 6 năm tổ chức, lễ hội đã tạo được sự lan tỏa, mở rộng giao lưu hợp tác giữa nhà sản xuất và tiêu thụ. Tuy nhiên, để kích cầu tăng sản lượng cần có nhiều giải pháp để thu hút người tiêu dùng đến với lễ hội hơn nữa.
“Bình quân mỗi năm chúng tôi có 2 – 4 gian hàng cam, với sản lượng khoảng 20 tấn tham gia lễ hội. Giá bán tại lễ hội cao hơn tại vườn và quan trọng, tại đây sự hiện diện của cam Vũ Quang được nhiều người tiêu dùng biết đến hơn”, ông Sơn nói.
Đến thời điểm này, toàn huyện Vũ Quang đã có hơn 1.700ha cam cho thu hoạch, với năng suất bình quân 9 tấn/ha.
Chất lượng làm nên thương hiệu
Thông qua việc đưa tiến bộ kỹ thuật, xây dựng các mô hình canh tác cam VietGAP, theo hướng hữu cơ và hữu cơ, sản phẩm cam của huyện Vũ Quang luôn được thương lái tin tưởng thu mua tại vườn với giá cao hơn thị trường từ 10 – 30%.
Năm 2024, trang trại hơn 2ha của hộ anh Nguyễn Chiến Thắng, ở xã Thọ Điền tiếp tục áp dụng giải pháp nuôi “vệ sỹ” kiến vàng nhằm phòng chống một số đối tượng sinh vật gây hại trên cây cam, bưởi. Trang trại này đồng thời duy trì quy trình sản xuất hữu cơ, sử dụng hoàn toàn phân vi sinh bón cho cây, không phun thuốc BVTV nhằm nâng chất lượng sản phẩm.
Theo anh Thắng, năm 2023, trang trại của anh đăng ký sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, áp dụng biện pháp kỹ thuật nuôi kiến vàng để bắt các loại sâu, nhện làm thức ăn như: rầy, rệp, bọ trĩ, các loại sâu non ăn lá, nhện đỏ, nhện trắng, nhện vàng…, bảo vệ cây trồng. Kết quả, sản phẩm cam của trang trại đã được tổ chức chứng nhận Vinacontrol TP.HCM chứng nhận đạt chuẩn hữu cơ. Kể từ đó, giá bán sản phẩm tăng lên 20 – 30% so với sản xuất truyền thống.
“Trước đây giá bán cam chỉ dao động ở mức 15.000 – 20.000đ/kg nhưng cam hữu cơ chúng tôi bán giá thấp cũng khoảng 25.000đ/kg. Tuy nhiên, trở ngại hiện nay là người tiêu dùng chưa đánh giá đúng được giá trị của sản phẩm hữu cơ và thông thường nên đầu ra đang khá bấp bênh”, chủ trại cam nói.
Năm nay, dự kiến tổng sản lượng bưởi, cam chanh, cam bù của trại anh Nguyễn Chiến Thắng đạt khoảng 20 tấn, nếu bán với giá trung bình 25.000đ/kg, doanh thu đạt khoảng 500 triệu đồng.
Theo thống kê, đến thời điểm này, toàn huyện Vũ Quang có 10ha cây ăn quả có múi của 6 hộ/5 xã thực hiện mô hình sản xuất cam hữu cơ, nuôi thiên địch bảo vệ cây trồng.
Nguồn: nongnghiep.vn