Sản xuất nông nghiệp không gây mất rừng
Quy định của châu Âu về chống phá rừng (EUDR) là một trong những chính sách môi trường nổi bật nhất trong những năm trở lại đây, với những điểm tiến bộ về thương mại nông sản không gây mất rừng.
Ngay từ khi quy định mới ban hành, Việt Nam đã xác định: Xây dựng hệ thống dữ liệu đầy đủ và nhất quán về nguồn gốc nông sản là yếu tố then chốt trong các hồ sơ khai báo với châu Âu. Việt Nam nỗ lực trở thành quốc gia được đánh giá “rủi ro thấp” về gây mất rừng để được hưởng lợi từ các quy trình thẩm định đơn giản hơn.
Tuy nhiên, trước nhiều ý kiến trái chiều và khuyến cáo từ các nước xuất khẩu lớn, cuối năm 2024, châu Âu chính thức công bố hoãn 1 năm thời hạn thực thi EUDR. Theo quyết định mới, các doanh nghiệp lớn và các nhà điều hành sẽ có thời hạn đến ngày 30/12/2025 để tuân thủ đầy đủ các yêu cầu của EUDR. Trong khi đó, các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ sẽ được gia hạn đến ngày 30/6/2026.
“Với tinh thần chủ động và tích cực, Bộ NN-PTNT cùng các địa phương đã không chờ đợi quyết định trì hoãn từ EUDR”, TS. Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, chia sẻ. “Chúng tôi liên tục phổ biến thông tin và tổ chức các buổi tập huấn kỹ thuật dành cho doanh nghiệp, hiệp hội, địa phương và đặc biệt là nông dân, nhằm đảm bảo nông sản Việt Nam đáp ứng đầy đủ yêu cầu về truy xuất nguồn gốc”.
Việt Nam luôn kiên định với thông điệp của một nền nông nghiệp hiện đại. Trong nhiều chuyến đi quốc tế, Bộ NN-PTNT đánh giá cao Quy định này đã tạo động lực cho Việt Nam theo định hướng chiến lược của ngành nông nghiệp là minh bạch, trách nhiệm, bền vững và tăng trưởng xanh.
Đặc biệt, việc thực thi EUDR đòi hỏi sự phối hợp liên ngành rất cao. Nếu chỉ một trong bảy ngành hàng (gồm chăn nuôi gia súc, ca cao, cà phê, dầu cọ, cao su, đậu nành và gỗ) bị phân loại là “rủi ro cao”, nguy cơ cả ngành nông nghiệp của quốc gia đó cũng bị ảnh hưởng.
Trong giai đoạn đầu triển khai Kế hoạch hành động thích ứng với EUDR, Việt Nam xác định thách thức lớn nhất là thiếu hệ thống thông tin, dữ liệu định vị vườn trồng, bản đồ rừng tham chiếu vào mốc 31/12/2020 theo quy định của EUDR. Bên cạnh đó, cần có cơ chế phù hợp để đảm bảo sinh kế cho 600.000 nông hộ sản xuất quy mô nhỏ và siêu nhỏ, trong đó có một bộ phận sản xuất trên đất lâm nghiệp, đất gần rừng.
Sau hơn 1 năm thúc đẩy hợp tác công – tư từ các cấp Trung ương đến địa phương, tháng 12/2024, Việt Nam chính thức ra mắt hệ thống cơ sở dữ liệu rừng và vùng trồng cà phê tuân thủ EUDR. Nhóm Đối tác thích ứng EUDR đã thu thập thông tin, cơ sở dữ liệu 130.000ha rừng và 136.000ha cà phê tại 4 huyện sản xuất cà phê lớn nhất tại Lâm Đồng và Đắk Lắk.
Hành động tích cực của Việt Nam được Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) đánh giá là điểm sáng trong phát triển nông nghiệp bền vững. “Việt Nam đang đi đúng hướng trong việc thực thi các quy định của EUDR. Tuân thủ quy định EUDR sẽ tạo lợi thế cạnh tranh cho các doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu sang các thị trường khó tính khác”, bà Mara Grimminger – Đại diện Cơ quan truyền thông quốc tế, Tổng vụ Môi trường khẳng định.
Ngành cao su đã thích ứng với EUDR
Đầu tháng 12/2024, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) đã tổ chức Lễ công bố thích ứng quy định EUDR của Liên minh Châu Âu. Cụ thể, đến nay đã có 3 đơn vị thành viên của VRG đã hoàn thành việc đáp ứng theo yêu cầu EUDR, được khách hàng chấp nhận, gồm Tổng Công ty Cao su Đồng Nai, Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng và Công ty Cổ phần Cao su Chư Sê Kampong Thom (Campuchia).
Ông Huỳnh Tấn Siêu, Trưởng ban Công nghiệp của VRG, cho biết, sở dĩ VRG đã có thể công bố việc thích ứng với EUDR là do trong nhiều năm qua, Tập đoàn đã đẩy mạnh việc thực hiện quản lý rừng bền vững.
Từ năm 2019, VRG đã triển khai thực hiện Chứng chỉ quản lý rừng bền vững theo hệ thống chứng chỉ rừng Việt Nam VFCS/PEFC. Mà theo các tiêu chí đánh giá đáp ứng để đạt chứng chỉ quản lý rừng bền vững thì diện tích rừng trồng được chuyển đổi từ rừng tự nhiên sau ngày 31/12/2010 sẽ không được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững.
Đồng thời, rừng trồng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững phải có khả năng truy xuất nguồn gốc, có bản đồ hiện trạng sử dụng đất, có hệ thống quản lý bản đồ số, có ý kiến tham vấn các bên liên quan (người lao động, cộng đồng dân cư…) và hàng năm đều có tổ chức chứng nhận đánh giá giám sát… Ngoài ra, các diện tích cao su chưa thực hiện chứng chỉ rừng đều thực hiện trách nhiệm giải trình (DDS) cho sản phẩm gỗ và mủ cao su.
Chính nhờ đáp ứng tốt các yêu cầu về quản lý rừng bền vững, đến nay, toàn VRG đã có 18 đơn vị thành viên được cấp Chứng chỉ quản lý rừng bền vững theo VFCS/PEFC với diện tích khoảng 120.000ha cao su. 38 nhà máy chế biến cao su thiên nhiên, chế biến gỗ và sản phẩm công nghiệp cao su của VRG, cũng đã được cấp chứng nhận chuỗi hành trình sản phẩm PEFC-CoC. Hàng năm, các đơn vị thành viên của VRG đã có hơn 100.000 tấn mủ cao su các loại có Chứng chỉ quản lý rừng bền vững theo VFCS/PEFC.
Một yếu tố quan trọng khác là các diện tích cao su mà VRG đang quản lý đều được hình thành từ rất lâu, không có diện tích cao su nào được mở rộng sau năm 2020 có nguồn gốc từ rừng. Do đó qua rà soát các tiêu chí, các công ty có chứng chỉ quản lý rừng bền vững nói riêng và các công ty cao su thành viên của VRG nói chung, đều đáp ứng được hầu hết các yêu cầu của EUDR. Đây cũng là nền tảng và lợi thế để Tập đoàn thực hiện EUDR trong thời gian ngắn.
Đặc biệt, vào tháng 7/2024, PEFC quốc tế đã ban hành mô đun tích hợp PEFC EUDR DDS như là một phần của bộ tiêu chuẩn PEFC ST 2002. Đây là một mô đun tiêu chuẩn tự nguyện được thiết kế để bổ sung cho Tiêu chuẩn Chuỗi hành trình PEFC ST 2002 (PEFC CoC).
Cụ thể, PEFC EUDR DDS bao gồm các yêu cầu để xác định và giảm thiểu rủi ro từ các nguồn, được xác định bởi tiêu chuẩn Chứng nhận Chuỗi hành trình sản phẩm (PEFC CoC). Các doanh nghiệp đã được chứng nhận PEFC CoC có thể áp dụng PEFC ST 2002-1 để tuyên bố PEFC-EUDR như một hồ sơ chứng minh rằng thông tin cần thiết đã được thu thập và báo cáo thông qua việc triển khai đầy đủ EUDR DDS, đảm bảo không có hoặc có rủi ro không đáng kể đối với việc tuân thủ EUDR.
Trên cơ sở bộ tiêu chuẩn PEFC EUDR DDS đã được ban hành, VRG đã xác định sẽ ưu tiên thực hiện cho các công ty đã có chứng chỉ quản lý rừng bền vững VFCS/PEFC trước, từ đó tạo điều kiện thuận lợi để triển khai cho các công ty còn lại.
Tháng 9/2024, VRG đã phối hợp với Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, Văn phòng Quản lý rừng bền vững (VFCO), tổ chức tập huấn bộ công cụ PEFC EUDR DDS cho 22 công ty thành viên có Chứng chỉ quản lý rừng bền vững (VFCS/PEFC-FM) và Chứng nhận chuỗi hành trình sản phẩm (PEFC-CoC).
Riêng các đơn vị thành viên của VRG tại Campuchia và Lào, hiện chưa thực hiện được chứng chỉ quản lý rừng bền vững do các nước này chưa xây dựng Hệ thống chứng chỉ rừng Quốc gia.
Trước tình hình đó, VRG đã phối hợp với Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam và Viện Nghiên cứu Lâm sinh, tổ chức tập huấn thực hiện “Chứng chỉ chuỗi hành trình sản phẩm CoC, nguồn nguyên liệu có kiểm soát DDS và hướng dẫn tuân thủ quy định EUDR từ các chuỗi cung ứng nguyên liệu” nhằm thực hiện mục tiêu kép chứng nhận sản phẩm nguồn có kiểm soát PEFC-CoC-CS và bộ công cụ EUDR cho 15 công ty tại Campuchia và Lào.
Ông Trương Minh Trung, Phó Tổng Giám đốc VRG, khẳng định: “VRG sẽ quyết tâm hoàn thành đáp ứng EUDR đối với các công ty đã đạt Chứng chỉ quản lý rừng bền vững VFCS/PEFC trong quý I/2025, và phấn đấu hoàn thành đến hết quý II/2025 với các công ty tại Lào và Campuchia”.
Định vị cà phê Việt Nam trên bản đồ thế giới
Không chỉ ngành cao su, mà ngành cà phê cũng đã sẵn sàng trước EUDR. Là đơn vị dẫn đầu trong ngành cà phê tại Việt Nam và đồng Chủ tịch nhóm Đối tác phát triển nông nghiệp bền vững ở Việt Nam (PSAV), Nestlé Việt Nam đã tích cực phối hợp giải quyết các thách thức liên quan sản xuất cà phê không gây mất rừng.
Ông Binu Jacobs – Tổng Giám đốc Nestlé Việt Nam nhận xét, ngành cà phê Việt Nam đã không ngừng nâng cao chất lượng và khả năng truy xuất nguồn gốc. Bất chấp việc thời hạn thực thi EUDR được hoãn lại, những nỗ lực này sẽ tiếp tục được duy trì trong năm 2025.
Nhóm đối tác công tư thường xuyên trao đổi qua kênh Zalo của Bộ NN-PTNT, giúp các doanh nghiệp trong ngành cà phê và các lĩnh vực khác cùng thảo luận cách chuẩn bị tốt nhất cho EUDR. Bên cạnh đó, toàn chuỗi giá trị đang đẩy mạnh kiểm soát chất lượng, thực hành bền vững và hệ thống cơ sở dữ liệu đến tận vườn trồng.
Về phía Nestlé Việt Nam, công ty đã tích cực thúc đẩy phát triển bền vững thông qua các chiến lược thực tế. Một trong những sáng kiến nổi bật là chương trình hỗ trợ nông dân, giúp họ cải thiện sinh kế và kỹ thuật canh tác.
Hưởng ứng lời kêu gọi của lãnh đạo Nhà nước và Chính phủ Việt Nam ở nhiều diễn đàn quốc tế, Nestlé Việt Nam nhất trí với định hướng “đặt con người vào trung tâm của quá trình chuyển đổi số và chuyển đổi xanh, đảm bảo rằng các cộng đồng dễ bị tổn thương tại những vùng sâu, vùng xa được tiếp cận và hưởng lợi”. Để đạt được mục tiêu này, cần có những khoản đầu tư đáng kể vào hạ tầng xanh và số, cùng với sự hợp tác toàn cầu nhằm giải quyết các thách thức lớn như biến đổi khí hậu.
“Nông nghiệp là trụ cột quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, đóng góp gần 15% GDP. Sản xuất nông nghiệp từ nhiều đời nay đã gắn với văn hóa của các cộng đồng nông thôn, đảm bảo sinh kế và an ninh lương thực cho hàng triệu người dân”, ông Jacobs bày tỏ.
Tuy nhiên, ngành nông nghiệp đang đứng trước một ngã rẽ quan trọng, nơi các phương pháp truyền thống cần phải đổi mới để đối mặt với những thách thức cấp bách như biến đổi khí hậu, khan hiếm tài nguyên và nhu cầu phát triển bền vững.
Do đó, trong chương trình NESCAFÉ Plan, Nestlé Việt Nam phối hợp cùng Bộ NN-PTNT và Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI), hỗ trợ 21.000 nông dân giảm sử dụng nước và thuốc bảo vệ thực vật hóa học, từ đó cải thiện chất lượng đất.
Một lĩnh vực quan trọng khác là nguồn cung ứng có trách nhiệm. Nestlé Việt Nam làm việc chặt chẽ với các nhà cung cấp và các tổ chức cấp chứng nhận như 4C và Rainforest Alliance để đảm bảo nguyên liệu nông nghiệp đáp ứng các tiêu chuẩn bền vững.
Bên cạnh đó, nghiên cứu và phát triển (R&D) cũng được đầu tư đáng kể nhằm thúc đẩy nông nghiệp bền vững. Nestlé Việt Nam không chỉ cải thiện năng suất cây trồng mà còn giảm tác động đến môi trường, đồng thời phát triển các hệ thống canh tác linh hoạt, thích nghi tốt hơn với biến đổi khí hậu.
Trong bối cảnh hợp tác kinh tế và kỹ thuật ngày càng sâu rộng tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, Nestlé tập trung vào các ưu tiên chiến lược như thúc đẩy thương mại và đầu tư để tăng trưởng bao trùm, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo và số hóa nhằm hỗ trợ chuyển đổi kinh tế toàn cầu chính thức, đồng thời hướng tới tăng trưởng bền vững cho sự phát triển kiên cường.
Nhìn lại năm 2024, người đứng đầu Nestlé Việt Nam chúc mừng Bộ NN-PTNT đã chính thức ra mắt Trung tâm đổi mới sáng tạo lương thực – thực phẩm và nhóm Đối tác chuyển đổi hệ thống lương thực – thực phẩm với hơn 30 tổ chức quốc tế.
“Các sáng kiến này sẽ biến Việt Nam thành trung tâm cung ứng các sản phẩm nông nghiệp xanh, bền vững và ít phát thải. Nhờ đó, nước bạn sẽ thu hút thêm các nhà đầu tư xanh, đồng thời góp phần vào cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050”, ông Jacob đánh giá.
Đồng hành với Bộ NN-PTNT, Nestlé Việt Nam kiên định với cam kết phát triển bền vững. Doanh nghiệp sẽ tiếp tục đầu tư vào các phương pháp nông nghiệp tái tạo, mang lại giá trị lớn hơn cho cà phê Việt Nam. Công ty cũng nỗ lực giảm thiểu tác động đến môi trường và hỗ trợ sinh kế của nông dân thông qua nhiều sáng kiến và quan hệ đối tác, dựa trên mô hình phát triển nông nghiệp xanh tích hợp đa giá trị.
Ông Binu Jacobs – Tổng giám đốc Nestle Việt Nam, kêu gọi tất cả các bên liên quan hãy tận dụng quá trình chuyển đổi xanh để hợp tác, cùng nhau hiện thực hóa tầm nhìn chung về phát triển bền vững.
Nguồn: nongnghiep.vn